Làm sân bay Long Thành: "Giằng xé giữa hai luồng ý kiến"

10:11, 05/11/2014
.

Đó là cảm xúc của bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khi cùng các đại biểu khác xem xét báo cáo đầu tư, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành tại phiên họp tổ chiều nay (4/11).
 

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Sau khi nghe nhiều ý kiến phát biểu trước mình, đại biểu Bùi Thị An bắt đầu phần thảo luận của mình bằng lời “than”: “Tôi thấy giằng xé giữa hai luồng ý kiến, bên ủng hộ sắc sảo, bên phản đối lý lẽ cũng rất rõ ràng”.

Trước đó, các đại biểu trong đoàn Hà Nội đã tỏ rõ các quan điểm ủng hộ, không ủng hộ làm sân bay trung chuyển quốc tế Long Thành vào lúc này.

Nếu không làm thì chậm càng thêm chậm

Doanh nhân, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng xét về vị trí “trung chuyển” hành khách của các đường bay quốc tế thì Long Thành là “vô giá”. “Làm (sân bay Long Thành- PV) sẽ thay đổi toàn bộ cấu trúc (hàng không) ở châu Á”, đại biểu này đánh giá, đồng thời đưa ra nhiều dẫn chứng về nhận xét của mình.

Ông Bình và nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý làm sân bay Long Thành cho rằng không thể mở rộng Tân Sơn Nhất hay Biên Hòa vì chẳng ai làm sân bay trong thành phố hàng triệu dân, ảnh hưởng tới an toàn bay và đời sống người dân.

“Hội tụ và kết nối” tiếp tục là ý kiến mà đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhìn nhận ở sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ “kéo” nhiều công ty đa quốc gia tới khu vực này mở văn phòng đại diện và là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, mở ra cơ hội phát triển du lịch, giao lưu văn hóa...

Đại biểu chuyên trách, Phó Trưởng đoàn Hà Nội, ông Chu Sơn Hà cho rằng nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì kinh phí tương tự làm sân bay Long Thành, trong khi xây dựng mới sân bay Long Thành thì có ý nghĩa về lâu dài, có không lưu tốt hơn, cải tiến được công tác quản lý, phục vụ của ngành hàng không, cạnh tranh được với các sân bay trung chuyển của khu vực Đông Nam Á.

“Nếu gắn dự án sân bay Long Thành vào bối cảnh nợ công tăng cao như hiện nay, nhiều đại biểu sẽ nói không nên đầu tư. Tuy nhiên nếu để dừng lại, Quốc hội không cho chủ trương xây dựng thì các đơn vị thực hiện sẽ lùi thời hạn chuẩn bị lại, đến lúc làm sẽ lại chậm thêm”, ông Hà nói.

Trước những băn khoăn về vốn thực hiện, ông Nguyễn Quốc Bình và  ông Lê Hồng Sơn cho rằng mô hình hợp tác công tư-BT, công tư-PPP sẽ khả thi, không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách.

Tạm gác lại sân bay Long Thành?

Nhưng xem ra, nhiều ý kiến không đồng tình xây dựng sân bay Long Thành vào lúc này chiếm tỷ lệ cao  hơn. Cũng tại đoàn Hà Nội, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch nêu nợ công sát đỉnh trong 2 năm tới mà triển khai dự án này khiến nợ công càng thêm nguy hiểm. Với đại biểu Thạch, dự án sân bay Long Thành là “quá sức tưởng tượng”.

“Nếu làm mà không triển khai được, lỗ ai chịu? Cuối cùng là Chính phủ và nhân dân chịu. Nếu thấy quá tải vẫn có thể nâng công suất của Tân Sơn Nhất lên 20 triệu khách/năm... Đường hàng không quốc tế thì đang “tính cua trong lỗ”, sao bì được với Hong Kong”, đại biểu Thạch nêu quan điểm.

Ngoài vấn đề “tiền nong”, nhiều đại biểu ở các đoàn lo lắng kinh nghiệm quản lý, phục vụ của nước ta không đáp ứng được chất lượng dịch vụ của một sân bay trung chuyển quốc tế.  Đại biểu Trần Văn Minh (tỉnh Quảng Ninh) lo lắng ở khâu này liệu có thể cạnh tranh được với các sân bay của khu vực hay không?

Hay đại biểu Trịnh Thế Khiết lo ngại tình trạng dự án “vẽ” ra rất hay nhưng khi đầu tư thì “còn nhiều tồn tại, rất lãng phí”.

Bày tỏ tâm tư của mình, đại biểu Bùi Thị An cho rằng “Giao thông bao giờ cũng nên đi trước một bước. Nếu đi sau sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của dân trí, của đất nước. Quốc hội nên cho chủ trương đầu tư, nếu sau này mới cho chủ trương thì sẽ muộn, không đón nhận được cơ hội phát triển”.

Tuy nhiên nếu làm sân bay Long Thành, bà An đắn đo giữa đầu tư lớn ảnh hưởng tới nợ công và đảm bảo an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị cần có quy hoạch tổng thể rõ hơn về sân bay này, có cam kết huy động vốn thực hiện. “Tổng vốn đầu tư 18 tỷ USD, chắc sẽ còn lớn hơn mà cả nước cứ chạy theo tiếp vốn là không được”, bà An nói.

Nên cho chủ trương đầu tư

Tại đoàn Bến Tre, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khái quát những thuận lợi, khó khăn khi xây dựng sân bay Long Thành. Tuy nhiên, bà cho rằng “dự  án này là quá cần thiết”, đồng thời bày tỏ Quốc hội nên cho chủ trương xây dựng sân bay Long Thành tại Kỳ họp này, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Đối với vấn đề vốn và đảm bảo nợ công trong mức an toàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án thực hiện theo từng giai đoạn, có lộ trình khai thác chứ không phải thực hiện ngay.

Tuy nhiên, chi phí khái toán mà Bộ GTVT đưa ra là cao so với việc xây dựng các sân bay trong khu vực. Do vậy, Quốc hội rất cần nghị quyết để minh bạch chi phí và hiệu quả đầu tư sân bay. "Nếu không khéo lại thành sân bay đắt nhất hành tinh", bà Nguyễn Thị Kim Ngân cảnh báo.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ GTVT phải tính khai thác hết công suất của sân bay Tân Sơn Nhất (25 triệu lượt hành khách/năm) rồi mới tính tới số lượng hành khách, hàng hóa khi đầu tư xây dựng Long Thành.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng phải tính tới việc cạnh tranh của Long Thành với các sân bay quốc tế khác trong khu vực, trong đó có bộ máy quản lý, con người... “Khả năng cạnh tranh gay gắt chứ không đơn giản. Và chúng ta không nhất thiết đặt ra vấn đề cạnh tranh với khu vực mà đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước”, bà Ngân nêu quan điểm.

Không chỉ vậy, khi mở ra sân bay này phải đặt trong điều kiện phát triển hệ thống các loại hình giao thông khác đồng bộ và nếu có thể cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc-Nam thì cũng phải tính đến sự phát triển của các phương tiện khác nữa để có bài toán đầu tư từng giai đoạn.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục giải thích rõ ràng hơn nguyên nhân không xây dựng sân bay trung chuyển quốc tế ở Biên Hòa, việc thu hồi vốn đầu tư để Quốc hội nắm rõ.

“Đề nghị Quốc hội cho ý kiến thẳng thắn, tiếp tục xin ý kiến xây dựng chứ không “bác” ngay dự án”, bà Ngân nói.



Theo Thành Chung/Chinhphu.vn


.