(Báo Quảng Ngãi)- Nuôi thủy sản vụ đông thành công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn, nhưng đồng thời người nuôi cũng đối mặt với nhiều thách thức do thời tiết bất lợi, dịch bệnh dễ bùng phát.
Ông Huỳnh Đạo, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết, vụ đông mưa nhiều, môi trường và nhiệt độ trong ao nuôi thay đổi đột ngột, cộng với các loại bệnh dễ phát sinh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Để đảm bảo an toàn tôm nuôi vụ đông, ông Đạo đầu tư bể tròn để ươm dưỡng, giảm mật độ nuôi và lắp đặt thiết bị kiểm soát nhiệt độ, độ mặn của nước trong các ao nuôi. Đồng thời, đầu tư hệ thống bạt che để chủ động tiêu thoát tầng nước mặt khi có mưa lớn nhằm hạn chế tình trạng tôm chết do môi trường nước thay đổi đột ngột.
Hồ nuôi thủy sản được người dân lót bạt, gia cố để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. |
Còn ông Đào Khương, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ), cũng tập trung kiểm tra các ao nuôi ốc hương, gia cố bờ ao, sửa chữa ống lấy nước để tránh tình trạng hư hỏng, sạt lở gây thiệt hại, thất thoát sản phẩm. Ông Khương cho biết, tôi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để chủ động các biện pháp xử lý. Với ốc hương đã đạt kích cỡ thương phẩm thì tập trung thu hoạch, còn ốc hương xuống giống vào cuối tháng 7 âm lịch vừa rồi thì lót bạt kỹ, bảo dưỡng máy móc và thiết bị điện để vừa phục vụ sản xuất, vừa đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất những rủi ro, thiệt hại trong mùa mưa bão.
Người nuôi thủy sản trong lồng bè ở khu vực ven bờ và ngoài biển cũng chủ động các phương án để bảo vệ an toàn cho các lồng nuôi. Ông Nguyễn Lợi, thôn Tây An Hải (Lý Sơn) cho biết, tháng 4 vừa rồi tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1 lồng nuôi làm bằng vật liệu nhựa HDPE có thể tích 125m3, thả nuôi 1.000 con giống cá bớp (mật độ thả 8 con/m3). Dù lồng nhựa HDPE có khả năng chống chịu với sóng to gió lớn nhưng tôi cũng lo, vì lồng đặt ở ngoài biển, các ô lồng nằm tách biệt nhau (chứ không kết lại thành bè như bè gỗ truyền thống). Vậy nên, cùng với thường xuyên kiểm tra lồng nuôi, theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, tôi cũng chuẩn bị để vật tư, phương tiện để bảo vệ lồng bè khi có mưa to bão lớn.
Theo báo cáo của UBND huyện Lý Sơn, toàn huyện hiện có trên 1.600 lồng nuôi cá bớp, cá chim, tôm hùm, cá bè vẫu... với 54 hộ nuôi. Trừ số ít lồng bè sử dụng vật liệu nhựa HDPE (do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ), còn lại hầu hết là lồng bè làm bằng gỗ. Vì vậy từ đầu mùa mưa, các hộ nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn huyện Lý Sơn đã gia cố các lồng bè, cũng như chuẩn bị vật tư để giằng lại các thành ngăn bè cá, để đảm bảo an toàn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho biết, nuôi thủy sản nước lợ trong vụ đông nếu thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn, nhưng không phải khu vực nào cũng có thể triển khai. Khu vực nuôi tôm vụ đông phải là vùng triều cao để tránh ngập lụt, đáy cát và độ sâu ao bảo đảm điều kiện sinh trưởng phát triển của tôm, ốc hương. Chính vì vậy, toàn tỉnh có trên 1.300ha nuôi thủy sản nước lợ, nhưng chỉ có khoảng 300ha đủ điều kiện nuôi thủy sản vụ đông, tập trung tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức và TX.Đức Phổ.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: