(Báo Quảng Ngãi)- Đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực của lực lượng ở cơ sở và người dân trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), đáp ứng các yêu cầu thực tiễn khi thiên tai xảy ra tại địa phương là một trong những nội dung quan trọng mà chính quyền, ngành chuyên môn các cấp tập trung thực hiện trong thời gian qua.
Đẩy mạnh truyền thông, diễn tập
Ngư dân Phạm Nam, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ, năm 2020, tôi được cán bộ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cấp phát, hướng dẫn sử dụng bản đồ theo dõi đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Bản đồ tuy đơn giản, nhưng rất hiệu quả trong điều kiện thời tiết nguy hiểm trên biển. Tàu của tôi từng hoạt động trong khu vực dự báo bị ảnh hưởng của ATNĐ, lúc ấy thông tin liên lạc gián đoạn do sóng yếu, việc xác định hướng di chuyển tàu đến nơi an toàn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ những thông tin chỉ dẫn trong tấm bản đồ, chúng tôi đưa phương tiện rời khỏi vùng nguy hiểm và tránh trú an toàn.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Nhàn, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, việc neo, buộc tàu thuyền đúng cách, chằng buộc kỹ lưỡng các vật dụng và cửa trên tàu sẽ hạn chế thiệt hại khi có gió bão, triều cường. Vì vậy, tôi mong các cơ quan chuyên môn tiếp tục tổ chức nhiều đợt thực hành, diễn tập hướng dẫn để ngư dân nắm bắt, vận dụng vào tình hình thực tế, đảm bảo an toàn phương tiện trong quá trình neo đậu tránh trú bão, ATNĐ. Qua đó, góp phần hạn chế thiệt hại do phương tiện va đập, sóng đánh chìm khi neo đậu tại cảng.
Thành viên Đội Xung kích phòng, chống thiên tai xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) thường xuyên kiểm tra áo phao và phương tiện cứu hộ. ẢNH: TL |
Với người dân sinh sống ở các khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, việc diễn tập PCTT đã giúp ích cho họ rất nhiều trong việc phòng ngừa và ứng phó. Ông Lê Tấn Sáu, ở thôn Kim Thành, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) chia sẻ, sinh sống ở nơi thấp trũng, thường xuyên ngập lụt nên tôi cần phải biết cách ứng phó với các tình huống ban đầu. Do đó, khi chính quyền địa phương, ngành chuyên môn tổ chức các cuộc diễn tập PCTT, tôi tích cực tham gia để hiểu và nắm bắt các thao tác, kỹ năng thực hiện một số phần việc, như chằng chống nhà cửa sao cho hiệu quả, an toàn. Hoặc khi sơ tán, di dời, mình phải di chuyển đúng và mang theo những vật dụng cần thiết.
Không chỉ người dân, mà truyền thông và diễn tập PCTT đã giúp các cơ quan chức năng, hội, đoàn thể địa phương đánh giá đúng năng lực đối phó với lụt, bão. Qua đó, bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn đảm bảo sát với thực tế của địa phương. Theo Chủ tịch UBND xã Hành Dũng Trần Văn Thiện, truyền thông, diễn tập PCTT được xem như đợt kiểm tra khả năng huy động sức mạnh tổng hợp theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, đánh giá công tác tổ chức hiệp đồng, phối hợp giữa địa phương với các lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc di dời, sơ tán dân; xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ sông, bờ suối... Từ đó, các lực lượng sẽ rút kinh nghiệm nhằm hoàn chỉnh kế hoạch, phương án cũng như cơ sở vật chất, góp phần ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai.
Củng cố lực lượng xung kích tại chỗ
Lực lượng xung kích PCTT cấp xã với thành phần chủ chốt là những người sinh sống tại địa phương, nên hiểu phong tục tập quán của cộng đồng và thông thuộc địa hình. Vì vậy, đây được xem là lực lượng quan trọng, hỗ trợ tích cực cho chính quyền địa phương và người dân trong việc ứng phó, khắc phục giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai.
Hướng dẫn ngư dân thực hành neo buộc tàu thuyền khi vào bến tránh trú bão. |
Tại xã Long Mai (Minh Long), định kỳ hằng tháng, các thành viên của lực lượng xung kích PCTT xã thường xuyên kiểm tra, sửa chữa các phương tiện, máy móc phục vụ công tác PCTT. Cùng với đó là, tuyên truyền người dân chủ động các biện pháp ứng phó, “nói không” với việc bắt cá phía hạ lưu khi hồ chứa thủy lợi, thủy điện xả nước cắt lũ. Phó Chủ tịch UBND xã Long Mai Đinh Thanh Bình cho biết, từ tháng 5, các thành viên đội xung kích PCTT xã bắt đầu theo dõi, rà soát các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông; tập luyện kỹ thuật sử dụng ghe máy và các kỹ năng về sơ cấp cứu, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai.
Lực lượng xung kích PCTT cấp xã còn hỗ trợ và triển khai sơ tán khẩn cấp người dân tại các khu vực nguy cơ cao, đặc biệt là những nơi thường bị chia cắt, cô lập do lũ quét, sạt lở đất. “Những lúc này, đội xung kích PCTT chính là lực lượng phản ứng nhanh, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp ngay từ đầu trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận. Qua đó, góp phần giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản của người dân và nhà nước”, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Võ Đoàn khẳng định.
Để tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao năng lực của đội xung kích PCTT nói riêng, lực lượng PCTT cơ sở nói chung, thời gian đến, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT tỉnh sẽ tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai. Trọng tâm là, đào tạo kỹ thuật, kỹ năng điều khiển ghe, xuồng máy, đảm bảo hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn ngay tại địa phương khi xảy ra các sự cố, rủi ro thiên tai.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: