Màu xanh trên những "cánh đồng đỏ"

03:03, 03/03/2011
.

(QNg)- Uốn mình bên dòng sông Vệ hiền hòa, thơ mộng, những cánh đồng khổ qua, xà lách, bí đỏ, cải xanh, cải cuốn… ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cứ đong đưa khoe mình trước gió và niềm vui cũng hiện rõ trên khuôn mặt của những người trồng rau…

Những cánh đồng rau… trăm triệu!

Trên diện tích gần chục ha nằm nép mình bên dòng sông Vệ, một màu xanh trải dài ngút mắt, nào là xà lách giòn Đà Lạt, ớt Hàn Quốc, bắp sú, đậu cô ve… đua nhau khoe sắc.
 
Ông Huỳnh Văn Khanh - "vua trồng rau" ở thôn Nghĩa Lập phấn khởi khoe với tôi: "Có lẽ thấu hiểu được những khó nhọc, vất vả của người nông dân, nên sau những lần giận dữ, dòng sông Vệ lại bù đắp cho nông dân chúng tôi một lớp phù sa màu mỡ trên bãi đất này. Nhờ lớp phù sa ấy mà nhiều gia đình đã cất được nhà, nuôi con ăn học". Vừa nói ông vừa dẫn tôi tham quan những ruộng rau xanh mướt của gia đình.
 
Loại rau xà lách giòn (nguồn gốc từ Đà Lạt) đã “bén duyên” trên đất của gia đình ông Khánh (Nghĩa Lập, Đức Hiệp).                                                      Ảnh: MH
Loại rau xà lách giòn (nguồn gốc từ Đà Lạt) đã “bén duyên” trên đất của gia đình ông Khánh (Nghĩa Lập, Đức Hiệp). Ảnh: MH
Được sở hữu hơn 2.000m 2 đất bãi bồi ven sông, một năm ông Khanh không cho đất nghỉ ngơi, mà luôn tìm mọi cách biến đất phủ màu xanh của khổ qua, xà lách, bí lấy chồi, bắp, đậu phụng, ớt… thay nhau đâm chồi phát triển, mang về cho gia đình ông hơn 250 triệu đồng mỗi năm. "Bác không sợ đất bạc màu sao ạ" - Tôi hỏi? "Mình quý đất thì đất cũng không phụ mình" - ông trả lời nhanh. Nói đoạn ông lấy cho tôi xem cuốn "sổ tay chăm sóc" và trong danh mục ấy tuyệt nhiên không hề thấy có bất kỳ loại phân, thuốc hóa học nào được sử dụng. "Không chỉ riêng tôi, mà hầu hết bà con trồng rau ở đây đều ý thức được rằng, sử dụng phân, thuốc sinh học chính là quý trọng đất, quý trọng chính mình và mọi người" - ông Khanh cho biết. Ấy vậy mà chẳng trách dù canh tác liên tục, nhưng đất ở đây vẫn tơi xốp, rau tốt bời bời, xanh mơn mởn.

Rời cánh đồng rau nhà ông Khanh, tôi tản bộ qua 4 sào đất thổ đang mang trên mình các loại đậu, bắp, rau muống… của lão nông Lý Try (ở thôn Chú Tượng). "Nhìn những vạt đậu cô ve, bắp sú… trĩu quả, xanh mướt mà vui con mắt, mát cái bụng. Với lại, rau được mùa, được giá, nên nông dân phấn khởi lắm" - ông Try khoe. Chỉ với ngần ấy diện tích đất canh tác, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, luân canh xen vụ hợp lý nên gia đình ông Try đã gia nhập vào CLB trăm triệu đồng từ sản xuất rau.

Hiện nay trên địa bàn xã Đức Hiệp có khoảng vài chục hộ tham gia mô hình trồng rau sạch, rau an toàn, cam kết không sử dụng các loại phân, thuốc hóa học. Nhờ đó mà thu nhập của người dân đã tăng đáng kể, đời sống được nâng cao, con cái có điều kiện ăn học đàng hoàng hơn.

"Lúc đầu huyện thí điểm xây dựng những "cánh đồng đỏ" 70 triệu/ha, nhưng chỉ một thời gian ngắn con số này vọt lên gần 300 triệu đồng/ha, đã cho thấy hiệu quả lớn từ hướng đi này. Không chỉ góp phần vào cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, mà quan trọng hơn những "cánh đồng đỏ" đã tạo khí thế thi đua, hăng say lao động sản xuất, kích thích người dân không ngừng học hỏi, sáng tạo để áp dụng các biện pháp KHKT vào sản xuất theo hướng sạch, an toàn và hiệu quả. Hiện 13 xã, thị trấn của huyện đang nỗ lực để xây dựng ngày càng nhiều "cánh đồng đỏ" như thế này" - bà Nguyễn Thị Nhâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức khẳng định.

Vẫn còn những âu lo

Bên cạnh niềm vui được mùa, được giá, người trồng rau nơi đây vẫn khắc khoải một nỗi niềm: Tham gia trồng rau sạch để cung ứng ra thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng, nhưng đến chợ thì "vàng thau lẫn lộn", do người tiêu dùng chưa tin tưởng và đón nhận rau sạch; các cấp ngành chưa quan tâm quản lý, nên chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ. Mặc dù những diện tích sản xuất rau sạch ở Đức Hiệp và huyện Mộ Đức, đều được quy hoạch, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm hóa học trong chăm sóc.
 
Nhớ lại chuyện tự mình bảo hộ sản phẩm của mình, ông Khanh buồn nói: Vì tuân thủ theo quy trình làm rau an toàn nên chi phí sản xuất cao hơn, giá thành bán ra cũng "nhỉnh" hơn rau thường một tý. Nhưng đã ra đến chợ thì rau sạch, bẩn cũng như nhau. Suy nghĩ mãi tôi nảy ra sáng kiến là tự mua bao bì, nhờ Trung tâm Khuyến nông huyện kiểm tra, đóng dấu kiểm định rau đạt chất lượng, rồi mang ra chợ bán. Vậy nhưng chỉ được hai ba ngày thì khắp chợ cũng xuất hiện những mớ rau có bao bì, nhãn mác giống hệt của tôi, nhưng không phải do gia đình tôi sản xuất. Lại còn chuyện bị tư thương chèo kéo, ép giá lúc thu hoạch cao điểm nữa chứ. "Chúng tôi rất mong muốn các đơn vị cung ứng giống; hay công ty sản xuất phân, thuốc sinh học có hướng liên kết, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm" - ông Khanh cho hay. 

Trao đổi về vấn đề này với chúng tôi bà Nguyễn Thị Nhâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho rằng: Bảo vệ sản phẩm, ổn định đầu ra cho rau sạch không chỉ giúp nông dân trong vùng sản xuất rau an toàn của huyện yên tâm sản xuất, mà còn kích thích người dân ứng dụng KHKT vào sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên để thực hiện điều này có kết quả, chúng tôi rất cần sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, ngành liên quan, nhất là Chi cục quản lý thị trường, sớm có giải pháp bảo hộ cho rau sạch nói riêng, sản phẩm nông nghiệp nói chung của người dân.

                             MỸ HOA

.