Sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo

16:39, 13/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển, hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Chiến lược nêu rõ, các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực được tập trung phát triển theo thứ tự ưu tiên trong những năm đến gồm: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương có tài nguyên biển và hải đảo trong cả nước tập trung đầu tư, khai thác thế mạnh này phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển hơn 130km cùng nhiều bãi biển nổi tiếng như Khe Hai, Mỹ Khê, Đức Minh, Sa Huỳnh; vùng biển trải rộng trên 11 nghìn ki lô mét, ngoài khơi có đảo Lý Sơn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ... Đây là tiềm năng rất thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch và dịch vụ biển. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có hệ thống cảng nước sâu Dung Quất, kết nối với sân bay Chu Lai và các tuyến đường động lực như ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 1... rất thuận tiện để phát triển kinh tế hàng hải và công nghiệp ven biển.

Trong những năm qua, Quảng Ngãi đã chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh về biển, đảo để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Nhờ đó, kinh tế biển của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hàng hóa thông qua cảng tại KKT Dung Quất các năm qua đều vượt chỉ tiêu đề ra. Quốc phòng, an ninh khu vực biển, đảo được tăng cường, giữ vững. Tuy nhiên, có một “điểm yếu” rõ rệt của Quảng Ngãi là ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa phong phú, đa dạng. Đặc biệt, tỉnh chưa khai thác hết ưu thế độc đáo, riêng có của đảo Lý Sơn để phát triển mạnh mẽ du lịch và dịch vụ biển, đảo...

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo, làm hạt nhân trung tâm thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch của toàn tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 48 của Chính phủ, một yêu cầu đặt ra đối với Quảng Ngãi là cần khai thác và sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển, đảo, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững kinh tế- xã hội của tỉnh.

PHẠM DANH
 


Ý kiến bạn đọc


.