Nhớ mùa thu lịch sử

05:09, 02/09/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Lật giở từng trang hồi ký của những tướng lĩnh từng trực tiếp tham gia Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ngãi, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Mùa thu lịch sử mãi trường tồn cùng quê hương, đất nước.  
 
 Xúc động và tự hào  
 
Trong hồi ký "Từ núi rừng Ba Tơ", Trung tướng Phạm Kiệt, người anh cả của Đội Du kích Ba Tơ, nhớ về ngày ra mắt chính quyền cách mạng tỉnh Lê Trung Đình (tức tỉnh Quảng Ngãi) với lòng tràn đầy xúc động: “Đứng trước quang cảnh ngày hội chiến thắng dựng chính quyền cách mạng, từng đợt sóng người ồ ạt kéo đi, lòng tôi tràn ngập niềm hân hoan. Quần chúng cách mạng đã đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình. Không một kẻ thù nào có thể lay chuyển sức mạnh vô bờ của nhân dân...”. 
 
Ra mắt Chính quyền cách mạng tỉnh Lê Trung Đình (Ảnh: TL).
Ra mắt Chính quyền cách mạng tỉnh Lê Trung Đình (Ảnh: TL).
Không xúc động, hân hoan sao được, bởi Trung tướng Phạm Kiệt là người trong cuộc mà cũng là chứng nhân của ngày ra mắt chính quyền cách mạng trên quê hương. Niềm hân hoan như con sóng trào, bởi trong đêm dài nô lệ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, các tầng lớp nhân dân đã đứng lên đấu tranh đánh đổ thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng. Trung tướng Phạm Kiệt nhớ lại: "Ngày 30/8/1945, một cuộc biểu tình võ trang lớn được tổ chức ở thị xã Quảng Ngãi, nhân dân các huyện kéo về tỉnh lỵ đông nghịt, khí thế bừng bừng. Ở phía bắc, đoạn đầu của đoàn Sơn Tịnh đã vào phố mà đoạn cuối vẫn còn ở bên kia cầu Trà Khúc bốn cây số. Đoàn Nghĩa Hành kéo dài từ sân vận động đến Gò Lăng. Đoàn Tư Nghĩa dài bảy cây số. Hai đại đội du kích Ba Tơ lúc này triệu tập các chiến sĩ cũ trở về đội ngũ thành một đội quân trên dưới hai ngàn người với bốn trăm khẩu súng. Nếu kể cả du kích địa phương thì có hàng vạn. Cả một biển người tràn về thị xã biểu dương lực lượng và dự lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh”.
 
Trung tướng Phạm Kiệt.
Trung tướng Phạm Kiệt.
Còn Trung tướng Nguyễn Đôn, người trực tiếp chỉ huy Đại đội Hoàng Hoa Thám, một trong hai đại đội của du kích Ba Tơ khi trở về trung châu xây dựng lực lượng và tham gia Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, qua Hồi ký "Bình minh Ba Tơ" vẫn nhớ như in quang cảnh hùng tráng của ngày ra mắt chính quyền cách mạng: “...Đồng chí Nguyễn Chánh đứng lên tuyên bố:“Theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng, từ ngày khởi nghĩa Ba Tơ, đồng bào “Lê Trung Đình” đã đứng lên muôn người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh.Ngày 14/8 quân Nhật đầu hàng. Theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, chúng ta đã hy sinh chiến đấu, giành chính quyền từ miền núi đến trung châu. Đến ngày 16/8, chính quyền toàn tỉnh đã thuộc về ta. Ủy ban nhân dân cách mạng đã được thành lập, trật tự an ninh được khôi phục bình thường. Nay Mặt trận Việt Minh tổ chức chúc mừng ngày toàn thắng và Ủy ban  nhân dân cách mạng tỉnh Lê Trung Đình ra mắt đồng bào. Đồng chí Trần Toại chủ tịch và các đồng chí trong ủy ban đứng lên tuyên thệ nguyện đem hết tinh thần và nghị lực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.     
 
170 ngày không nghỉ  
 
Để có được niềm vui vô bờ bến trong mùa thu tháng Tám, trước đó là những tháng ngày không ngơi nghỉ của những chiến sĩ cách mạng. Cũng trong Hồi ký "Từ núi rừng Ba Tơ", Trung tướng Phạm Kiệt đề cập: “Kể từ ngày phát động võ trang Khởi nghĩa Ba Tơ đến nay thấm thoát đã một trăm bảy mươi ngày. Sự hy sinh anh dũng của bao nhiêu thế hệ gan góc chống đế quốc, phong kiến đúc lại mới có một ngày tháng Tám vẻ vang...”.
 
Đó là sự đúc kết của Trung tướng Phạm Kiệt tính từ ngày Khởi nghĩa Ba Tơ. Còn nếu như tính từ năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng, cuộc kháng chiến của dân tộc chống Pháp bắt đầu thì non 100 năm, với nhiều thế hệ, nhiều phong trào đứng lên chống Pháp và chế độ phong kiến.
 

Sau Khởi nghĩa Ba Tơ, Đội Đu kích Ba Tơ được thành lập. Bên dòng sông Liên, Đội Đu kích Ba Tơ tuyên thệ“Hy sinh vì tổ quốc”. Trong hồi ký của mình, Trung tướng Phạm Kiệt nhớ lại lời của Trung tướng Nguyễn Đôn nói với toàn đội:“Các đồng chí hãy nhìn núi cao sông rộng, thác chảy bên chân. Chúng ta dừng lại nơi đây làm lễ tuyên thệ để tỏ rõ quyết tâm: Núi cao mấy cũng vượt, sông sâu thác chảy mấy cũng qua, không một khó khăn nào có thể cản được bước tiến của chúng ta trên con đường xây dựng đội ngũ, phát động quần chúng đánh Nhật cứu nước. Đội Đu kích Ba Tơ là đội quân của Đảng, của giai cấp vô sản chiến đấu giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước”. 

Trung tướng Nguyễn Đôn.
Trung tướng Nguyễn Đôn.
Trên vùng núi Cao Muôn, ngày nắng nóng, đêm lạnh, gian khổ thật nhiều, nhưng trong sự đùm bọc của nhân dân, đội quân du kích tích cực học tập chính trị và rèn luyện quân sự. Sau đó, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đội quân du kích tiến về trung châu chọn vùng Núi Lớn  và Tịnh Hiệp để xây dựng lực lượng với hai đại đội Hoàng Hoa Thám và Phan Đình Phùng.“Tiếng rằng ở chiến khu Vĩnh Sơn có tổ chức một đại đội du kích lấy tên là Đại đội Phan Đình Phùng nhưng thực ra quân số đông đến hàng ngàn người (Tuy vậy, chúng tôi cũng chỉ tổ chức thành bốn phân đội). Riêng các chiến sĩ sử dụng kiếm, nếu biên chế theo bây giờ thì cũng có tới hàng tiểu đoàn. Để cho việc trang bị, tiếp tế gọn nhẹ và để giữ vững nòng cốt ở các địa phương, Ban chỉ huy đại đội chủ trương cứ từng đợt huấn luyện thuần thục lại tung về các xã. Nhờ cách huấn luyện luân chuyển như vậy mà đến ngày Tổng khởi nghĩa, Ủy ban Vận động cứu quốc Quảng Ngãi của Tổng bộ Việt Minh một lúc có thể huy động hàng ngàn chiến sĩ.
 
Ở chiến khu Nam, trong thời kỳ này, Đại đội Hoàng Hoa Thám do đồng chí Nguyễn Đôn chỉ huy cũng đã được khẩn trương xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Quân số có hàng ngàn người kể cả du kích bán chính thức. Các đội tự vệ cũng đã xây dựng khắp nơi”, Trung tướng Phạm Kiệt nhớ lại.
 
Chế độ thực dân, phong kiến và quân phát xít ở Quảng Ngãi đã sụp đổ, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ trong trời thu. Quảng Ngãi vinh dự trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của cả nước.
 
  CẨM THƯ
 
 
 
 
  
 
 
 
  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.