"Bóp bụng" chi tiêu trong giai đoạn giá cả leo thang

02:03, 11/03/2011
.

(QNĐT)- Vàng, USD, điện, xăng dầu… đua nhau tăng giá đã đẩy giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm cùng "leo thang". Giá cả tăng cao khiến người tiêu dùng không còn cách nào khác là phải "bóp bụng" trong chi tiêu.  
 
Mọi thứ đều tăng
 
Loay hoay hoài ở các quày bán thực phẩm gần nửa tiếng đồng hồ nhưng chị Phạm Thị Liễu, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi vẫn chưa mua được những thứ mà mình cần. Chị chép miệng: "Em xem, từ con cá, thịt đến rau xanh, mắm muối đều tăng. Nhiều mặt hàng tăng từ 30- 40%, nếu đi chợ như mọi hôm thì không đủ. Trước kia đi chợ 100 ngàn là đủ cho gia đình ăn một ngày thì nay không thấm vào đâu." 
 
Thực phẩm tươi sống được xem là tăng cao nhất.
Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao nhất.
 
Quả thật, qua khảo sát một vòng chợ, chúng tôi nhận thấy dường như các loại thực phẩm đều đồng loạt tăng giá. Giá tăng, không chỉ người tiêu dùng than khổ mà ngay những tiểu thương buôn bán cũng than khó, bởi nhiều tiểu thương phải bỏ thêm một lượng vốn nữa mới có thể nhập hàng hóa về bán.
 
Chị Thanh, một tiểu thương ở Chợ Quảng Ngãi cho biết, giá nhiều mặt hàng tăng cao nên việc buôn bán cũng khó khăn hơn. Ngoài việc bỏ thêm lượng vốn để nhập hàng thì hàng hóa bán cũng chậm hơn, bởi người tiêu dùng đã tiết kiệm chi tiêu.  
 
Không chỉ có hàng thực phẩm tăng giá mà các mặt hàng ăn uống cũng tăng giá rất nhiều. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy tất cả các mặt hàng ăn uống từ ổ bánh mì, tô bún, dĩa cơm đều tăng giá.
 
Giá dịch vụ ăn uống tăng đã ảnh hưởng rất đến nhiều người nhất là một bộ phận cán bộ, nhân viên đi làm xa nhà và cả những học sinh, sinh viên. Anh Lê Văn Duy, cán bộ của một cơ quan tại phường Nguyễn Nghiêm bộc bạch: Nhà mình ở tận Bình Sơn nên vào đây làm việc mọi thứ đều tự túc từ thuê nhà trọ đến ăn uống. 
 
"Trước đây, mỗi tháng tiền nhà trọ, ăn uống, xăng đi lại đã chiếm hết 2/3 lương. Với giá cả tăng như hiện nay nếu không biết tiết kiệm thì chắc lượng không đủ để chi tiêu, đó là chưa kể những phát sinh khác" -Anh Duy chia sẻ. 
 
Mặt hàng rau xanh cũng tăng cao.
Giá mặt hàng rau xanh cũng tăng cao.
 
Quả thật, qua khảo sát  cho thấy, nếu cách đây 1 tháng, một ổ bánh mì bình thường chỉ 7.000 đồng, nay thì tăng lên 10.000 đồng. Còn tô bún, từ 15 ngàn lên 20 ngàn. Đó là chỉ vào những quán bình dân, còn vào những quán sang sang một tí thì giá một tô bún là 30 ngàn đồng, một dĩa cơm cũng hết 30 ngàn. 
 
Giá tăng cao, nhưng khổ nỗi chất lượng lại giảm. Nhiều người cho biết, hầu như tất cả các quán đều "giảm lượng" khẩu phần cho khách, mặc dù giá lấy tăng lên. Chẳng hạn như một dĩa cơm gà, dù tăng giá lên 25.000 đồng nhưng lượng thức ăn thì cũng chỉ có vài miếng thịt gà được xé nhỏ như chà bông. Một người bình thường nếu ăn no bụng thì phải 2 dĩa như thế. 
 
"Bóp bụng" chi tiêu
 
Trước cơn bão giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng, người dân đã chọn cách tự tiết kiệm chi tiêu trong mọi khoản từ đi chợ, ăn sáng cho đến giảm những phát sinh khác trong gia đình.
 
Chị Nga, phường Lê Hồng Phong cho biết, trước đây chị đi chợ 100 ngàn đồng cho cả gia đình trong một ngày ăn, nhưng nay dù giá cả nhiều mặt hàng tăng nhưng chị vẫn đi chừng ấy, nhưng vẫn đủ ăn uống cho gia đình. "Mỗi thứ mình mua ít một tí, ăn bao nhiêu mua bấy nhiêu, không nên mua thừa, bấy nhiêu thôi mình cũng tiết kiệm được em à!"- chị Nga chia sẻ.
 
Bên cạnh nhiều gia đình chọn cách giảm bớt chi tiêu trong đi chợ hằng ngày, thì nhiều gia đình còn thay đổi thói quen ăn uống buổi sáng để tiết kiệm chi tiêu. Chị Thảo, phường Trần Phú cho biết: "Trước đây, hai vợ chồng và các con đều ra ngoài ăn sáng cho tiện rồi đi làm và đưa con đi học. Nay mình không ra ngoài ăn sáng nữa mà mua thực phẩm về bỏ tủ lạnh, sáng dậy sớm nấu cho cả gia đình ăn. Tuy tất bật hơn nhưng lại tiết kiệm rất nhiều".  
 
"bóp bụng" chi tiêu là một trong những giải pháp
Giảm chi tiêu từ việc đi chợ hằng ngày là một trong những giải pháp của nhiều người trong giai đoạn "bão giá" hiện nay.
 
Còn đối với nhiều sinh viên xa nhà, thì cũng chọn cách không ăn quán mà rủ năm bảy người hùn lại đi chợ về nấu ăn, vừa đảm bảo vừa giảm chi tiêu. Lan, quê Bình Sơn, sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Phạm Văn Đồng cho biết, trước đây tụi em hay đi ăn cơm ở quán cho tiện, nhưng nay thì 5 đứa cùng nhà trọ chúng em rủ nhau chung lại đi chợ nấu ăn. Hôm nào ai không đi học thì chịu đi chợ, nấu ăn... Với cách này, tui em đỡ rất nhiều mà ăn uống cũng đảm bảo và vui hơn.
 
Có thể nói, với sự tác động của giá vàng, USD, xăng dầu, điện tăng cao thì nhiều mặt hàng tiêu dùng khác tăng giá là điều khó tránh khỏi. Song bên cạnh đó, nhiều người kinh doanh đã lợi dụng điều này để "té nước theo mưa" tăng giá bất hợp lý. Vì thế, tiết kiệm chi tiêu là một giải pháp hợp lý nhất của người dân trong giai đoạn "bão giá" hiện nay. 
 
Bài, ảnh: M.Toàn

.