Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Đất đai 2003 sửa đổi

10:11, 06/11/2012
.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, vấn đề thu hồi đất do vi phạm luật đất đai, quyền của người sử dụng đất... là những vấn đề được các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai 2003 sửa đổi, chiều 6/11.
 

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ - Ảnh: VGP/Thành Chung
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ - Ảnh: VGP/Thành Chung

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều, tăng thêm 6 chương và 44 điều so với Luật Đất đai 2003, nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật hiện hành.


Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập như: chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa thật đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế.

Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn.

Tán thành quy định lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 3 cấp như trong dự thảo, nhưng theo đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn TP Hà Nội), cần điều chỉnh nâng thời hạn quy hoạch kế hoạch sử dụng đất hiện nay là 10 năm và tầm nhìn 20 năm để phù hợp với kỳ hạn sử dụng của dự án bất động sản là từ 50 năm trở lên.

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn TP Hà Nội) bày tỏ nên quy hoạch kế hoạch sử dụng đất ở 2 cấp (Trung ương và cấp tỉnh) để siết chặt lại quản lý đất đai. Đồng tình vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, quy hoạch đất cần có chế tài làm sao để giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Hiện nay chúng ta có hơn 80 triệu dân, đến năm 2020 dân số là 100 triệu dân, do vậy, vấn đề phải giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa là hết sức cần thiết, đại biểu Trần Thanh Mẫn (đoàn TP Cần Thơ) chia sẻ.

Cần phát huy được chính sách phát triển nông thôn

Điều 114 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định hạn điền đối với đất nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long không quá 3ha, khu vực Sông Hồng không quá 2 ha, theo đại biểu Trịnh Thế Khiết (đoàn TP Hà Nội) sẽ phần nào hạn chế tốc độ công nghiệp hoá đối với nông nghiệp, trong khi chúng ta đang phát động phong trào cánh đồng mẫu lớn.

Đồng thuận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nên cho tích tụ ruộng đất để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, nếu không không thể làm ăn lớn, vấn đề cần có cơ chế tích tụ ruộng đất nhưng ở mức giới hạn. Đưa ra một ví dụ mô hình về tích tụ ruộng đất ở Hà Nội, ông Uông Chi Lưu chia sẻ đó là các hộ nông dân góp đất vào một hợp tác xã, để sản xuất theo mục đích chung và xã viên vẫn được trả lương.

Ngoài ra một số vấn đề về giá đất, về thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Đa số ý kiến cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá. Khung giá đất, bảng giá đất được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc nguyên tắc định giá đất theo thời hạn sử dụng đất vì theo quy định này khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi đất thì sẽ không bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cho người có đất bị thu hồi.

Một số ý kiến cũng đặt vấn đề nên xem xét, đối với một số dự án đầu tư nước ngoài, đơn cử như dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể cho nhà đầu tư thế chấp tài sản trên đất hoặc đất đó cho ngân hàng nước ngoài, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có nguồn vốn phát triển dự án, vấn đề là cần có cơ chế, điều kiện ràng buộc giải toả các vướng mắc mà vẫn đảm mục tiêu của dự án và thu hút các nguồn lực.



Theo Quỳnh Hoa/Chinhphu.vn


.