Khốn khổ vì đường xuống cấp

02:12, 25/12/2011
.

(QNĐT)- Đó là tuyến ngã ba Trà Lăm đi lên xóm Châu Bình, xã Bình Khương (Bình Sơn), còn gọi là tuyến Trà Lăm-T10 (Trại tạm giam T10). Tuyến đường chỉ dài chừng 2km này thời gian qua đã khiến hàng ngàn người dân thuộc các xóm: Châu Bình, Châu Lộc, Châu Long và Châu Hòa (thôn Phước An, xã Bình Khương), đi lại khổ sở vì sự xuống cấp, hư hại nghiêm trọng của nó.

TIN LIÊN QUAN


Mới đây tôi có dịp đi công tác ở xã Bình Khương và trực tiếp đi trên tuyến đường này, “con ngựa sắt” của tôi cứ chồm lên, nhào xuống liên hồi. Nhiều đoạn đường rất nham nhở, ổ gà, ổ trâu nhiều vô số kể. Trên tuyến đường này còn có một chiếc cầu gỗ bắc qua suối dài chừng vài chục mét (cầu Đá Bàn). Dù là cầu gỗ nhưng hàng ngày nó phải oằn mình “gánh” hàng chục lượt xe tải chở gỗ keo qua lại, nên nguy cơ xảy ra sập cầu là rất lớn.

Tuyến Trà Lăm-T10 có nhiều đoạn bị hư hại nghiêm trọng
Tuyến Trà Lăm-T10 có nhiều đoạn bị hư hại nghiêm trọng


Ông Phan Long Phu- xóm trưởng xóm Châu Bình cho biết, cả xóm Châu Bình có 120 hộ dân với hàng trăm khẩu hàng ngày phải qua lại trên tuyến đường ngã ba Trà Lăm-T10. Mới đây UBND huyện Bình Sơn đã cấp kinh phí cho xây dựng chiếc cầu bắc qua suối Giỏ (cách cầu Đá Bàn khoảng 1km). Chiếc cầu được thi công trong mùa mưa lũ, khởi công vào tháng 8/2011, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong tháng 3/2012, nhưng đơn vị thi công (Công ty TNHH Lộc Thịnh) đã tập trung thi công nước rút, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Nhờ đó đã giúp bà con đi lại thuận tiện, ai cũng phấn khởi.

Tuy nhiên, qua được nỗi lo tắc đường vào mùa lũ hàng năm ở cầu Suối Giỏ, thì hiện nay người dân xóm Châu Bình cũng như gần 400 hộ dân ở các xóm Châu Long, Châu Lộc, Châu Hòa của thôn Phước An, xã Bình Khương lại tiếp tục lo lắng cho tuổi thọ của chiếc cầu gỗ bắc qua suối Đá Bàn; đồng thời mong mỏi tuyến đường ngã ba Trà Lăm-T10 sớm được cấp trên quan tâm đầu tư làm mới để giúp bà con đi lại thuận tiện hơn.

Chiếc cầu tạm này đã bị nước lũ cuốn trôi 3 lần, nhưng cầu Suối Giỏ dù thi công trong mùa mưa lũ vẫn làm vượt tiến độ, giúp người dân đi lại thuận tiện
Chiếc cầu tạm này đã bị nước lũ cuốn trôi 3 lần, nhưng cầu Suối Giỏ dù thi công trong mùa mưa lũ vẫn làm vượt tiến độ, giúp người dân đi lại thuận tiện


Được biết, cầu Đá Bàn chỉ trong vài năm gần đây đã phải làm đi, sửa lại đến 3 lần, tốn không ít tiền của, công sức của dân và Nhà nước. Nhưng do không được xây dựng bê tông cốt thép kiên cố, nên cứ đến mùa lũ hàng năm là bị cuốn trôi, hoặc xuống cấp, hư hại nặng…

Ông Phan Thanh Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Khương cho biết, tuyến Trà Lăm-T10 là tuyến đường chính, giúp người dân thôn Phước An đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa, nhất là vận chuyển cây nguyên liệu (keo) được trồng trên vùng núi rộng lớn ở phía trên xóm Châu Bình (giáp ranh với xã Bình Mỹ và một xã miền núi của tỉnh Quảng Nam).

Khu vực này có khoảng 600ha rừng nguyên liệu, chiếm khoảng 75% diện tích rừng toàn xã. Không chỉ người dân ở các xóm của thôn Phước An, mà còn có rất nhiều hộ dân ở các thôn khác cũng có rừng ở đây. Do đường đi lại khó khăn nên nông sản, cây nguyên liệu người dân trồng ở đây bán ra không được giá, do chi phí vận chuyển cao, bị tư thương vin vào lý do đường đi khó để ép giá.

Ông Anh cho biết thêm, tuyến ngã ba Trà Lăm-T10 là đường cấp phối, được làm từ rất lâu rồi nên đến nay đã bị hư hại nghiêm trọng. Hầu như năm nào UBND  xã cũng phải bỏ kinh phí ra để sửa chữa, nâng cấp những đoạn bị hư hại nặng.

"Mong có một con đường lành lặn, vững chải để đi lại và vận chuyển nông sản, keo nguyên liệu là nguyện vọng lớn nhất của hàng trăm hộ dân nơi đây. Tuyến đường này cũng chỉ dài chừng 2km nên rất mong huyện, tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để làm. Qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.



Bài, ảnh: Phạm Danh
 


.