Đưa công nghệ số đến với người dân

02:01, 05/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số.
 
[links()]
 
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi người dân hiểu, hưởng ứng, tiếp cận với nền tảng, công nghệ số, thực hiện các kỹ năng số. Trong đó, vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) có ý nghĩa rất quan trọng, là “cánh tay nối dài” từ chính quyền, ban chỉ đạo chuyển đổi số đến với người dân.
 
Nhiều nhiệm vụ quan trọng
 
Điều quan trọng trong chuyển đổi số chính là xuất phát từ sự chuyển đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số. Chuyển đổi số muốn thành công cần có sự nỗ lực, chung tay của toàn xã hội. Trong đó, chính quyền ngày càng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp (DN) nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; DN công nghệ nỗ lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội. Vai trò của các tổ CNSCĐ là tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân địa phương.
 
 Thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng xã Đức Phong (Mộ Đức) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. ẢNH: BẢO HÒA
Thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng xã Đức Phong (Mộ Đức) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. ẢNH: BẢO HÒA
Đối với chính quyền số, tổ CNSCĐ hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số đã được đánh giá và lựa chọn. Về kinh tế số, các thành viên am hiểu công nghệ hướng dẫn DN, hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn, mở tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng. Đồng thời hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, tổ CNSCĐ còn hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội... thông qua các nền tảng số.
 
Theo lãnh đạo Sở TT&TT, thành viên của các tổ CNSCĐ các cấp có trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ người dân các kỹ năng khai thác, sử dụng các nền tảng số do Nhà nước và các DN cung cấp. Để thành công trong chuyển đổi số thì vai trò của các tổ CNSCĐ rất quan trọng. Các nỗ lực chuyển đổi số của chính quyền và DN có thành công hay không phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các tổ CNSCĐ các cấp.
 
Thúc đẩy chuyển đổi số
 
Đến nay, sau những nỗ lực của các cấp, sở, ngành, chuyển đổi số đã không còn xa lạ, hiện diện rõ nét hơn trong đời sống người dân. Một trong những kỹ năng cần thiết, liên quan thiết thực đến người dân đó là thực hiện các thủ tục hành chính bằng dịch vụ công trực tuyến.
 
Tại xã Đức Phong (Mộ Đức), các thành viên của Tổ CNSCĐ xã thường xuyên túc trực vào các ngày làm việc trong tuần để hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Qua sự hướng dẫn của các thành viên trong tổ CNSCĐ, người dân thực hiện các thao tác dễ dàng, nhanh chóng hơn và không còn bỡ ngỡ với dịch vụ công trực tuyến. Cùng với lãnh đạo, công chức xã, thành viên của Tổ CNSCĐ xã Đức Phong còn có sự tham gia của giáo viên tin học của các trường tiểu học, THCS Đức Phong.
 
Qua đó, góp phần chuyển tải các thông điệp về chuyển đổi số đến học sinh, phụ huynh và hỗ trợ học sinh, phụ huynh khi cần thiết. Xã Đức Phong cũng đã thành lập các tổ CNSCĐ cấp thôn, thành viên gồm bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, bí thư chi đoàn, trưởng chi hội phụ nữ, nông dân trực tại các nhà văn hóa thôn để hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến. “Mỗi cán bộ, công chức, thành viên các tổ CNSCĐ phải là những người tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số; đồng thời là những tuyên truyền viên đắc lực mỗi khi có dịp tiếp xúc, làm việc với người dân”, Chủ tịch UBND xã Đức Phong Đinh Văn Bé cho hay.
 
Năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập được 1.141 tổ CNSCĐ các cấp, với hơn 7.512 thành viên. Trong đó, 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập tổ CNSCĐ, với 169 thành viên; 100% xã, phường, thị trấn thành lập tổ CNSCĐ, với 1.690 thành viên; 100% thôn, tổ dân phố thành lập tổ CNSCĐ, với 5.653 thành viên. Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng đã thành lập và ra mắt Tổ CNSCĐ cấp Tỉnh đoàn với 22 thành viên. Các tổ CNSCĐ được thành lập đến tận thôn, tổ dân phố là một trong những bước khởi đầu thực hiện lộ trình chuyển đổi số. Trong thời gian đến, các tổ CNSCĐ cần tiếp tục được các sở, ban ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn phương thức hoạt động và những kỹ năng cần thiết để đẩy mạnh hoạt động, góp phần thành công trong chuyển đổi số.
 
BẢO HÒA
 
 
 

.