Quảng Ngãi: Năm 2013 đầu tư trên 1.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

09:01, 11/01/2013
.

(QNĐT)- Sáng 11/1, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ năm 2013. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Minh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Lê Viết Chữ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

TIN LIÊN QUAN


Sau 2 năm triển khai, đến nay tỉnh ta có 126/164 xã hoàn thành và phê duyệt xong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 76,81%. Trong đó, có 16 xã triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, điểm dân cư và phát triển sản xuất giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020. Đến nay, tỉnh có 9 huyện và 67 xã tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta đã chú trọng đầu tư 36,4 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ sản xuất;  khoảng 727 tỷ đồng cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ tiến trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị


Tuy vậy, theo đánh giá các đề án còn nặng về đầu tư hạ tầng, chưa chú trọng đến các công trình y tế, văn hóa, vệ sinh môi trường. Mục tiêu đề ra trong nhiều quy hoạch thiếu cơ sở thực tiễn. Tiến độ quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới chậm, chất lượng quy hoạch còn hạn chế. Đa phần các đơn vị tư vấn tập trung vào quy hoạch phát triển hạ tầng, lúng túng đối với quy hoạch phát triển sản xuất. Hiện toàn tỉnh chỉ có 8 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 101 xã đạt từ 5-8 tiêu chí và còn 55 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Trong năm 2013, tỉnh ta phấn đấu đưa xã Bình Dương, huyện Bình Sơn đạt các tiêu chí xã nông thôn mới. Ngoài ra, 33 xã đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2015 đạt trên 12 tiêu chí. Nhóm các xã còn lại đạt từ 8 tiêu chí trở lên. Tổng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2013 trên 1.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tăng cường giám sát các đề án quy hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của chương trình để cùng tham gia. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề cho nông dân để giải quyết công ăn việc làm góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương…

 


Tin, ảnh: Thanh Phương
 

 


.