Nơi khởi nguồn dòng thác cách mạng miền Nam

01:05, 01/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tháng 7.1958, ở vùng núi cao Trà Bồng (nay là xã Trà Phong, huyện Tây Trà) đã diễn ra một Hội nghị đặc biệt với phần lớn người tham gia là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Trà Bồng và các huyện miền núi Quảng Ngãi. Đó là hội nghị Gò Rô, bàn việc đánh Mỹ- Ngụy, giải phóng quê hương.

Từ hội nghị ấy, cùng với việc chuẩn bị lực lượng, một năm sau đã nổ ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Trà Bồng và khắp miền Tây Quảng Ngãi, mở đầu thời kỳ mới cho cách mạng giải phóng miền Nam.

Hội nghị Diên Hồng ở Gò Rô

Cách nay 54 năm, tại con suối Gò Rô, đã diễn ra Hội nghị do Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tổ chức. Ông Phạm Thanh Biền (93 tuổi), nguyên Bí thư Tỉnh ủy, người trực tiếp chỉ đạo hội nghị năm ấy, kể lại: Đầu tháng 7.1958, hoạt động cách mạng lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, đường lối cách mạng ở miền Nam chưa rõ ràng. Tại vùng núi Quảng Ngãi có nhiều ác ôn khủng bố, khiến cho lực lượng cách mạng gặp nhiều khó khăn, nên phải dạt vào vùng núi cao để hoạt động. Tỉnh ủy phải hoạt động ở vùng hẻo lánh hiểm trở khu vực núi Cà Đam.

 

Gò Rô nay là trung tâm huyện lỵ Tây Trà.
Gò Rô nay là trung tâm huyện lỵ Tây Trà.


Với chính sách khủng bố của chính quyền Sài Gòn, nhân dân vô cùng căm phẫn muốn đứng lên tiêu diệt quân thù để dành lại tự do. Nhận định được tình hình, Tỉnh ủy đã quyết định triệu tập một hội nghị bàn về phương pháp đánh giặc cũng như chuẩn bị về tư tưởng, lực lượng để kháng chiến lâu dài. Hội nghị Gò Rô được triệu tập. Trong 4 ngày (từ 7-10.7.1958), tại địa điểm bí mật trên một khu đồi cạnh con suối ở thôn Gò Rô, gần 200 người, với 2/3 là các già làng ở Trà Bồng và đại biểu các huyện miền núi. Hội nghị đã đi đến quyết định chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa. Động viên các già làng và thanh niên người dân tộc đi theo cách mạng, không đi lính cho địch.

 Ông Phạm Thanh Biền cho biết, đầu tiên là ta xây dựng lực lượng tổ chức các nhóm diệt ác ôn bí mật, tiếp đó thành lập các đơn vị vũ trang. Vào ngày 3.3.1959, tại vùng giáp ranh 2 thôn Bồ Nung và Nước Xoay (xã Trà Thọ), đơn vị vũ trang đầu tiên để chống Mỹ ngụy ở Quảng Ngãi được thành lập mang tên 339. Tiếp theo đến ngày 19.8.1959 thành lập tiếp đơn vị vũ trang thứ 2 là đơn vị 89 tại xã Sơn Lập (nay thuộc huyện Sơn Tây). Trong khi Tỉnh ủy đang tổ chức thành lập đơn vị vũ trang thứ 3 tại huyện Ba Tơ thì tại huyện lỵ Trà Bồng, ngày 28.8.1959 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của người Cor cướp chính quyền với những vũ khí thô sơ. Phong trào khởi nghĩa lan rộng khắp miền Tây Quảng Ngãi khiến chính quyền Sài Gòn hoang mang.  Ở Trà Bồng và các huyện miền núi khác đã thành lập được chính quyền khởi nghĩa, trở thành vùng giải phóng, làm căn cứ đứng chân cho lực lượng cách mạng của tỉnh những năm sau đó.

Người Cor và Bác Hồ

Tại vùng đất Gò Rô hôm nay, cuộc sống đã dần thay đổi. Vùng đất cách mạng ngày nào hôm nay là trung tâm huyện lỵ của huyện Tây Trà. Thật may mắn là hiện giờ, vẫn còn một người  từng tham gia hội nghị Gò Rô năm xưa còn sống và ở tại mảnh đất này. Đó là ông Hồ Văn Bảy, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Trà Bồng. Chúng tôi tìm gặp ông vào một ngày cuối tháng tư lịch sử. Anh thanh niên ngày ấy giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Nhưng khi nhắc về những tháng ngày gian khó của đồng bào lúc bấy giờ, cũng như nhìn thấy quê hương đổi mới, thành quả của cách mạng đem lại thì ông vô cùng vui sướng. Bắt đầu câu chuyện về quá khứ, ông không quên thắp một nén nhang trên bàn thờ có chân dung Bác Hồ.

 

Ông Hồ Văn Bảy, một trong số ít người Cor tham gia hội nghị Gò Rô năm xưa còn sống kể về những đồng đội của mình.
Ông Hồ Văn Bảy, một trong số ít người Cor tham gia hội nghị Gò Rô năm xưa còn sống kể về những đồng đội của mình.


Ông Bảy nhớ lại một chi tiết mà cuộc đời ông không thể nào quên trong những ngày hội nghị Gò Rô diễn ra. Ông Bảy kể: Lúc đó, đồng chí Phạm Thanh Biền có một chiếc đài. Từ chiếc đài này, những già làng, thanh niên người Cor tham dự hội nghị được nghe tiếng nói từ Hà Nội, tiếng nói của Bác Hồ kêu gọi đồng bào cả nước đi theo cách mạng. “Khi nghe được tiếng Bác Hồ qua chiếc đài, ai cũng rất phấn khởi, vui mừng”, ông Bảy nhớ lại trong niềm xúc động và tự hào. Có lẽ khi nghe được tiếng nói của Bác Hồ mà người Cor đã quyết tâm một lòng theo cách mạng, theo Bác Hồ để rồi làm nên cuộc khởi nghĩa, mở đầu thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam từ những ngày đầu gian khó đi đến thắng lợi cuối cùng, non sông thu về một mối.

Với tình cảm đặc biệt dành cho vị cha già của dân tộc, ngày 9.9.1969, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cor vượt núi, băng rừng về chiến khu Trà Lãnh dự lễ truy điệu Bác Hồ do Huyện ủy Trà Bồng tổ chức. Tại buổi lễ này, các già làng người Cor đã đề đạt nguyện vọng của đồng bào “muốn theo họ Bác Hồ” để ghi nhớ công ơn của Bác. Từ đó đến nay, người Cor vinh dự và tự hào được mang họ Bác Hồ, đoàn kết cùng với các dân tộc anh em thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương.

Hôm nay, toàn dân tộc kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Phạm Thanh Biền có lời chia sẻ: “Có một điều đặc biệt là, từ khi cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nổ ra và giành thắng lợi đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền Sài Gòn không sao giành lại được vùng đất này. Nơi đây trở thành một căn cứ địa vững chắc cho Quảng Ngãi và cả Quân khu 5. Chính quyền Sài Gòn đã vấp phải lòng trung thành và căm thù giặc sâu sắc, một lòng kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng của người Cor và các dân tộc ở miền Tây Quảng Ngãi”.

Thật vậy, tinh thần ấy đến bây giờ vẫn được tiếp nối trong lòng đồng bào người Cor và các dân tộc anh em ở miền núi Quảng Ngãi nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Bài, ảnh: X. THIÊN

 


.