Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Ba Tơ (30.10.1972 - 30.10.2019):
Sức sống mới ở Ba Tơ

10:10, 30/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 47 năm (30.10.1972 - 30.10.2019), Ba Tơ hoàn toàn được giải phóng. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ của huyện miền núi anh hùng này. Sau 47 năm, Ba Tơ hôm nay tràn đầy sức sống mới.
TIN LIÊN QUAN

Một ngày mới trên vùng cao Ba Tơ đến thật rộn ràng. Trên các con đường ở trung tâm huyện lỵ đã được thảm nhựa, bê tông, dòng người đi lại đông đúc. Trẻ em đến trường trong chiếc áo trắng tinh khôi. Những người mẹ, người chị thong thả đến chợ bán nông sản và mua những vật dụng cần thiết...
Một góc trung tâm huyện Ba Tơ hôm nay.
Một góc trung tâm huyện Ba Tơ hôm nay.
Khu vực Chi khu quận lỵ và khu Trung tâm biệt kích Đá Bàn xưa, giờ đã có nhiều nhà  xây và phủ màu ngói mới. Dấu tích chiến tranh chỉ còn trong ký ức của lớp người đi trước, trong những bản hùng ca, tư liệu, hình ảnh, hiện vật còn lưu giữ tại bảo tàng Ba Tơ...

Ngày 16.9.1972, với tinh thần “Hy sinh vì Tổ quốc, quyết giải phóng huyện Ba Tơ”, bộ đội chủ lực, quân và dân Ba Tơ đã phối hợp mở đợt tấn công vào đồn địch. Cuộc chiến đầy cam go, phải đến ngày 18.9.1972 quân ta mới chiếm toàn bộ Khu quận lỵ, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên ngụy quân, ngụy quyền. Trung tâm quận lỵ Ba Tơ đã giải phóng, nhưng Khu quân sự Đá Bàn vẫn còn.

Những ngày cuối tháng 10.1972, mưa tầm tã, lũ lớn chia cắt sông Liên, nhưng đồng bào Kinh, Hrê đã phối hợp với lực lượng vũ trang, tập trung toàn lực siết chặt, tiến công, áp sát trận địa tiêu diệt Khu biệt kích Đá Bàn. Đến 0 giờ 35 phút ngày 30.10.1972, lá cờ Mặt trận đã cắm trên nóc Sở chỉ huy Tiểu đoàn 69 Khu biệt kích Đá Bàn. Sau 45 ngày đêm chiến đấu của quân và dân ta, Ba Tơ hoàn toàn được giải phóng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho hay: "Sau giải phóng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn manh mún, mang tính tự cung tự cấp, nên luôn thiếu thốn lương thực, thực phẩm; trong khi đó, điện, đường, trường, trạm và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì chưa phát triển... Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ đã tranh thủ các nguồn đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước ổn định cuộc sống, hướng đến phát triển".

Đến nay, người dân huyện Ba Tơ đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an ninh lương thực. Trên các sườn đồi hoang hóa ngày xưa keo, mì đã phủ xanh bạt ngàn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được kết quả bước đầu. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ và cụm công nghiệp Ba Động góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Thương mại - dịch vụ đã có bước phát triển khá. Chợ thị trấn Ba Tơ, chợ liên xã khu Đông đã trở thành trung tâm mua sắm của người dân.

Nhiều nhà hàng, cửa hàng, dịch vụ hình thành, đáp ứng ngày càng tốt cho nhu cầu của người dân. Tuyến Quốc lộ 24 được nâng cấp mở rộng. Các tuyến tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã từng bước được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương. Mạng lưới điện quốc gia phủ khắp huyện... Bí thư Đảng ủy xã Ba Vinh Phạm Văn Rạch cho hay: "Trong những năm qua, nhà nước đã quan tâm đến vùng căn cứ cách mạng nên nhiều tuyến đường nhựa liên xã, nhiều tuyến đường bê tông liên thôn đã được xây dựng, vươn dài đến nương rẫy, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển, buôn bán cây nguyên liệu dễ dàng. Cuộc sống người dân dần ổn định. Nhà của nhiều hộ dân xây dựng kiên cố. Văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê được giữ gìn".

Đến cuối tháng 9.2019, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Ba Tơ đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Diện tích rừng trồng đạt gần 8.500ha. Bình quân mỗi xã đạt hơn 9 tiêu chí NTM. Tỷ lệ hộ nghèo của Ba Tơ giảm bình quân hằng năm từ 4,4 - 6%. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn gần 29%.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết: "Trong thời gian đến, huyện Ba Tơ chú trọng thực hiện tốt các chính sách dân tộc và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các dự án định canh định cư; phát huy tiềm năng văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững".

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 

.