(Báo Quảng Ngãi)- Có một vị giáo sư người Pháp gốc Việt sống tại Thụy Sĩ đã đề xuất và thực hiện tại Việt Nam một mô hình của “trường học hạnh phúc”. Đó là một dự án thực sự nhân ái, dù không dễ thực hiện. Nhưng nếu chúng ta không làm vì cho rằng khó, thì trong thực tế sẽ chẳng có một mô hình nào thành công dù tốt đẹp tới đâu.
Trong 3 yếu tố tạo nên một trường học hạnh phúc mà vị giáo sư đề cập, yếu tố mà tôi quan tâm nhất chính là yếu tố thứ hai: Biết quan tâm đến người khác. Vị giáo sư nói: “Chúng ta nên tạo ra những mối quan hệ tích cực dựa trên niềm tin, sự tôn trọng, tình bạn, tình yêu, lòng biết ơn, lòng tốt... Chúng ta thực sự cần phát triển mối quan hệ tích cực giữa người với người ở mọi cấp độ, giữa học sinh với học sinh, với giáo viên, rồi phụ huynh; giữa giáo viên và phụ huynh... Xã hội càng tạo ra nhiều mối quan hệ tích cực thì mọi người sẽ càng cảm thấy hạnh phúc hơn”.
Cô và trò Trường tiểu học Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Ảnh: PV |
Tạo nên những mối quan hệ tích cực trong nhà trường, giữa học sinh với nhau, học sinh với giáo viên, giữa giáo viên và phụ huynh... chính là đặt đạo đức xã hội tích cực trong giáo dục của nhà trường. Nếu học sinh thật sự có tình bạn với nhau thì đó là cơ sở để ngăn chặn tình trạng bắt nạt trong học đường. Nếu trong xã hội, người ta chuyên giải quyết bất đồng bằng vũ lực thì đó là một xã hội tiêu cực, và sống trong xã hội như thế sẽ không có hạnh phúc. Trong nhà trường cũng vậy, giữa học sinh với nhau, học sinh với giáo viên nếu có bất đồng, hay chưa hiểu nhau mà đã vội vàng dùng hình phạt hay vũ lực để giải quyết, thì đó chính là đưa mô hình tiêu cực từ xã hội vào nhà trường.
Nhà trường luôn nằm trong xã hội, chịu những ảnh hưởng trực tiếp từ xã hội. Nếu xã hội bất ổn, nhà trường khó được an lành, vì nhà trường không phải là một ốc đảo. Nhưng nếu nhà trường tạo được mối quan hệ tích cực về đạo đức, thì sự tích cực ấy sẽ lan tỏa ra ngoài xã hội, thông qua quan hệ giữa học sinh với gia đình của mình, giữa giáo viên và phụ huynh. Vì thế, vai trò của hội phụ huynh đối với nhà trường thật sự quan trọng.
Hội phụ huynh làm cầu nối giữa nhà trường và từng gia đình học sinh. Sự quan tâm ở khía cạnh xây dựng những quan hệ đạo đức tốt đẹp giữa nhà trường và hội phụ huynh, giữa hội phụ huynh và từng gia đình học sinh, để cuối cùng giữa các học sinh với nhau, là sự quan tâm thiết yếu nhất, chứ không phải chuyện vận động đóng góp tiền bạc. Bởi mức sống của các gia đình học sinh rất khác nhau, điều phụ huynh yếu thế quan tâm nhất, chính là sự bình đẳng trong đối xử giữa hội phụ huynh với tất cả các gia đình học sinh, nó dẫn tới sự quan tâm của nhà trường tới tất cả các gia đình học sinh là bình đẳng, dựa trên tình thương yêu, không dựa trên cơ sở vật chất của từng gia đình.
Quan hệ giữa các gia đình học sinh với nhau phải là quan hệ tình cảm tích cực, không dựa trên những khác biệt về giàu nghèo. Chính những thái độ tích cực của gia đình học sinh sẽ giúp cho thái độ của nhà trường trở nên tích cực, tạo sự bình đẳng giữa các học sinh với nhau. Trường học có hạnh phúc hay không, chính là bắt đầu từ đó.
THANH THẢO