Góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: Công nghiệp là động lực chính của nền kinh tế

09:09, 09/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định “Phát triển công nghiệp tiếp tục là nhiệm vụ đột phá” trong giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng nền tảng để đưa tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là một định hướng đúng cho thời điểm “vàng” khi mà nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đang đổ về Quảng Ngãi ngày càng nhiều…

TIN LIÊN QUAN

Bước phát triển tất yếu

Những chỉ tiêu về kinh tế trong nhiệm kỳ qua là rất khả quan, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp tại khu kinh tế, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp vẫn chưa như mong muốn. Nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhiều, nhưng đi vào hoạt động còn ít.

 

Hạ tầng của CCN Tịnh Ấn Tây còn nhiều bất cập cần được đầu tư mạnh trong giai đoạn tới.
Hạ tầng của CCN Tịnh Ấn Tây còn nhiều bất cập cần được đầu tư mạnh trong giai đoạn tới.

Theo ông Trần Phước Hiền-Phó Giám đốc Sở Công thương, với mục tiêu đưa tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp thì hoạt động sản xuất công nghiệp phải giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Bởi sản xuất công nghiệp tạo ra của cải, vật chất, cung cấp tư liệu sản xuất, thiết bị kỹ thuật cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Đồng thời, công nghiệp là ngành mang lại nhiều giá trị tăng thêm, quyết định sự phát triển của nền kinh tế, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và là chỉ tiêu để đánh giá trình độ phát triển của một tỉnh.

Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tỉnh đang dần khẳng định vị trí của mình trong cơ cấu chung nền kinh tế của tỉnh  khi chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tỷ trọng cơ cấu chung của tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP). Theo ông Trần Phước Hiền, với tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP tỉnh, Dự thảo nêu trong 5 năm qua đạt 62% là chưa hợp lý. Bởi tỷ trọng này không phải chỉ riêng của ngành công nghiệp mà còn có đóng góp của ngành xây dựng. Do đó, Dự thảo cần phải bổ sung ngành xây dựng vào tỷ trọng trong cơ cấu GRDP.

Đối với nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2016 - 2020, Dự thảo đưa ra 17 chỉ tiêu về phát triển KT-XH. Trong đó có một chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến công nghiệp, đó là chỉ tiêu tỷ trọng cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP đến năm 2020 công nghiệp chiếm 60- 61%. Theo ông Hiền là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên phải bổ sung vào cụm từ "công nghiệp – xây dựng".
 
Cần tập trung đầu tư cho các cụm công nghiệp

Bên cạnh các chỉ tiêu mà Dự thảo báo cáo chính trị đưa ra là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu kinh tế; khu công nghiệp để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thu hút đầu tư thì Dự thảo chưa nhắc đến việc đầu tư cho các cụm công nghiệp (CCN). Đây là một thiệt thòi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tại các CCN.

Các CCN đang “ăn nên làm ra” trên địa bàn tỉnh như La Hà; Tịnh Ấn Tây; Đồng Dinh; Bình Nguyên… ngoài hình ảnh những dãy nhà xưởng, những chiếc xe tải ra vào thường xuyên và tiếng động cơ máy móc hoạt động, thì chẳng có gì khác lạ so với xung quanh. Tại CCN Tịnh Ấn Tây, dọc tuyến đường chính cắt ngang qua những nhà máy, xí nghiệp là hình ảnh những bụi mai dương mọc rậm rạp, là nền đường dẫn vào các nhà máy gồ ghề, lởm chởm chẳng khác nào đường vùng cao.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp không mặn mà khi tìm đến các CCN để đầu tư là hạ tầng không đồng bộ và nhiều rào cản liên quan. Theo ông Trần Phước Hiền, kể từ năm 2003 đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 11 CCN được đầu tư xây dựng/25 CCN được quy hoạch. Nếu so với hai tỉnh lân cận là Bình Định và Quảng Nam thì tỷ lệ CCN của tỉnh ta thấp hơn nhiều lần lượt là Bình Định 40 và Quảng Nam 61.

Bên cạnh giá trị mà các KKT, KCN làm ra trong tổng số tỷ trọng GRDP của tỉnh trong năm năm qua thì hoạt động ở các CCN cũng có những đóng góp tương đối lớn. Thế nên, ông Hiền cho rằng, Dự thảo cần bổ sung thêm việc đầu tư hạ tầng cho các CCN. Bởi ngoài việc tạo ra sản phẩm hàng hóa khá lớn, thì các CCN cũng là nơi tạo ra hàng chục nghìn việc làm, tạo bộ mặt hoạt động sản xuất công nghiệp của các địa phương. Do đó, trong giai đoạn tới cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho các CCN để vực dậy sản xuất công nghiệp ở các vùng nông thôn trong tỉnh.

Cũng theo ông Hiền, nếu như Bình Định và Quảng Nam vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN là từ ngân sách tỉnh và Trung ương, thì Quảng Ngãi chủ yếu là vốn ngân sách huyện, còn ngân sách tỉnh hỗ trợ rất ít và không thường xuyên. Nguyên nhân là tỉnh ta không thuộc diện được ngân sách Trung ương  hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg. Bên cạnh đó chính sách đầu tư hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND cũng không có quy định nào về hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN.

“Điều này sẽ là rất thiệt thòi cho các huyện cũng như các CCN. Do đó, để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất công nghiệp ở nông thôn và công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp đúng với tiềm năng, lợi thế của các CCN đã xây dựng cũng như trong quy hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột phá phát triển công nghiệp, Dự thảo cần phải bổ sung vào nhiệm vụ xây dựng hệ thống hạ tầng các CCN  trong giai đoạn 2016 - 2020” – ông Hiền đề nghị.          
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 

.