Tăng tốc thực hiện

10:12, 30/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Công cuộc chuyển đổi số đang được lan tỏa sâu rộng trong các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong tỉnh. Hoạt động chuyển đổi số đã đạt được những kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
 
[links()]
 
Vì nhân dân phục vụ
 
Năm 2022, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến (Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022). Sau khi Nghị quyết được thông qua, chính sách này được các sở, ban, ngành và địa phương phổ biến rộng rãi đến các cá nhân, tổ chức, giúp người dân từng bước thay đổi thói quen, mạnh dạn tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
 
Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn của 20 cơ quan, đơn vị thực hiện tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh đạt bình quân 99,8% đối với các sở, ngành.               Ảnh: Ý THU
Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn của 20 cơ quan, đơn vị thực hiện tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh đạt bình quân 99,8% đối với các sở, ngành. Ảnh: Ý THU
Tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh (Trung tâm), từ đầu năm 2022 đến nay đã bố trí thêm quầy hướng dẫn công dân cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. “Xác định chuyển đổi số chỉ thành công khi người dân hiểu, hưởng ứng và tham gia. Vì vậy, Trung tâm đã và đang tăng cường tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bởi đây là yêu cầu bắt buộc đầu tiên khi công dân muốn tiếp cận, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, khuyến khích, hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Trong năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận, giải quyết hơn 40 nghìn hồ sơ trực tuyến. Tổng số tiền đã thanh toán qua Cổng Dịch  vụ công quốc gia của tỉnh đạt hơn 64 tỷ đồng, tăng gần 300 lần so với năm 2021”, Giám đốc Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính  tỉnh Nguyễn Thanh Hoài cho biết.
 
Hướng đến phát triển chính quyền số vì nhân dân phục vụ, từ tháng 10/2022, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thử nghiệm giải pháp để doanh nghiệp, hộ kinh doanh kê khai, nộp hồ sơ trực tuyến thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Giải pháp này giúp người dân khi thực hiện 3 thủ tục hành chính: Thông báo hoạt động khuyến mãi, đăng ký thành lập hộ kinh doanh, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, chỉ cần ngồi tại nhà và thực hiện qua điện thoại. Sau hơn 1 tháng triển khai, TX.Đức Phổ, các huyện Bình Sơn, Mộ Đức đã tiếp nhận, giải quyết gần 100 hồ sơ. “Sau khi tải ứng dụng và đăng ký tài khoản, tôi chỉ mất 5 phút là đã hoàn tất được thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên điện thoại, mà không cần phải đến cơ quan nhà nước để kê khai trên giấy”, anh Đặng Hữu Huy, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), chia sẻ.
 
Lan tỏa trên nhiều lĩnh vực
 
Nhận thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sản xuất, lão nông Trần Đức Nở (66 tuổi), chủ một trang trại nuôi heo tại xã Đức Hòa (Mộ Đức) đã đầu tư, ứng dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera từ xa. “Ứng dụng công nghệ này vào chăn nuôi, giúp tôi theo dõi được tình hình phát triển của vật nuôi 24/24 giờ, mà không cần phải có mặt tại trang trại mọi lúc”, ông Nở chia sẻ.
 
Mặc dù việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn khá mới mẻ, nhưng nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã nhạy bén bắt nhịp và linh hoạt ứng dụng. Tại huyện Minh Long, Trang trại nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp đã sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn tự động vào sản xuất. Các HTX như HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi, HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận, HTX Rau Mầm Việt... đều đẩy mạnh kinh doanh, quảng bá sản phẩm trên trang mạng xã hội, trang điện tử bán hàng...
 
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh, ngành du lịch tỉnh cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành ứng dụng “Du lịch Quảng Ngãi” với các nội dung giới thiệu, quảng bá về hình ảnh con người, văn hóa, lịch sử của Quảng Ngãi. Ngoài ra, ứng dụng còn liên kết với các tiện ích như: Tìm kiếm trải nghiệm du lịch nhanh chóng và thông minh, cung cấp hệ thống đặt chỗ dịch vụ du lịch... Từ đó, giúp cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến gần du khách hơn.
 
Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường, chuyển đổi số phải hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, lĩnh vực nào người dân, doanh nghiệp cần thì tập trung chuyển đổi trước. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số ở các lĩnh vực trọng tâm như: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, thương mại, GTVT, TN&MT, du lịch. "Thành công của chuyển đổi số đòi hỏi quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Vì vậy, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số tại cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số sẽ gắn với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các cấp, ngành", ông Trường nhấn mạnh.
 
Ý THU
 
 

.