Thực hiện luật phòng, chống tham nhũng tại Quảng Ngãi: Chưa đáp ứng niềm mong mỏi của dân

09:09, 01/09/2011
.

(QNg)- Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên người dân trong tỉnh vẫn cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu... 

Phòng ngừa tham nhũng: Yếu!

Một trong những giải pháp để phòng ngừa tham nhũng trong bộ máy chính quyền các cấp được Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" là phải công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tài sản, thu nhập cá nhân cán bộ, công chức. Quy định này cũng được thực thi, nhưng chưa đạt yêu cầu. UBND tỉnh đã thừa nhận: "Còn không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là cấp xã do thiếu phương tiện, điều kiện và lúng túng về nội dung, hình thức hoặc chưa quan tâm đúng mức, nên việc công khai, minh bạch còn qua loa, hình thức, thậm chí có nơi chưa thực hiện".
 
Cán bộ “một cửa” xã Trà Phong (Tây Trà) giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân đảm bảo công khai, minh bạch theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.
Cán bộ “một cửa” xã Trà Phong (Tây Trà) giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân đảm bảo công khai, minh bạch theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.

Riêng việc quy định cán bộ, công chức phải nộp lại quà tặng, mặc dù đều có nhắc nhở, nhưng đến nay chưa cơ quan, đơn vị, cá nhân nào nộp lại quà tặng hoặc phát hiện những trường hợp tặng quà, nhận quà không đúng quy định mà không báo cáo, nộp lại.

Đối với yêu cầu chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 1000/QĐ-UBND ngày 22/6/2009 quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đến nay mới có 17/36 cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. UBND tỉnh cho rằng chủ trương này đi vào thực tiễn còn chậm, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng gia tăng.

Phát hiện, xử lý chưa kịp thời

Tại báo cáo số 81/BC-UBND của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng phục vụ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII vừa qua, nêu rõ: "Qua công tác kiểm tra, giám sát chưa phát hiện tham nhũng. Đây là khâu yếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của tỉnh trong thời gian qua". Việc phát hiện tham nhũng vẫn dựa vào sự tố cáo của nhân dân và công tác thanh tra chuyên ngành.

Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo thanh tra tăng cường hoạt động thanh tra kinh tế, xã hội, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, đặc biệt tập trung vào thanh tra thuế, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội. Kết quả thanh tra tại 187 cơ quan, đơn vị phát hiện tổng giá trị sai phạm hơn 111 tỷ đồng và 27.850 m2 đất. Qua đó xử lý hành chính 17 tập thể, 15 cá nhân, đề xuất hàng chục kiến nghị chấn chỉnh việc chấp hành chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa, Trưởng ban Chỉ đạo Ban phòng, chống tham nhũng tỉnh: Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều việc chưa đạt yêu cầu. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều chưa niêm yết công khai quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; chưa tuân thủ quy trình, thủ tục về kê khai tài sản, thu nhập; chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức... Đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh thụ lý 4 vụ/9 bị cáo về các tội danh tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ. Kết quả đã đưa ra xét xử 1 vụ.

Những việc cần khắc phục

UBND tỉnh đã nhìn nhận: Công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng còn nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu; việc tự phê bình trong từng cán bộ, đảng viên còn yếu; do tình trạng nể nang và sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên cán bộ ngại va chạm còn diễn ra phổ biến; công tác thanh tra chưa thường xuyên... UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần sửa đổi chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay. Đồng thời chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp trong chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

Các cơ quan, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nêu gương người tốt, việc tốt trong phòng chống tham nhũng, khen thưởng kịp thời người có thành tích trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai rộng rãi các thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc; kiên quyết cắt giảm cuộc họp không cần thiết. Đặc biệt UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị, tố cáo của công dân liên quan đến phòng, ngừa tham nhũng và hành vi tham nhũng.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

.