Nhìn từ công tác giáo dục lý luận chính trị

11:06, 27/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giáo dục lý luận chính trị (LLCT) là một phần quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn một số hạn chế, đòi hỏi phải đổi mới phương pháp, nâng cao ý thức học tập LLCT trong cán bộ, đảng viên, nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
 
[links()]
 
Nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên
 
Những năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã triển khai tương đối toàn diện nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; khắc phục một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...
 
Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Lễ bế giảng Lớp cao cấp lý luận chính trị K20 tại Quảng Ngãi.
Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Lễ bế giảng Lớp cao cấp lý luận chính trị K20 tại Quảng Ngãi.
Cụ thể, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực công tác và phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch; có tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm đối với công việc...
 
Các cấp ủy đảng đã thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tỉnh ủy... một cách nghiêm túc. Nhờ đó, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu hơn các quan điểm, chủ trương của Đảng, từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú đã tác động tích cực đến nhận thức chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra.
 
Nhận diện những mặt hạn chế
 
Trước tác động tiêu cực của tình hình thế giới, mặt trái của kinh tế thị trường và những hạn chế của nền kinh tế - xã hội đất nước, của tỉnh đã tác động đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm nảy sinh những băn khoăn, lo lắng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có quan điểm, lập trường không vững vàng, có tâm trạng hoài nghi, ảnh hưởng tới tính đồng thuận của xã hội. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chậm đổi mới tư duy vẫn còn tồn tại trong cán bộ và đảng viên ở một số địa bàn, đơn vị; tư duy mới trong sản xuất, phát triển kinh tế còn hạn chế...  
 
Cùng với đó, một số cấp ủy cơ sở chưa thật sự coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với lớp trẻ; chưa làm tốt việc học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng; phương pháp học tập, quán triệt còn chậm đổi mới, có mặt hiệu quả chưa cao. Đáng lo ngại là, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập và yêu cầu cần thiết phải học tập LLCT; có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc này. 
 
Một bộ phận học tập LLCT không vì mục đích bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà chỉ để hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn. Thậm chí là học theo kiểu đối phó chứ không có sự cố gắng. Đã có không ít người không chỉ thiếu tự giác, không chủ động tham gia, mà còn mượn nhiều lý do để trốn tránh hoặc xin thôi không học LLCT...
 
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa toàn diện. Việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên chấp hành kỷ luật của Đảng có mặt còn chậm đổi mới. Các biện pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... có lúc thiếu kịp thời, chưa kiên quyết.
 
Phải đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”. Vì vậy, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng, Đảng ta xác định: “Cần đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học lý luận, coi trọng chất lượng và tính hiệu quả. Tổ chức học tập một cách nghiêm túc, có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ nghĩa yêu nước và truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng. Phát huy tính sáng tạo, chủ động của người học, dành nhiều thời gian cho việc tự học, tự đọc các tác phẩm lý luận và văn kiện của Đảng”.
 
Tuy nhiên, để xây dựng lý luận sắc bén, góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, việc cần thiết là phải nâng cao ý thức học tập LLCT trong cán bộ, đảng viên. Điều này đỏi hỏi các cấp ủy, chính quyền phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục LLCT trong tình hình mới. Chủ động xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ để người học nhận thấy việc học tập LLCT là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân mình. Các cấp ủy cũng cần xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ, việc học tập, viết thu hoạch, đánh giá kết quả học tập của mỗi cán bộ, đảng viên trên tinh thần thấm nhuần quan điểm, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh...
 
Bên cạnh đó, Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tiếp tục nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên về những kỹ năng tham gia đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận. Trong đó, tập trung xây dựng, củng cố, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, đội ngũ giảng viên kiêm chức. Đặc biệt, cần phải đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục LLCT theo hướng lấy người học làm trung tâm với phương châm: “Dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất”...
 
Những đổi mới đó hướng đến nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện...
 
Bài, ảnh: THANH THUẬN
 
 
 

.