Người nghèo khởi nghiệp

08:03, 21/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để thoát nghèo và vươn lên đời sống khá giả, nhiều người nghèo đã quyết tâm khởi nghiệp. Nhưng không có trường hợp khởi nghiệp nào trong số người nghèo lại dễ dàng cả. Và trong hầu hết trường hợp khởi nghiệp thành công, sự giúp đỡ từ bên ngoài đều là yếu tố phụ. Tự thân người khởi nghiệp làm nên sự nghiệp cho mình là chính. Và, cũng hầu hết trường hợp khởi nghiệp đều bị thất bại ở những bước đầu tiên.

Điều đó rất hợp lý, vì không chỉ khởi nghiệp với hai bàn tay trắng về tiền bạc, họ còn bắt đầu bằng hai bàn tay trắng về kiến thức. Nhưng không thể không có kiến thức, không có kỹ năng nếu muốn thành công. Vì thế, họ đã tự học, mày mò tự học, kiên nhẫn tự học. Không cần bất cứ bằng cấp nào cả, nhưng bắt buộc phải có kiến thức, phải cần kỹ năng.

Như trường hợp anh nông dân tên Trí ở huyện Phù Mỹ (Bình Định). Hiện tại, anh Trí đã có 2 chuồng nuôi, tổng diện tích trên 5.000m2 với hơn 7.000 con gà thịt và 3.000 gà nhân giống, chủ yếu là giống gà ta lai. Mỗi năm anh xuất chuồng khoảng 15.000 con gà thịt; hơn 140.000 con gà giống cho các bạn hàng ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên. Hằng năm, anh Trí có thu nhập trên 150 triệu đồng từ việc nuôi gà.

Dù vậy, lúc bắt đầu nuôi gà, anh Trí đã bị lỗ nặng do thiếu kiến thức. Dù vậy, anh đã kiên trì học hỏi, từ sách vở, từ những chủ trại gà đã thành công, và tự rút ra những bài học nuôi gà cho riêng mình. Với vốn ban đầu chỉ 25 triệu đồng tiền đi mượn, anh Trí đã dần dà tìm ra những bí quyết trong việc chăn nuôi gà giống và gà thịt. Như thế, không có cái khó nào bó cái khôn cả, vấn đề chỉ là ta biết vận dụng cái khôn của mình để biến cái khó từ trở lực thành động lực.

Ai muốn thành công cũng đều phải bước qua con đường này, và đó đã thành bài học kinh điển cho tất cả những người lập nghiệp. Liên tục làm việc, liên tục suy nghĩ, liên tục tìm cách thay đổi, tự tìm ra hướng đi mới cho mình, qua thất bại mà tìm được chìa khóa thành công. Anh Nguyễn Văn Trí nuôi gà ở Bình Định cũng vậy mà Bill Gates sáng tạo công nghệ máy tính ở Mỹ cũng vậy. Bây giờ người ta có nhiều chương trình dạy khởi nghiệp trên tivi, nhưng ít chương trình nhấn mạnh đến sự thất bại trong bước đầu của tất cả những người khởi nghiệp.

Theo tôi, rất cần nhấn mạnh đến sự thất bại ban đầu như một tất yếu để thấy những thành công về sau là kết quả của sự bền bỉ, trì chí, quyết học hỏi và dám làm lại.

Những thành công dễ dãi không phải là báo hiệu tốt đẹp cho bất cứ người khởi nghiệp nào, vì nó dễ dẫn tới sự “ngủ quên trên chiến thắng”, còn bất cứ sự thất bại ban đầu nào cũng hết sức cần thiết để rèn luyện bản lĩnh người khởi nghiệp. Ngã để đứng dậy và đi xa hơn.
 
THANH THẢO
 

.