"Món quà" từ đại dịch!

16:55, 04/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khác xa với những luận điệu chống phá mà những kẻ hiềm khích chủ ý tung ra rằng, Việt Nam đã trở về tròn trĩnh với con số 0 sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, bởi sự lúng túng, thiếu trách nhiệm của những người lãnh đạo và bộ máy cầm quyền. Thực chất, trong cuộc “đại chiến” đầy khốc liệt này, chúng ta đã thu gặt được nhiều thành quả và bài học quý báu, được ví như “món quà của đại dịch”.
[links()]
 
Một dân tộc luôn đoàn kết và giàu lòng nhân ái
 
Trước hết, phần quà lớn nhất là chúng ta được bồi bổ nhận thức và tư duy, cảm nhận đầy đủ hơn chân lý vốn dĩ về tính ưu việt vượt trội của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta “thấy được, sờ được” một cách rõ ràng về việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã thật sự hành động vì nước, vì dân. Những nhà lãnh đạo Việt Nam luôn đặt tính mạng và sức khỏe nhân dân lên hàng đầu; trăn trở đề ra các giải pháp thượng tôn sức dân, quy tụ lòng dân; đồng thời lăn xả, trẫm mình vào cuộc chiến đầy rủi ro, nguy hại này trên mọi phương diện. Các nhà lãnh đạo luôn biết cách quỳ thấp xuống để nói chuyện với người dân, thăm hỏi, toan lo về những khó khăn nhãng tiền mà mỗi công dân phải đối diện. 
 
Người lính luôn là tấm chắn vững chắc để bảo vệ nhân dân trong khó khăn, nguy hiểm.  Trong ảnh: Lực lượng vũ trang huyện Bình Sơn tặng quà người dân khó khăn do dịch Covid-19.             Ảnh: ĐỨC MINH
Người lính luôn là tấm chắn vững chắc để bảo vệ nhân dân trong khó khăn, nguy hiểm. Trong ảnh: Lực lượng vũ trang huyện Bình Sơn tặng quà người dân khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: ĐỨC MINH
Cả hệ thống chính trị vào cuôcộc với một mệnh lệnh hành động - dồn sức tuyệt đối cho việc chăm lo từng miếng ăn và các điều kiện tốt nhất có thể để người dân an tâm phòng, chống dịch. Qua cuộc chiến hơn 1.500 ngày với giặc Covid-19, chúng ta càng nhận rõ hơn tính ưu việt của chế độ mà dân tộc ta đã lựa chọn; cảm nhận đầy đủ hơn bản chất tốt đẹp của Đảng ta. Cũng bởi thế mà lòng tự hào và niềm tin dâng cao hơn bao giờ hết!
 
Chúng ta càng cảm nhận rõ hơn về bản chất, hình ảnh của những chiến sĩ QĐND Việt Nam. Thời nào cũng vậy, người lính luôn là tấm chắn sống bảo vệ nhân dân trong bất luận mọi khó khăn, nguy hiểm. Chúng ta tin hơn vào đường lối chiến tranh nhân dân, sức mạnh toàn dân. Đó là nguồn sức mạnh vô bờ bến mà không phải dân tộc nào trên hành tinh này cũng có được.
 
Trong đại dịch, chúng ta nhận rõ hơn về trách nhiệm công dân của chính mình. Bỏ qua tất cả những lợi ích cá nhân và hiềm khích bon chen, bất kỳ ai cũng biết cách hướng đến và ra sức góp phần vào nhiệm vụ chính trị hàng đầu là “chống dịch như chống giặc” của Tổ quốc, dân tộc, quê hương. Ai cũng biết nghĩ sâu, lo xa, không chỉ sống cho mình, mà nêu cao trách nhiệm bảo vệ gia đình, người thân, cộng đồng. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, người dân xung phong dấn thân vào tâm dịch; hàng nghìn người từng mắc bệnh, sau khi khỏe mạnh trở lại xin được góp sức nơi tuyến đầu. Còn nữa, hàng trăm tổ chức từ thiện, tình nguyện không quản khó khăn, hiểm nguy làm những công việc không tên vì cộng đồng xã hội; là tấp nập những chuyến hàng hỗ trợ, sôi động những phong trào, mô hình chống “giặc dịch” ở tất cả các cấp, ngành, trên mọi miền của Tổ quốc thân yêu.
 
Bài học về “tự nhận thức, tự hành động và hành động vì lẽ phải” có lẽ là món quà vô cùng quý báu với mỗi sinh linh vốn trước đây khó tường phân tốt - xấu, hay - dở trong cuộc sống vốn đan xen mới - cũ, được - thua. Qua đại dịch, từng con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo, quan tâm, giáo dưỡng của Đảng ta, từng công dân Việt Nam bỗng trở nên mạnh mẽ hơn; bởi thế mà dân tộc này sẽ mạnh mẽ hơn, vĩ đại hơn! Chắc chắn như thế!
 
Khác xa với thứ luận điệu cho rằng, các gia tầng trong xã hội dân tộc Việt Nam đang cấu xé, giành giật lẫn nhau từng miếng ăn, viên thuốc, bình ô xy, liều vắc xin để sinh tồn qua đại địch. Thì thực tiễn hiển nhiên đã phủ nhận hoàn toàn sự bịa đặt trắng trợn ấy. Rất dễ dàng để cảm nhận đầy đủ về một truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” từ ngàn đời đã thực sự ăn vào máu từng người, ngấm vào xương tủy, hồn cốt dân tộc Việt. Cả đất nước hướng về miền Nam ruột thịt, dành dụm từng hạt gạo, cọng rau... để gửi về hỗ trợ đồng bào nơi tâm dịch.
 
Trong gian khó tận cùng, vẫn không có bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau: Người khỏe giúp người yếu, người tốt giúp người chưa tốt, người ít cần giúp người cần nhiều hơn... Cả một xã hội chung sức, đồng lòng giúp nhau theo cách riêng nào đó có thể - cách mà chỉ người Việt Nam mới có. Hơn thế, chúng ta còn là một dân tộc biết sáng tạo để thích nghi, làm chủ mọi điều kiện, hoàn cảnh sống. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng loạt sản phẩm khoa học của giới nghiên cứu nhanh chóng được chế tạo thành công, đưa vào phục vụ hữu hiệu cuộc chiến chống Covid-19; đã có hàng nghìn, hàng vạn sáng kiến từ quần chúng được áp dụng vào cuộc sống đời thường, đồng hành cùng toàn dân chống “giặc”...
 
Vậy đấy, một dân tộc luôn biết cách đoàn kết và sáng tạo tuyệt vời, thì chắc chắn dân tộc ấy sẽ bách chiến, bách thắng!
 
Trong nguy có cơ
 
Chúng ta cũng nhận được món quà về tư duy “tái cơ cấu tổng thể đất nước”. Hay nói đúng hơn là đại dịch đã thổi bùng một cơ chế thải loại tự nhiên vô cùng mạnh mẽ, giúp sàng lọc, tinh gọn triệt để nhiều bộ phận, thành phần trong cấu trúc nền kinh tế vốn được cho là cồng kềnh, chậm chạp. Tất nhiên, về trước mắt, kinh tế nước nhà sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định, nhưng hẳn tin - chắc tin, cùng với sự phục hồi của các nền kinh tế sắp tới đây, cơ cấu kinh tế và sức bật Việt Nam sẽ là một điểm nhấn ấn tượng, bởi lẽ, một khi những thứ chưa hợp lý được bóc gỡ thì “cơ thể nền kinh tế” sẽ thanh thoát hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh hơn gấp bội. Rồi Việt Nam sẽ lột xác, sẽ bứt phá đầy ấn tượng như nhận định của các chuyên gia kinh tế trên thế giới.
 
Bộ máy công quyền và hệ thống chính trị cũng được gửi đến một món quà vô giá. Mọi người nhận ra thực tế rằng, vốn dĩ ở Việt Nam đã hội tụ đủ nền tảng cơ sở vật chất và kết nối khoa học công nghệ hiện đại, thế mà, trong nhiều năm, con người Việt Nam - nhất là đội ngũ cán bộ lại đi sau một bước so với công nghệ. Chúng ta chưa thật coi trọng việc phát huy lợi thế, tổ chức hội họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ vào cải cách hành chính... Đến khi đại dịch xuất hiện, rơi vào thế bắt buộc không thể khác, đội ngũ cán bộ mới được dịp tự làm mới chính mình, tự học tập, tự nâng cao trình độ một cách nhanh chóng. Các cuộc họp trực tuyến được xới lên, trở thành hình thức chủ đạo, giúp tiết kiệm một nguồn kinh phí khổng lồ, mà công việc vẫn trôi chảy, hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các thủ tục hành chính khác được áp dụng triệt để ưu việt của công nghệ hiện đại, giúp cắt bớt các khâu, các bước thừa thãi trong mớ bòng bong vốn không ít phiền hà... Công tác chỉ đạo, triển khai, báo cáo, kiểm tra... trở nên nhịp nhàng, nền nếp, hiệu quả hơn theo một nghĩa nhất định nào đó.
 
Công đoàn Viên chức tỉnh thăm, trao quà hỗ trợ khu cách ly tại ký túc xá của Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn).               Ảnh: Bá Sơn
Công đoàn Viên chức tỉnh thăm, trao quà hỗ trợ khu cách ly tại ký túc xá của Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn). Ảnh: Bá Sơn
Còn nữa, món quà lớn mà đại dịch ban tặng cho chúng ta đang hiện hữu trên từng con đường, ngõ phố. Ấy là những con phố rộng dài, người xe đi lại có hàng lối, trật tự hơn ngày chưa có dịch. Ấy là những vỉa hè rộng thoáng, vắng bóng những bàn ghế, hàng hóa, người ngợm tràng ra lấn chiếm, gây mất mỹ quan... Nhờ có dịch mà hình hài của những con phố văn minh bất chợt hiện lên như là khuôn mẫu, chuẩn mực của cái đích mà chúng ta vẫn miệt mài tìm kiếm, gắng sức xây dựng bấy lâu. Bởi thế, mỏi mong lắm, khi đại dịch đi qua, bộ máy chính quyền các địa phương và người dân vẫn quyết tâm giữ lại hình hài, vóc dáng ấy thì hẳn là một thành quả lớn - một chiến tích kỳ vĩ sau mấy chục năm quần quật, quyết liệt vận hành để “đường thông, hè thoáng”.
 
Và còn nữa là món quà về kiến thức, tri thức và phong cách, nếp sống hiện đại mà bấy lâu ta chưa chú tâm gây dựng: Chúng ta biết cách mua sắm online, trao đổi tiền tệ qua tài khoản, đa dạng hóa hình thức giao tiếp xã hội trong kỷ nguyên số và nhất là tiệm cận đến phương pháp kinh doanh trong xu thế hội nhập trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0...
 
Công bằng mà nói: Chúng ta còn đón nhận vô số món quà quý báu khác nữa từ đại dịch Covid-19. Đó là những món quà có giá trị cho cả hôm nay, mai sau và tương lai; cho từng người, cho cộng đồng và cho cả dân tộc Việt Nam. Vậy nên, sẽ thật khiếm nhã khi hằn học, chủ ý moi móc những mảng màu tối trước sự tác động của Covid-19; sẽ thật đáng lên án khi cố tình phỉ báng, phủ nhận sạch trơn những nỗ lực, thành quả lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hệ thống chính trị trước một cuộc chiến đầy khốc liệt khó tránh khỏi những tổn thương. Cũng bởi thế, mà toàn dân cần chung sức, đồng lòng, đặt trọn niềm tin về vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng trước mọi khó khăn gian khổ. Hẳn vững tin và trân quý những món quà gửi về từ đại dịch mà không hẳn có được một cách “hữu xạ tự nhiên hương”.
 
Mỗi người sẽ thay đổi để văn minh hơn
 
Qua đại dịch, chúng ta còn nhận món quà giúp mỗi công dân tự “lột xác” chính mình. Chúng ta văn minh, lịch lãm hơn có thể từ cách cuối đầu chào nhau thay vì bắt tay truyền thống. Chúng ta học được từ quy chuẩn sự giãn cách xã hội để hình thành, củng cố vững chắc văn hóa xếp hàng, văn hóa nhường nhịn nhau trong cộng đồng. Chúng ta chấp hành nghiêm các quy định, khuyến cáo y tế để dần dà, từng bước một cấu thành những thói quen xã hội về cách đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế khạc nhổ ngoài đường, hạn chế quát tháo, chửi rủa nhau vì những chuyện vô cớ thường nhật...

 

NGUYỄN TẤN TUÂN
 
 
 
 
 

.