Thi đua là yêu nước

02:06, 10/06/2013
.

(QNg)- “…Ai cũng thi đua. Ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc… Hỡi toàn thể đồng bào! Hỡi toàn thể chiến sĩ! Tiến lên!”. Đã 65 năm trôi qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi vang vọng, là động lực để các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Bác Hồ viết: “…Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua. Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc”. Ngày ấy, triệu triệu chiến sĩ, đồng bào trong cả nước hòa cùng nhịp đập của tinh thần thi đua ái quốc theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triệu người như một, nhất tề đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Với sức mạnh đoàn kết như vũ bão, dân tộc ta, nhân dân ta ngân vang khúc khải hoàn.   

 

Lãnh đạo tỉnh khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Lãnh đạo tỉnh khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.         Ảnh: PL


“Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua”, các tầng lớp nhân dân đã thuộc lòng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và, với tất cả mọi người, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mãi là động lực để không ngừng tiến lên trên con đường xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Có lần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Tấn Tỏa kể cho chúng tôi nghe chuyện về quê hương Quảng Ngãi ngày giải phóng. “Niềm vui không thể kể hết bằng lời, cứ ngỡ như trong mơ”, đồng chí Tỏa nói.

Niềm vui bất tận, song đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy không khỏi trăn trở khi chiến tranh kết thúc quê hương phải đối mặt với sự hoang tàn, mất mát vô ngần. Cách một ngày sau giải phóng, đồng chí Lê Tấn Tỏa đã dõng dạc kêu gọi toàn dân đoàn kết, quyết tâm kiến thiết quê hương và góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dân vui mừng hò reo. Và rồi, nhà nhà, người người bắt tay vào công cuộc thi đua kiến thiết quê hương, góp sức người, sức của để giải phóng miền Nam.
 

“Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh hãy phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đồng tâm, chung sức vượt qua khó khăn, thử thách, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước ngày càng mạnh mẽ, đều khắp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa nhấn mạnh.

Quảng Ngãi đang ngày càng thay da đổi thịt. Đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Ở khắp các địa phương trong tỉnh, phong trào thi đua yêu nước được triển khai thực hiện với nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả cao. Đặt chân đến mảnh đất Phổ Thạnh hôm nay chắc hẳn nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê này. Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phổ Thạnh đang từng ngày thi đua để thực hiện đạt các tiêu chí đô thị loại V. Đây là một trong những địa phương tiêu biểu trên địa bàn tỉnh trong học tập và làm theo lời Bác.

 

Lãnh đạo xã Phổ Thạnh cho hay, trên bước đường xây dựng quê hương, xã Phổ Phạnh thực hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phòng chống tội phạm; thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách thủ tục hành chính; phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi… Bức tranh xã Phổ Thạnh rực sáng với những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, trường lớp học khang trang, nhân dân đoàn kết tiến lên.    

Ở tận vùng cao Sơn Thượng (Sơn Hà), ông cụ người dân tộc Hrê Đinh Ngọc Su ngày đêm miệt mài chế tác nhạc cụ truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ông được mệnh danh là người “Vắt đất ra nhạc”, bởi đã chế tác nhạc cụ Tà Vỗ độc đáo bằng đất sét. Cụ Đinh Ngọc Su hiện đang giảng dạy cho hơn 30 trẻ em người dân tộc Hrê biết cách chế tác và trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống. “Âm thanh các loại nhạc cụ truyền thống hay lắm, nó như réo rắt gọi mời. Phải dạy cho lớp trẻ biết nét đẹp văn hóa truyền thống, nếu không sau này mình có lỗi”, cụ Đinh Ngọc Su bộc bạch. Trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi đơn vị, địa phương và mỗi người dân đang từng ngày từng giờ ra sức thi đua để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựngquê hương Quảng Ngãi ngày càng phát triển.

 


MINH ANH
 


.