Làm hình- Nghề "hot" ở Nghĩa Phương

08:10, 28/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với thu nhập từ 500-700 nghìn đồng/ngày, nghề “làm hình” đã góp phần thay đổi đời sống cho nhiều người dân xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) trong những năm gần đây.

Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương, cho biết, toàn xã hiện có trên 150 người đang sinh sống bằng nghề “làm hình” ở các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh… và 2 nước Campuchia, Lào.

Nghề “gia đình”

Người dân xã Nghĩa Phương đa phần sinh sống bằng nghề làm nông. Khi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhiều nghề mới đã ra đời như nghề chẻ đá, làm mùng, “làm hình”… đã trở thành cứu cánh cho họ. Trong đó, nghề “làm hình”  xuất hiện hơn 5 năm nay nhưng đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục hộ gia đình. Nghề này khá đơn giản, không phân biệt nam, nữ và được gọi là nghề “gia đình”. Bởi nhóm người đi “làm hình”, chủ yếu là người thân trong gia đình.

Gia đình anh Nguyễn Chậm ở đội 6, thôn Năng Tây 2, là một trong những gia đình có 5 người, gồm cha, mẹ, chị dâu và các anh trai đều đang đi “làm hình”. Anh Chậm cho biết, từ năm 2009, nghề “làm hình” xuất hiện ở Nghĩa Phương từ những người đi làm ăn xa. Nắm bắt nhu cầu sửa hình (photoshop) của người dân các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, KonTum… nơi công nghệ photoshop chưa phổ biến, một vài người tỉnh khác đã đến chụp hình và mang về chỉnh sửa, phục dựng. Nhận thấy công việc dễ dàng, đem lại thu nhập khá, nhiều người đã rủ nhau đi làm. Tên gọi nghề “làm hình” xuất hiện từ đó.

Anh Nguyễn Bền đang giới thiệu công việc chỉnh sửa ảnh từ những người “làm hình” gửi về.
Anh Nguyễn Bền đang giới thiệu công việc chỉnh sửa ảnh từ những người “làm hình” gửi về.


Vốn liếng cho nghề “làm hình” đơn giản, chỉ cần 1 máy ảnh điện tử hoặc điện thoại có khả năng chụp hình, độ phân giải trên 3.2 MP cũng có thể vào nghề. Cùng vài tấm hình đã qua photoshop làm mẫu và 1 chiếc xe máy, người “làm hình” sẽ đi đến các xã vùng sâu, vùng xa, giới thiệu hình mẫu và mời người dân chụp ảnh. Những hình ảnh này, sau đó được gửi về các tiệm làm ảnh ở địa phương, để chỉnh sửa (photoshop) theo ý khách hàng.

Hiện toàn xã có trên 60 người dân sinh sống bằng nghề chỉnh sửa hình ảnh từ ảnh của những người “làm hình” ở tỉnh khác gửi về. Hầu hết những người chỉnh sửa hình ảnh là “tay ngang”, học nghề photoshop qua những người trong địa phương. Họ cũng là người trong gia đình với những người đi “làm hình”. Hình ảnh sau khi chỉnh sửa, sẽ được đóng thùng và gửi lại để người “làm hình” trả cho khách.

Anh Nguyễn Bền, một người sửa hình tại đội 7, thôn Năng Tây 1, cho biết: “Gia đình mình có 4 người đi làm hình và gửi hình về cho mình sửa. Mỗi tấm hình sau khi trừ các chi phí còn thu được 7.000 đồng. Một ngày tôi sửa khoảng 20 tấm, vào những dịp lễ, tết… thì nhiều hơn. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày một khấm khá hơn”.

Vui, buồn với nghề

Anh Chậm cho biết, mỗi chuyến đi “làm hình” thường kéo dài nhiều tháng. Một nhóm “làm hình” gồm những người trong độ tuổi lao động, từ 9-10 người. Nhóm “làm hình” sẽ đi xe khách và gửi theo xe máy đến tỉnh cần làm. Sau khi thuê nhà trọ và ổn định chỗ ở, ngày hôm sau nhóm sẽ tản ra các xã để giới thiệu và mời người dân chụp ảnh.

Khi nhu cầu trong nước giảm xuống, nhiều người ở Nghĩa Phương đã mạnh dạn đi qua Campuchia, Lào để hành nghề và thuê người bản xứ dẫn đường và phiên dịch. Anh Chậm cho biết, chi phí trả cho người bản xứ khoảng 100 đôla/tháng. Nếu 1 ngày làm được 10 tấm hình, mỗi tấm giá trên 100.000đ, người “làm hình” sẽ thu được từ 500-700.000đ/ngày. Kinh nghiệm của người “làm hình” tại các nước Lào, Campuchia là phải đến đúng ngày người dân nhận lương hoặc ngày mùa thu hoạch để trả hình thì mới lấy được tiền.

Những người “làm hình” như anh Chậm, có thể kể vanh vách tháng thu hoạch mì, thu hoạch cà phê, ngày đập của người Tây Nguyên, ngày lương của người Campuchia, Lào hay tháng chụp hình cho con của người Sa Tiên (Bình Phước)…  “Nhờ nghề này, mình được đi nhiều, biết về văn hóa của nhiều địa phương và lo được kinh tế cho gia đình”.

Nghề làm hình cũng se duyên cho nhiều người đàn ông Nghĩa Phương với các cô gái Lào, Campuchia. Ông Nguyễn Văn Thọ, nguyên Công an xã Nghĩa Phương cho biết, tuy không đăng ký kết hôn tại địa phương nhưng ở xã đã có 3, 4 trường hợp người dân đi làm hình tại nước ngoài rồi những ngày lễ, tết dẫn các cô gái nước ngoài về sinh sống như vợ chồng.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết thêm, nghề này đã và đang mang lại thu nhập cao và giúp nhiều người dân xã Nghĩa Phương thoát nghèo. Đã có hàng chục ngôi nhà mới mọc lên từ nguồn thu của nghề “làm hình”. Bên cạnh đó cũng có một  số ít người đi làm hình tại Campuchia đã vướng vào bài bạc, tệ nạn… dẫn đến kinh tế gia đình kiệt quệ.  Đây cũng là nỗi lo của địa phương.

Bài, ảnh: Hà Xuyên
 


.