Ngày Luật Biển Việt Nam có hiệu lực

01:01, 06/01/2013
.

(QNg)- Được Quốc hội VN thông qua từ năm 2012, nhưng bắt đầu từ ngày 1/1/2013 Luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực.

Với 7 chương và 55 điều, Luật Biển VN hoàn toàn phù hợp với những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được ký kết năm 1982, cũng như với bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) đã được các nước liên quan tới biển Đông thông qua.

Với Luật Biển VN, lần đầu tiên chúng ta có hẳn một bộ luật về chủ quyền và cách ứng xử với chủ quyền của mình trên biển Đông. Là một quốc gia biển, nhưng mãi tới năm 2013 chúng ta mới chính thức đưa Luật Biển vào cuộc sống tuy có muộn nhưng là việc không thể không làm.

Những tranh chấp trên biển Đông từ trước tới nay là một thực tế, và Việt Nam nếu muốn bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán của mình thì không thể né tránh khỏi những tranh chấp ấy.  

Vấn đề là phải giải quyết tranh chấp trên cơ sở đàm phán hòa bình, nhưng dứt khoát phải bảo vệ cho được chủ quyền của quốc gia mình trên biển Đông. Đó là một bài toán khó, nhưng đáp số không thể sai lệch hoặc "vô nghiệm". Một tấc đất, một thước biển của ông cha ta từ bao đời nay đã là tài sản của tất cả các thế hệ người Việt Nam, tài sản của Tổ quốc Việt Nam.

Việc Luật Biển VN đưa ngay từ chương 1 điều 1 sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã nói lên quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam:   

(Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.)
Luật Biển VN ra đời là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự luật hóa chủ quyền quốc gia VN và những cách hành xử với chủ quyền ấy đối với phần biển Đông mà Việt Nam làm chủ theo đúng quy định và quy tắc ứng xử quốc tế về biển Đông. Đây cũng là văn bản luật quốc gia thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN trên biển Đông.

Từ nay, với Luật Biển của mình, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, đàm phán để đi tới thỏa thuận với tất cả các nước có liên quan tới biển Đông, chứ không chỉ là những nước có chủ quyền ở biển Đông. Điều đó cũng góp phần quốc tế hóa vấn đề biển Đông-một vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Với Luật Biển của mình, toàn thế giới có thể nhìn vào cách ứng xử của Việt Nam như một quốc gia có chủ quyền và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình bằng luật, phù hợp với luật pháp quốc tế.


Thanh Thảo
 


.