(Báo Quảng Ngãi)- So với việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch như trước, thời gian gần đây, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trở nên phổ biến, quen thuộc với nhiều người. Người dân ngày càng tiếp cận, thực hiện các kỹ năng TTKDTM qua các ứng dụng, phần mềm trực tuyến, qua đó góp phần thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
[links()]
Thanh toán bằng mã QR
Cách đây vài năm, khách hàng thường sử dụng thẻ ATM để đi rút tiền mặt tại các trụ ATM, điểm giao dịch rồi thanh toán khi cần mua sắm, ăn uống... Nhưng đến nay, thói quen trả tiền mặt đã dần được thay bởi các phương thức TTKDTM khác như quẹt thẻ, chuyển khoản liên ngân hàng, ví điện tử, thanh toán bằng mã QR...
|
Khách hàng thanh toán bằng quét mã QR sau khi mua sắm. |
Khách hàng dễ dàng nhận thấy các mã QR đặt sẵn tại các quán cà phê, cửa hàng quần áo, tiệm thuốc tây, nhà hàng, thậm chí các điểm bán lẻ, tạp hóa, tiểu thương ở các chợ. Sau khi mua hàng, khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại quét mã QR để chuyển khoản mà không cần nhập số tài khoản người nhận như trước. Nhiều nơi cung cấp mã QR với số tiền phải thanh toán, giúp khách hàng không bị chuyển nhầm số tiền. Hình thức thanh toán bằng mã QR ngày càng trở nên phổ biến vì nhanh, tiện lợi, đơn giản, chính xác.
Chị Phạm Thị Phương, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Phan Đình Phùng, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, nhiều người làm việc tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người trẻ tuổi thường chọn thanh toán bằng mã QR. Trước đây, nếu khách mang không đủ tiền mặt phải quay về nhà lấy hoặc hẹn hôm sau trả, thì bây giờ chỉ cần quét mã QR thanh toán lập tức. Đối với thanh toán bằng mã QR, tôi cũng không còn lo lắng đếm hoặc thối tiền nhầm cho khách nữa.
Tiện ích cho người tiêu dùng
Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu đối với mọi lĩnh vực, đặc biệt là ngành ngân hàng. Không chỉ giới hạn ở việc số hóa dữ liệu giao dịch, các ngân hàng đã nắm bắt nhu cầu nhằm cung cấp các dịch vụ số, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, trong đó có TTKDTM. Ngược lại, cũng chính TTKDTM mang lại cho các ngân hàng những cơ hội lớn trong đẩy mạnh, phát triển hoạt động kinh doanh.
Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển TTKDTM, giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm... Đối với dịch vụ thu ngân sách nhà nước, từ 90 - 100% số doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, cá nhân có phát sinh nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí nộp thuế bằng phương thức TTKDTM.
|
Đến nay, BIDV Quảng Ngãi có tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số đạt 35,3%, tăng 7,7% so với năm trước. Những sản phẩm được ưa chuộng là SmartBanking đối với cá nhân và iBank đối với tổ chức. Khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ này, khách hàng nhận được ưu đãi miễn phí thường niên, chuyển tiền không cần đến ngân hàng. Năm 2022, tỷ lệ rút tiền mặt so với các năm trước giảm đi, bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh số giao dịch qua iBank và Smartbanking. Cùng với sự ra đời của mã QR càng làm cho các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số được ưa chuộng hơn. Để khách hàng tiếp cận rộng rãi với dịch vụ số, BIDV Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều đợt ra quân thực hiện chiến dịch “Đồng hành cùng tiểu thương miền biển”, thu hút được 1.100 tiểu thương sử dụng Smartbanking của BIDV.
“BIDV Quảng Ngãi đã quyết liệt triển khai đề án TTKDTM từ nhiều năm trước bằng cách phát triển các dịch vụ chuyển khoản, thanh toán tiền lương, ngân hàng điện tử. Đồng thời, triển khai thành công các sản phẩm phức tạp như mua bán ngoại tệ, tài trợ thương mại, thanh toán bảo hiểm, mã QR... trên SmartBanking, iBank đến khách hàng. Số lượng giao dịch và giá trị giao dịch qua các ứng dụng số ngày càng tăng minh chứng cho sự phát triển của TTKDTM. Có thể nói, chuyển đổi số đã góp phần tích cực vào kết quả của hoạt động TTKDTM”, Giám đốc BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi Lê Hồng Ca cho biết, xu hướng TTKDTM trở nên phổ biến hơn từ giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, nhiều khách hàng chuyển qua mua sắm trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng mua sắm trực tiếp cũng sử dụng các hình thức chuyển khoản, quét thẻ khi thanh toán. Đến nay, số lượng giao dịch TTKDTM ngày càng tăng, vì mang lại nhiều tiện ích như giúp khách hàng hạn chế mang theo tiền mặt, giảm nguy cơ làm rơi mất tiền như trước.
Bên cạnh TTKDTM trong mua sắm, ăn uống thì nhiều khách hàng chủ động lựa chọn các hình thức TTKDTM cho các khoản chi phí cố định hằng tháng như tiền điện, nước, Internet, học phí... giúp khách hàng không phải tốn thời gian di chuyển, chờ đợi để đóng tiền mặt như trước đây.
Tiếp tục hoàn thiện pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, đến giữa tháng 12/2022, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn rút tiền mặt tại NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi là 22,446 nghìn tỷ đồng, giảm 14,79% so với cuối năm 2021. Từ tháng 1 - 11/2022, số liệu từ các chi nhánh ngân hàng cho thấy, có hơn 10 triệu giao dịch TTKDTM với tổng giá trị 133,529 nghìn tỷ đồng; gần 15 triệu giao dịch qua kênh điện thoại di động, với tổng giá trị 85,364 nghìn tỷ đồng; 168,099 nghìn giao dịch qua kênh Internet, với tổng giá trị 5.441 tỷ đồng. Có hơn 1,826 triệu cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử. Điều này cho thấy TTKDTM ngày càng trở thành thói quen tiêu dùng trong các hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống người dân.
|
Công dân thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai và nộp phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính qua nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia. |
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi Đinh Văn Công cho hay, TTKDTM giúp giảm khối lượng tiền mặt trong lưu thông và các chi phí xã hội liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền, chống thất thu thuế cho Nhà nước, giảm rủi ro rửa tiền, kiểm soát và phát hiện các thanh toán phạm pháp. Đồng thời, tiết kiệm thời gian, công sức của người dân khi đi mua sắm hoặc thanh toán các loại hóa đơn, giảm thời gian đợi chờ tới lượt thanh toán...
Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế và phân bố chưa đồng đều nên các dịch vụ TTKDTM mới tập trung tại khu vực đô thị, khu công nghiệp... Nhiều người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận với thiết bị, ứng dụng hiện đại và e ngại công nghệ thanh toán mới, lo lắng về an toàn, chi phí sử dụng các phương thức thanh toán điện tử. Vì thế, việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn nhất là tại vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
“Để đẩy mạnh TTKDTM, cần tiếp tục hoàn thiện pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi cho chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận với TTKDTM. Nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ hạ tầng thanh toán, phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các phương thức phạm tội mới trong hoạt động thanh toán...”, ông Công nói.
Bài, ảnh:
BẢO HÒA