Ngư dân kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy về những bấp cập của Nghị định 67

06:08, 09/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 9.8, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã đi thăm, kiểm tra việc đóng tàu theo Nghị định 67 để ghi nhận những kiến nghị của bà con ngư dân.

TIN LIÊN QUAN

Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đã có buổi làm việc với 2 chủ tàu vỏ thép đang neo đậu tại cảng Tịnh Kỳ là ông Nguyễn Thanh Hồng, Phạm Trí Thức và HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Nghĩa An.
 
Trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thanh Hồng chủ của chiếc tàu vỏ thép có công suất hơn 800Cv, tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng, đã hạ thủy vào tháng 8.2016 cho biết, đến nay tàu của ông đã khai thác được 12 chuyến biển, tàu hoạt động rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn tàu vỏ gỗ cũ. 
 
Ưu điểm của tàu vỏ thép vượt trội so với tàu vỏ gỗ, tuy nhiên, thủ tục giải ngân còn rườm rà, việc trả nợ ngân hàng với số tiền tương đối lớn, trong khi thời điểm này, con tàu vẫn còn đang trong thời gian thử nghiệm, gây khó khăn cho ngư dân. 
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ trao đổi với ngư dân Phạm Trí Thức.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ trao đổi với ngư dân.

 

“Những tháng đầu tiên chạy thử nghiệm, đều lỗ tổn. Do vậy, tôi mong ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ tiền vay theo hướng nâng dần vào các năm sau, thay vì chia đều như hiện tại”- ông Hồng kiến nghị.

 
Hiện nay cơ quan có trách nhiệm đăng kiểm tàu cá là Trung tâm Đăng kiểm (Tổng Cục Thủy sản- Bộ NN&PTNT) nên nảy sinh bất cập, thủ tục đăng kiểm quá rườm rà, tốn nhiều thời gian, khiến tàu phải neo đậu dài ngày, ảnh hưởng đến kinh tế của ngư dân. Vì vậy, việc đăng kiểm tàu cá nên ủy quyền cho Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT).
 
Tàu vỏ thép hiện đại, nhiều chức năng, nhưng hiện các chủ tàu và thuyền viên đều chưa khai thác hết công năng của nó. Vì thế, việc đào tạo ngư dân kỹ thuật khai thác mới, tiếp cận với một số nghề mới cần được quan tâm.
 
Cũng theo ông Hồng, hiệu quả kinh tế của nghề khai thác hải sản chưa cao do vấn đề liên kết tổ, đội khi hành nghề đánh bắt trên biển chưa chặt chẽ, chi phí sản xuất quá lớn mà đầu ra chưa ổn định.
 
Do đó, nhà nước cần phải liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nghề cá, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực trữ đông lạnh để giải quyết tình trạng tư thương ép giá ngư dân, được mùa mất giá, được giá mất mùa.
 
Theo ông Đỗ Hồng Phước, Giám đốc HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Nghĩa An, việc dừng chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 từ ngày 1.1.2017 đã gây khó khăn rất lớn cho chủ tàu về kinh phí đóng bảo hiểm, vì không đóng bảo hiểm thân vỏ tàu thì ngân hàng không cho tàu ra khơi.
 
 
Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho ngư dân Nguyễn Thanh Hồng.
Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho ngư dân Nguyễn Thanh Hồng.
 
 
Sau khi kiểm tra và trao đổi với ngư dân, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhấn mạnh: Việc triển khai chính sách theo Nghị định 67 cả tàu vỏ thép và vỏ gỗ đều đã phát huy tác dụng tốt, tạo điều kiện cho ngư dân có tàu lớn, hiện đại, có trang thiết bị đầy đủ. Trong quá trình triển khai đóng tàu, ngân hàng không nên áp đặt mà phải để ngư dân thực sự là chủ đầu tư con tàu, từ quyết định chọn cơ sở đóng tàu, thiết kế, giám sát chất lượng, chủng loại, đến thời gian.
 
Việc ngư dân kiến nghị giãn thời gian tính lãi vay theo Bí thư Tỉnh ủy là chính đáng, vì thời gian tính lãi vay đã không tính đến thời gian chờ các thủ tục, đào tạo lao động, làm quen với ngư trường, vừa sản xuất vừa học tập.
 
Qua kiểm tra, trao đổi với ngư dân, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cho biết, những kiến nghị của ngư dân thuộc thẩm quyền của tỉnh, tỉnh sẽ sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tháo gỡ. Với những kiến nghị khác, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong Nghị định 67, để tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân an tâm sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
 
 
Tin, ảnh: A.KIỀU
 
 

.