Diễn văn của đồng chí Lê Viết Chữ, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng

02:03, 01/03/2016
.

TIN LIÊN QUAN

(Baoquangngai.vn)- Sáng 1.3, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1.3.1906-1.3.2016). Tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng– Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đọc diễn văn ôn lại thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Báo Quảng Ngãi điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

 


- Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

- Kính thưa đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

- Kính thưa các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

- Kính thưa đồng chí Bounthong Divixay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào,

- Kính thưa các đồng chí đại diện các Ban đảng, bộ, ngành Trung ương, Quân khu V, các tỉnh, thành phố,

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ,

- Thưa bà con gia tộc Thủ tướng Phạm Văn Đồng,

-  Thưa quý vị khách quý cùng toàn thể đồng chí, đồng bào,

 
Trong không khí cả nước phấn khởi chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và mừng Xuân Bính Thân 2016; được sự cho phép của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ; hôm nay, tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng; người học trò xuất sắc, người đồng chí gần gũi và thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước; nhà văn hóa lớn của dân tộc; người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; các vị khách quý của trung ương và các tỉnh, thành phố; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động, cùng toàn thể đồng chí, đồng bào về dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Kính thưa đồng chí và toàn thể đồng bào!

 Thủ tướng Phạm Văn Đồng bí danh là Anh Tô; sinh ngày 01.3.1906 trong một gia đình trí thức phong kiến, có truyền thống yêu nước tại xóm Cây Gạo, làng Thi Phổ Nhất (nay là thôn Hai, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Sớm cảm nhận được nỗi đau của người dân mất nước cũng như thân phận nô lệ của dân tộc; từ khi còn trẻ, thanh niên Phạm Văn Đồng đã tự nguyện từ bỏ viễn cảnh vinh hoa phú quý để bền bỉ dấn thân vào sự nghiệp cách mạng cứu nước, cứu dân; trở thành một nhà Cách mạng tiền bối của Đảng và Nhà nước Việt Nam; được sự ngưỡng mộ, kính trọng đặc biệt của Nhân dân và sự tin cậy của bạn bè quốc tế.

Khi theo học ở Trường Quốc học Huế, chứng kiến cảnh chính quyền thực dân - phong kiến bù nhìn hà hiếp Nhân dân, được tiếp xúc với sách báo cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ hải ngoại bí mật chuyển về; mùa hè năm 1924, Phạm Văn Đồng rời Trường Quốc học với tấm bằng Thành chung, ra Hà Nội học Tú tài tại trường Bưởi. Tại đây, đồng chí đã tham gia tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tham gia Phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh và vận động ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Năm 1926, đồng chí sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Năm 1929, sau khi dự Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ Hồng Công trở về Sài Gòn hoạt động; đến tháng 7.1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã biến nhà tù thành trường học, tham gia ban lãnh đạo Cách mạng trong nhà tù, giáo dục lòng yêu nước cho tù chính trị.

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân ở Pháp, đồng chí được trả tự do trước thời hạn và bị quản thúc ở Quảng Ngãi một thời gian, rồi ra Hà Nội tham gia hoạt động công khai. Tháng 5.1940, Phạm Văn Đồng đi Côn Minh, Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động Cách mạng ở Liễu Châu, Tĩnh Tây.

Đầu năm 1941, đồng chí Phạm Văn Đồng cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Tháng Tám 1945, đồng chí tham gia Đại hội Quốc dân Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí Phạm Văn Đồng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, là đại biểu Quốc hội khóa I.

Cuối tháng 5.1946, đồng chí được cử làm Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đàm phán với Chính phủ Cộng hòa Pháp tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Pháp). Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, đồng chí được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Trung Bộ. Năm 1947, Phạm Văn Đồng được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đến năm 1949, trở thành Ủy viên chính thức; cũng trong năm này, đồng chí Phạm Văn Đồng lại một lần nữa rời quê hương trở lại chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới, được đề cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tháng 02.1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, đồng chí Phạm Văn Đồng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tháng 5.1954, được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước VNDCCH dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương. Tháng 9.1954, được cử làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Ngày 20.9.1955, được Quốc hội khóa 1 cử làm Thủ tướng Chính phủ. Tháng 9.1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp tục được bầu vào BCHTƯ Đảng và là Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 12.1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp tục được bầu vào BCHTW Đảng và Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Tháng 3.1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, Người tiếp tục là Ủy viên BCHTƯ Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc các khóa VI, VII, VIII, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Cố vấn BCHTW Đảng đến tháng 12.1997, thể theo nguyện vọng của mình, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho thôi giữ chức vụ này. Ngày 29.4.2000, đồng chí từ trần, hưởng thọ 94 tuổi; Trung ương Đảng và Chính phủ tổ chức tang lễ theo nghi thức Quốc tang. Đồng chí Phạm Văn Đồng mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.     
    
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Phạm Văn Đồng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cùng nhiều Huân, Huy chương cao quý khác và huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; được nhiều nước và các tổ chức quốc tế tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý trên nhiều lĩnh vực.

Gần một thế kỷ của cuộc đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cống hiến tất cả cho sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; trở thành một trong những nhà cách mạng tiền bối của Đảng và Nhà nước ta. Với việc đảm nhiệm nhiều chức vụ chủ chốt trong hệ thống các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí Phạm Văn Đồng đã góp sức cùng với Trung ương Đảng giải quyết những thách thức vô cùng cam go trong lịch sử Cách mạng nước ta; đồng chí có công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp của đồng chí Phạm Văn Đồng trải rộng trên nhiều lĩnh vực: từ lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đến lĩnh vực ngoại giao... sớm bộc lộ tài năng của nhà hoạt động chính trị trong quá trình chỉ đạo quân dân Nam Trung bộ giữ vững vùng tự do, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đặc biệt là trên lĩnh vực ngoại giao, đồng chí Phạm Văn Đồng đã thể hiện được sự xuất sắc của mình khi hai lần làm Trưởng đoàn đàm phán tại Phông-ten-nơ-blô, Pháp (1946) và tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ (1954), góp phần kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Là học trò và là người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết nhiều tác phẩm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng tầm tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta học tập, noi theo.

Trên cương vị Thủ tướng tướng Chính phủ, đồng chí đã chú trọng đến phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục; quan tâm đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, người làm báo; trực tiếp viết những bài quan trọng về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu; những bài viết mang tính định hướng về đường lối văn nghệ, lý luận văn học... Tận lực cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc với tấm lòng trong sáng, vô tư, khách quan; Phạm Văn Đồng là vị Thủ tướng dành được sự yêu mến, kính trọng của các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Sau khi qua đời, cái tên Phạm Văn Đồng đáng kính được đặt cho các đường phố lớn, các trường học, công trình quan trọng tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố cả nước; có nhiều Hội thảo khoa học Quốc gia về thân thế, sự nghiệp, cống hiến to lớn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhận định về cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lời điếu do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc tại Lễ truy điệu ngày 06/5/2000 nhấn mạnh: “Chín mươi tư tuổi đời, bảy mươi lăm năm hoạt động Cách mạng liên tục; đồng chí Phạm Văn Đồng với cái tên triều mến “Anh Tô” của chúng ta, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa...".

Kính thưa đồng chí và đồng bào!

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, quê hương Quảng Ngãi rất đỗi tự hào đã sinh ra người con ưu tú làm rạng rỡ quê hương, đất nước; có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp Cách mạng ở nước ta trong thế kỷ XX. Vùng đất núi Ấn - sông Trà linh thiêng, giàu truyền thống Anh hùng – Cách mạng đã sinh ra người con ưu tú Phạm Văn Đồng và chính Phạm Văn Đồng, bằng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình đã trở thành tấm gương sáng, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với phong trào cách mạng, làm rạng danh quê hương Quảng Ngãi.   

Suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn dành nhiều tình cảm cho quê hương, dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trong những năm  kháng chiến chống Pháp, Trường Trung học bình dân Nam Trung bộ, rồi Trường Trung học Lê Khiết đã ra đời ở Quảng Ngãi, trở thành nơi đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho các tỉnh Nam Trung bộ và cả nước. Những quyết sách của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng; thể hiện rõ đức độ, bản lĩnh và tài năng của một nhà hoạt động chính trị tài ba.

Với cương vị Thủ tướng Chính phủ, tuy bận rộn nhiều công việc trọng đại của đất nước, nhưng Thủ tướng vẫn dành tình cảm đặc biệt quan tâm đến đồng bào, chiến sỹ và theo dõi phong trào cách mạng ở quê nhà. Mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh hay khi chuẩn bị cho chiến dịch lớn, Thủ tướng đều có điện chúc mừng và động viên, nhắc nhở, khích lệ; tạo thêm sức mạnh mới cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi…

Thủ tướng thường xuyên căn dặn lãnh đạo tỉnh chú ý công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục; chăm lo đời sống nhân dân. Tháng 10/1991, là Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và có bài phát biểu quan trọng, định hướng phát triển toàn diện cho quê hương Quảng Ngãi, mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền phải nhìn thẳng vào sự thật, đề ra những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu của việc giữ gìn tinh thần đoàn kết trong Đảng; cán bộ phải đoàn kết một lòng, tận tâm, tận lực vì dân vì nước; cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; đồng thời, phải phát huy nội lực, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo thực hiện công cuộc xây dựng quê hương.

Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn quan tâm đến lợi ích toàn dân tộc. Với quê hương và gia tộc, bằng tình cảm sâu đậm, bằng nhân cách cao cả của mình, đồng chí luôn dặn dò, nhắc nhở cán bộ và nhân dân, bà con dòng họ phải tự phấn đấu vươn lên.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và huyện Mộ Đức khắc ghi những lời căn dặn tâm huyết, chí tình của Thủ tướng Phạm Văn Đồng; ra sức phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu quan trọng: Chính trị ổn định, kinh tế - văn hóa phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Tính từ sau năm 1975 đến nay, thành tích nổi bật là đã hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đại thủy nông Thạch Nham tưới cho hơn 30.000 ha đất canh tác, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo cơm no, áo ấm cho Nhân dân. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh với sự hình thành Khu Kinh tế và Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, dự án Liên doanh Việt Nam - Singapore được hình thành; thành phố Quảng Ngãi đạt tiêu chí đô thị loại 2, huyện Đức Phổ đang phấn đấu trở thành thị xã; các đô thị ở miền xuôi, miền núi trong tỉnh cũng phát triển nhanh, huyện đảo Lý Sơn trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế du lịch, thủy sản và dịch vụ gắn với việc xây dựng thế trận bảo vệ chủ quền biển đảo.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục phát triển mạnh; tỉnh có Trường đại học mang tên Phạm Văn Đồng, Trường Đại học Tài chính - Kế toán, Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đảm đương việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác giảm nghèo được đẩy mạnh; nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; vùng căn cứ cách mạng. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi tự hào là thực hiện khá toàn diện lời căn dặn và mong muốn của Thủ tướng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã vượt qua khó khăn thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc, tỉnh Quảng Ngãi, với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, ngay trên mảnh đất đầy ắp kỷ niệm này, Khu lưu niệm mang tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã được xây dựng, là nơi mà tất cả chúng ta hôm nay đang bùi ngùi tưởng nhớ đến một con người đã dành trọn đời mình cho nước, cho dân. Số lượng hàng chục vạn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Khu lưu niệm mỗi năm cho thấy sự ngưỡng mộ, lòng kính yêu vô hạn của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đối với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Kính thưa quý vị đại biểu, đồng chí và đồng bào kính mến!

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng là dịp để mỗi chúng ta cùng nhau ổn lại thân thế, sự nghiệp, công lao và cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Văn Đồng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; rút ra những bài học bổ ích cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

 Trước anh linh của Người, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi nguyện một lòng đồng tâm, hiệp lực; chung sức, đồng lòng; ra sức phấn đấu, xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, văn minh; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng của đất nước. Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi xin hứa với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, hiếu học, đoàn kết, xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, có tính hợp tác cao, khẳng khái, khoan dung, thân thiện, năng động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; học tập tinh thần tận tụy, nhân cách cao đẹp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà; góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tấm gương Thủ tướng Phạm Văn Đồng mãi mãi là niềm tự hào, luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam và mỗi người con quê hương Quảng Ngãi!

Kính chúc đồng chí, đồng bào dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi!
         

 Xin trân trọng cảm ơn!
 


.