Vào TPP, phải thay đổi tư duy quản lý của nhà chức trách

09:10, 07/10/2015
.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Việt Nam tự tin vào TPP, nhưng sức ép TPP đòi hỏi các nhà chức trách nước ta phải thay đổi tư duy quản lý.

Tham gia đoàn Việt Nam tham gia đàm phán TPP từ những ngày đầu, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá Việt Nam tự tin tham gia TPP nhưng TPP cũng đang tạo ra nhiều sức ép cho Việt Nam.

Việt Nam tự tin để bước vào hội nhập

Nói về cảm xúc cá nhân khi đàm phán TPP hoàn thành, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, ông rất vui. Bởi sau gần 6 năm đàm phán, cuối cùng TPP đã được kết thúc toàn diện.
 

12 nước tham gia TPP đang chờ ngày ký kết chính thức Hiệp định (Ảnh: KT)
12 nước tham gia TPP đang chờ ngày ký kết chính thức Hiệp định (Ảnh: KT)


Trước dư luận băn khoăn về những bất lợi mà TPP có thể gây ra cho Việt Nam vì đây được đánh giá là hiệp định có tiêu chuẩn rất cao trong khi Việt Nam là nước nghèo nhất trong các thành viên TPP và năng lực cạnh tranh cũng thấp hơn nhiều, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: “Không ngại. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như tính từ lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào ASEAN, trong hành trang của ta đã có 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế. Sau đó, đến năm 2000, nước ta ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ, đến năm 2006, gia nhập WTO. Và đến bây giờ, năm 2015, chúng ta ký hiệp định TPP. Chúng ta tự tin để bước vào hội nhập”.

Giải thích rõ hơn về điều này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, vì Việt Nam có nhiều lợi ích từ TPP đem lại. Ví dụ: Có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu hơn nữa; có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ hình thành trong khu vực của TPP; dù vốn nội lực là quyết định nhưng vốn đầu tư nước ngoài rất quan trọng, TPP giúp nước ta có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm cơ hội việc làm trong nước; có cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giúp ta không bị phụ thuộc một cách quá mức vào khu vực thị trường Đông Á. Việt Nam cũng sẽ có khả năng mở rộng thị trường hơn nữa, sang các nước TPP, đặc biệt là sang thị trường Hoa Kỳ, cùng với TPA với liên minh châu Âu, chúng ta đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu.

Phải thay đổi tư duy quản lý của nhà chức trách

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra nhiều khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt khi vào TPP. Trong đó, sức ép cạnh tranh là khó khăn nhất. Nhưng, “đây không phải lần đầu tiên Việt Nam hội nhập, trong hành trang đã có 20 năm hội nhập và chuẩn bị, vì vậy chúng ta đủ sức để tiến vào cuộc chơi mới này”.

Chỉ rõ khó khăn nhãn tiền đối với một số ngành, Thứ trưởng Khánh lấy ví dụ trường hợp ngành nông nghiệp. Theo ông, trong ngành này, chăn nuôi khó khăn hơn cả. Kết quả đàm phán tới thời điểm này chưa được công bố, nhưng có thể khẳng định, chăn nuôi sẽ có ít nhất là 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế được hạ về 0%. Hy vọng trong thời gian đó chúng ta sẽ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, để ngành nông nghiệp của ta có sức cạnh tranh lớn hơn nữa để có thể chiến thắng ngay trên ‘sân nhà’. “Không có lý do gì chúng ta là một nước nông nghiệp lại không chiến thắng về các sản phẩm nông nghiệp”- ông Khánh tự tin.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng, sức ép rất lớn đòi hỏi phải cải cách thể chế, bắt buộc các quan chức quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy quản lý trên cơ sở lấy lợi ích của người dân, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ. Đó là sức ép rất lớn đối với bộ máy quản lý hành chính phải vượt qua bằng được.

Bởi vì, giống như gia nhập WTO, TPP là hiệp định tiêu chuẩn cao trong đó đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, về chống tham nhũng, cũng như tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp./.



Xuân Thân/VOV.VN


.