Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ năm 1930”

11:08, 25/08/2010
.

(QNĐT)- Ngày 25/8, tại Quảng Ngãi, Tỉnh ủy Quảng Ngãi phối hợp với Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ (8-10-1930) - ý nghĩa bài học lịch sử. 
 
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình-Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu tại hội thảo.
 
Các đồng chí Nguyễn Hòa Bình-Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Cao Khoa-Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; GS-TS Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; TS Hoàng Văn Tuệ - Viện trưởng Viện lịch sử Đảng chủ trì cuộc hội thảo.
 
Tham dự hội thảo còn có các nhà sử học, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước; các nhân chứng lịch sử; lãnh đạo các sở, ban ngành, các huyện trong tỉnh...
 
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ vào ngày 8/10/1930 là cuộc biểu tình của quần chúng cách mạng, đỉnh cao của phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930-1931 do Đảng bộ Quảng Ngãi tổ chức và lãnh đạo. Cuộc biểu tình đã trực tiếp đánh và làm tê liệt, tan rã bộ máy chính quyền thực dân phong kiến ở huyện đường Đức Phổ trong một thời gian ngắn, góp phần chia lửa với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
 
Cách đây 80 năm, tháng 6/1930, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất, Tỉnh ủy đã quyết định phát động đợt đấu tranh chia lửa với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đức Phổ được chọn là địa phương mở đầu cho đợt đấu tranh này. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Nghiêm- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ được các đảng viên thảo luận và nhất trí thông qua.
 
Tối ngày 7/10/1930, hơn 3.000 quần chúng hàng ngũ tỉnh tề từ hơn 20 làng trong huyện Đức Phổ và các huyện lân cận bừng bừng khí thế tiến về Huyện đường Đức Phổ trong tiếng hô khẩu hiệu, tiếng trống rền vang. Gần sáng, đoàn biểu tình đã lên gần 5.000 người rầm rộ xông vào Huyện đường. Những người biểu tình phá trại giam, đốt cháy công văn, hồ sơ, ấn tín, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn… Đoàn biểu tình hoàn toàn làm chủ Huyện đường Đức Phổ và giải tán trước khi trời sáng. Đây là thắng lợi đầu tiên của Đảng bộ Quảng Ngãi ngay từ khi mới ra đời. 
 
Hội thảo đã thu hút 37 bài tham luận của các nhà sử học, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử trong nước tham gia. Các bài tham luận đã tập trung làm rõ quy mô, đặc điểm, diễn biến, kết quả cuộc biểu tình, đặc biệt là vai trò và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng bộ Quảng Ngãi đối với cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ. 
 
Qua đó khẳng định tầm ảnh hưởng của cuộc biểu tình đối với phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi và cả nước. Sự phối hợp tham gia của các lực lượng cách mạng, các địa phương trong tỉnh và cả nước trong cao trào cách mạng 1930-1931 và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
 
Thông qua cuộc hội thảo, là dịp để chúng ta có cách nhìn nhận đầy đủ hơn về tầm vóc, ý nghĩa của cuộc biểu tình trong lịch sử Đảng bộ Quảng Ngãi nói riêng, lịch sử Đảng ta nói chung.
 
Tin, ảnh: M.Toàn

.