Kết quả thực hiện Chỉ thị 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

09:05, 01/05/2012
.

(QNg)- Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/TU ngày 7/9/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh và Thông báo Kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), đã tạo sự chuyển biến tích cực về giáo dục, đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể các cấp đã chú trọng hơn đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo, dạy nghề được tăng cường, các chế độ chính sách đối với giáo dục, đào tạo được triển khai thực hiện kịp thời, nguồn lực đầu tư để kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia, trang bị phương tiện, thiết bị dạy và học được tăng cường. Ngành giáo dục đã chú trọng chỉ đạo thực hiện cả 3 mặt giáo dục: Dạy người, dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, giáo dục về Đảng…

Ngoài việc đảm bảo dạy đúng, đủ chương trình theo quy định, ngành giáo dục đã tổ chức các cuộc thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Bác Hồ", các buổi nói chuyện về truyền thống của dân tộc, của quê hương; phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" với nhiều mô hình phong phú, đa dạng, sát thực tế như mô hình kết hợp thực hiện "3 đủ", "Tiếng trống sạch trường", "Ngày thứ bảy xanh"… đã đem lại kết quả khá rõ rệt. Tinh thần thái độ tự tin, mạnh dạn, chủ động, sáng tạo, động cơ học tập của học sinh nghiêm túc hơn, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; cảnh quan trường học ngày càng xanh-sạch-đẹp.
    
Cuộc vận động "Hai không", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đạt được nhiều kết quả thiết thực. Hầu hết giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm gương cho học sinh noi theo. Việc đánh giá chất lượng giảng dạy, học tập đúng thực chất hơn, góp phần khắc phục bệnh thành tích, tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, những trường hợp giáo viên, học sinh vi phạm kỷ luật giáo dục được xử lý nghiêm túc. Do vậy, số lượng học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt và học lực khá, giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp các cấp học và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước ngày càng tăng.

Quy mô giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội. Đến năm học 2011-2012, có 22/212 trường mầm non, 119/224 trường tiểu học, 78/165 trường trung học cơ sở, 13/39 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 3 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 7 trung tâm tin học, ngoại ngữ, có 143/184 xã, phường, thị trấn thành lập được trung tâm học tập cộng đồng.

Công tác phổ cập giáo dục được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi đang hoàn thiện. Năm học 2011-2012, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến lớp đạt trên 98%, 184/184 xã, phường, thị trấn hoàn thành và giữ vững việc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Việc phân luồng, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên, hầu hết học sinh lớp 9 đều tham gia học nghề tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp, dạy nghề. Việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài được lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo. Hàng năm số học sinh tham gia, đạt giải học sinh giỏi các cấp càng tăng. Quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Lê Khiết bảo đảm là trường chất lượng cao của tỉnh, đến nay đã có 18/82 giáo viên và 2/3 cán bộ quản lý có trình độ thạc sĩ, 1 giáo viên nghiên cứu sinh tiến sĩ; số học sinh đạt hạnh kiểm tốt 100%; học lực khá giỏi 90%, số học sinh đạt giải cấp quốc gia luôn dẫn đầu các trường trong tỉnh (năm học 2007-2008 có 10/13 em, năm học 2010-2011 có 14/20 em), tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng hàng năm đều đạt từ 80% trở lên, có lớp đạt 100%, nhiều học sinh đã và đang học tại các lớp tài năng trong các trường đại học.

Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng chú trọng việc phát triển, mở rộng hệ thống dạy nghề, năm 2011 có 33 cơ sở dạy nghề với 60 ngành nghề khác nhau. Trong đó có 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm dạy nghề, 11 Trung tâm giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp, dạy nghề. 3 trường đại học, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp và 6 cơ sở khác tham gia thực hiện đào tạo nghề theo ba cấp độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đã từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2007-2010 các cơ sở dạy nghề của tỉnh đã đào tạo được 57.697 lao động. Sau các khóa đào tạo, khoảng 70% học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Hiện nay, Trường đại học Phạm Văn Đồng thực hiện nhiệm vụ đào tạo ngành sư phạm cả 3 bậc: Đại học, cao đẳng và trung học. Cơ sở vật chất của trường được xây dựng ngày càng khang trang hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên các ngành học, bậc học, cấp học của tỉnh.

Những kết quả bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thông báo Kết luận số 242TB/TW của Bộ Chính trị đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 13/9/2011 của Tỉnh ủy về "đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020".  

 
  Trần Tấn Châu
 


.