Ứng xử với di tích

10:03, 16/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ở một đất nước mà điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh như nước ta, việc các di tích xuống cấp là điều không tránh khỏi. Vì vậy, trùng tu các di tích là việc làm thường xuyên của các cấp chính quyền và ngành văn hóa. Tuy nhiên, sự đa dạng của nhiều nền văn hóa trong cùng một quốc gia được thể hiện trong từng di tích đòi hỏi cách ứng xử với mỗi di tích phải khác nhau. Trùng tu các di tích Chămpa  ở miền Trung là một ví dụ.
 
Mới đây, ngành chức năng đã đình chỉ đơn vị thi công đang trùng tu tháp Bánh Ít, thuộc huyện Tuy Phước (Bình Định), cũng nằm trong lý do này.
 
Chúng ta đều biết, người Chăm từng có một nền văn minh rực rỡ trong quá khứ. Các tháp được người Chăm xây dựng cả chục thế kỷ nay, nhưng vẫn trường tồn cùng mưa nắng là bằng chứng cho quá khứ vàng son ấy. Từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho tới Bình Thuận, tháp Chăm xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên, không một thứ vật chất nào có thể vĩnh viễn tồn tại trước thời gian nên việc trùng tu là điều đương nhiên. Với các tháp Chăm lại càng phải cẩn trọng hơn khi can dự vào, vì chủ nhân của nó đã ký gửi vào đó bao điều bí ẩn mà cho đến hôm nay vẫn chưa lý giải được.
 
Chẳng hạn như người Chăm đã xây những ngọn tháp cao cả trăm mét nhưng có cảm giác như họ chỉ xếp chồng những viên gạch lên nhau mà không cần vôi vữa. Hoặc vì sao viên gạch Chăm dùng để xây tháp chỉ nặng bằng 60% viên gạch người Việt đang sử dụng để trùng tu tháp dù chúng cùng kích cỡ và nguyên liệu thì khai thác cùng một vị trí và độ nung như nhau?
 
Những bí ẩn ấy đòi hỏi khi trùng tu các tháp Chăm phải hết sức cẩn trọng chứ không giống như trùng tu các di tích khác. Vì nếu can dự vào các tháp mà không cẩn trọng, không có chuyên môn cao thì vô tình chúng ta sẽ làm cho ngọn tháp ấy mau đổ hơn. Ví dụ như khi xây lại những mảng tường trên tháp bị đổ, một số người dùng xi măng làm chất kết dính, như kiểu xây nhà thời hiện đại. Chính chất liệu xi măng ấy sẽ tích nước và làm cho viên gạch mau hỏng hơn, dẫn đến tháp cũng sẽ mau đổ hơn. Phát hiện ra điều nguy hiểm này, từ nhiều chục năm qua, các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm đã khuyến cáo ngành văn hóa không nên xây các mảng tường đổ trên tháp Chăm theo kiểu xây nhà!
 
Trở lại với chuyện trùng tu tháp Bánh Ít ở Bình Định. Nhà thầu đã san ủi bằng xe cơ giới vào đế tháp, làm vườn hoa ngay trong khuôn viên tháp. Can dự bằng xe cơ giới sẽ tạo độ rung lớn khi san ủi, đe dọa nghiêm trọng đến độ bền của tháp. Làm vườn hoa quanh tháp là phải tưới nước đều đặn - điều cấm kỵ đối với các tháp Chăm, vì như thế vô tình chúng ta “ngâm” tháp trong nước, rất mau sụp đổ.
 
Các tháp Chăm là một phần của lịch sử và văn hóa trong quá trình mở cõi của cha ông. Ứng xử với tháp không khéo là chúng ta có lỗi với tiền nhân vậy.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.