Xuất khẩu… lưỡi bò!

09:08, 10/08/2012
.

* TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Sau nhiều năm nhập khẩu móng trâu và râu ngô giá cao từ Việt Nam, những ngày gần đây, Trung Quốc lại xuất khẩu sang Việt Nam món… lưỡi bò! Ấy là nói một cách khác về những tấm bản đồ mà trên đó, Trung Quốc không quên vẽ thêm đường lưỡi bò vô lý và ngang ngược vào đó.

Chúng ta không ngạc nhiên về kiểu “nói lấy được” của họ chung quanh chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN được họ đặt cho cái tên “rặt Tàu” là Tây Sa và Nam Sa, gần đây là thành phố Tam Sa, nhưng việc “xuất khẩu” bản đồ có hình đường lưỡi bò, chiếm đến 80% diện tích biển Đông thì bất ngờ thật.

Vậy là, guồng máy tuyên truyền bằng đủ hình thức của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có thêm một hình thức mới.

Họ đã lách qua những kẽ hở ít ai ngờ để làm sao đó đạt được mục đích của mình. Việc lập lờ đánh lận con đen qua hình thức trực quan bằng những tấm bản đồ do Trung Quốc vẽ ấy, không phải là không có tác dụng. Sự hiểu lầm về chủ quyền có thể xảy ra trong một bộ phận người dân nếu như thông tin chính thống của chúng ta về Hoàng Sa và Trường Sa chưa đến được với đồng bào.

Hẳn là lực lượng hải quan và bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn sẽ rất ngạc nhiên khi phát hiện lẫn trong số hàng hóa “giá rẻ” ào ạt chảy qua biên giới lại xuất hiện những tấm bản đồ mà “đường lưỡi bò” không thể không có mặt trên đó. Có cảm giác như cả đất nước Trung Hoa đang tràn ngập bản đồ có hình “đường lưỡi bò”, vì ngay cả những tấm bản đồ chỉ phục vụ cho việc khảo cổ ở tỉnh Thiểm Tây miền trung Trung Quốc, chả liên quan gì đến biển Đông, họ cũng không quên “móc” thêm “lưỡi bò” vào.

Một cảnh báo không thừa từ nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: Rồi đây, những tấm bản đồ có đường lưỡi bò của Trung Quốc không chỉ in tiếng Trung, tiếng Anh mà còn có cả tiếng Việt nữa sẽ “rỉ rả” tuồn vào lãnh thổ nước ta. Rồi đây, có thể những cuộc khai quật khảo cổ học ngay tại Hoàng Sa do người Trung Quốc thực hiện sẽ có cả những tấm “bản đồ hình lưỡi bò” mà từ đời Minh, đời Thanh “vẽ” cũng nên! Đừng tưởng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” này là không có tác dụng gì./.


 


.