Quản lý đất dịch vụ hậu cần nghề cá: Còn nhiều bất cập

10:55, 22/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 7% diện tích đất dành cho dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền của tỉnh đang trong tình trạng cho thuê nhưng không thu được tiền. Bất cập này tồn tại nhiều năm nay, nhưng Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh (BQL) - đơn vị được giao quản lý, khai thác các cảng - vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Hơn 800 triệu đồng tiền thuê đất chưa thanh toán, vì sao?

Gần 8 năm kể từ ngày thuê đất tại Cảng cá và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Hợp tác xã Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Tịnh Kỳ (HTX) vẫn gặp khó khăn trong hoạt động, vì một phần diện tích đất thuê bị cá nhân khác lấn chiếm.

"Hợp tác xã được BQL cho thuê 1.695m2 đất tại cảng từ năm 2015. Song, đến nay HTX chỉ mới sử dụng được 720m2 đất để đầu tư cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất đá lạnh. Diện tích còn lại đang bị một hộ dân chiếm dụng để xây dựng ki - ốt kinh doanh. Chúng tôi đã kiến nghị đến BQL rất nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, chúng tôi không thể trả tiền thuê đất tại cảng, Giám đốc HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Tịnh Kỳ Dương Ngọc Thìn cho biết.

Gần 8 năm vận hành cửa hàng xăng dầu, nhưng Hợp tác xã Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Tịnh Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa đóng đầy đủ tiền thuê đất.
Gần 8 năm vận hành cửa hàng xăng dầu, nhưng Hợp tác xã Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Tịnh Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa đóng đầy đủ tiền thuê đất.

Do không thể sử dụng toàn bộ diện tích đất đã thuê, nên HTX phải cắt giảm bớt các hạng mục đầu tư như: Kho lạnh, cửa hàng ngư lưới cụ so với kế hoạch ban đầu. Cùng với đó, do vướng cửa hàng bán nước giải khát xây dựng trái phép dẫn đến HTX phải điều chỉnh vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu cách xa cầu cảng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

"Năm 2016, HTX làm xong cửa hàng xăng dầu, nhưng đường vào cửa hàng bị một hộ dân cản trở. Năm 2019, sau nhiều lần thuyết phục, làm việc giữa BQL, chính quyền địa phương chúng tôi mới mở được một lối đi khác, với bề ngang khoảng 4m, để thuận tiện cho xe ra vào cửa hàng xăng dầu. Nhiều thành viên của HTX bức xúc trước tình cảnh tranh chấp triền miên trên phần đất mà HTX đã thuê nên đã rút vốn, rời HTX. Hợp tác xã từ 21 thành viên vào năm 2015, giờ còn lại 11 thành viên. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị các cấp chính quyền giải quyết dứt điểm, để HTX đầu tư phát triển", ông Thìn chia sẻ.

Theo ông Thìn, HTX chỉ sử dụng khoảng 40% diện tích đất đã thuê, nhưng BQL thì cho rằng HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Tịnh Kỳ đã sử dụng toàn bộ 1.690m2 đất để đầu tư cửa hàng xăng dầu, đá lạnh, kho lạnh, nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ. Từ năm 2015 đến nay, tổng số tiền thuê mặt bằng của HTX khoảng 872 triệu đồng. Song, gần 8 năm trôi qua HTX vẫn chưa nộp tiền thuê đất theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Chưa tìm được tiếng nói chung 

Tại cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), dù thuê 2.241m2 đất để đầu tư cửa hàng xăng dầu, đá lạnh, ngư lưới cụ, nhưng từ năm 2017 đến nay, HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Phổ Quang nợ Nhà nước 90% tiền thuê mặt bằng. Theo BQL, từ năm 2017 đến nay, HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Phổ Quang chỉ nộp khoảng 96 triệu đồng tiền thuê đất. Trong khi đó, tổng số tiền thuê đất mà HTX phải nộp  xấp xỉ 964 triệu đồng.

Được ưu tiên thuê đất tại vị trí đắc địa ở cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), nhưng HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Phổ Quang không nộp đầy đủ tiền thuê đất.
Được ưu tiên thuê đất tại vị trí đắc địa ở cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), nhưng HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Phổ Quang không nộp đầy đủ tiền thuê đất.

"Hợp tác xã thuê đất tại cảng với thời hạn 49 năm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2016, HTX chỉ phải trả tiền thuê đất là 13,8 triệu đồng/năm cho tất cả các hạng mục, thì bắt đầu từ năm 2017, tiền thuê đất vọt lên hơn 100 triệu đồng/năm. Có sự thay đổi về giá là căn cứ theo Quyết định số 13 của UBND tỉnh về ban hành giá dịch vụ sử dụng cảng cá và giá cho thuê cơ sở hạ tầng cảng cá trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc giá cả đột ngột tăng lên gấp nhiều lần như vậy đã gây khó khăn đối với HTX. Nhất là khi HTX đang trong giai đoạn khởi động, phát triển dịch vụ hậu cần. Vì vậy, những năm qua, HTX chỉ nộp tiền mặt bằng theo mức cũ. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị đến các cấp thẩm quyền và chờ giải quyết", Giám đốc HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Phổ Quang Thái Văn Thi cho biết.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Phó Giám đốc Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh Nguyễn Thanh Hiền cho biết, Sở NN&PTNT vừa chỉ đạo BQL rà soát các cơ sở pháp lý liên quan để tham mưu sở giải quyết dứt điểm việc chưa nộp tiền thuê mặt bằng cảng của 2 HTX nói trên. Không thể để tiếp tục diễn ra nghịch lý là HTX được ưu tiên thuê mặt bằng tại cảng nhưng lại không nộp tiền thuê đất suốt nhiều năm, còn nhiều tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu thuê đất thì lại không còn diện tích.

Cũng theo ông Hiền, 5 cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, gồm: Cảng cá Sa Huỳnh, cảng cá Tịnh Kỳ, cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, Mỹ Á, Tịnh Hòa chủ yếu được đầu tư, bố trí phần lớn diện tích mặt nước phục vụ nhu cầu neo đậu của tàu thuyền. Còn phần diện tích đất phục vụ phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá thì rất hạn chế, với khoảng 5,8ha và hiện đều đã "lấp đầy", không còn diện tích trống để cho thuê. 

Hợp tác xã Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Tịnh Kỳ phải đầu tư hệ thống vận chuyển đá lạnh theo đường vòng, vì khu vực đất thuê đã bị lấn chiếm.
Hợp tác xã Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Tịnh Kỳ phải đầu tư hệ thống vận chuyển đá lạnh theo đường vòng, vì khu vực đất thuê đã bị lấn chiếm.

Diện tích dành để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá khá khiêm tốn, nên các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền của tỉnh mới có 6 cửa hàng xăng dầu, 9 cơ sở sản xuất đá lạnh, 8 kho lạnh, 18 cơ sở thu mua hải sản, 6 cơ sở cơ khí, 1 cơ sở sửa chữa tàu thuyền... Trong khi đó, vào những lúc cao điểm, tàu thuyền cập các cảng nhiều, nên các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân.

Đơn cử như tại cảng cá Tịnh Kỳ, lúc cao điểm, cảng tiếp nhận khoảng 20 tàu cập cảng mỗi ngày để mua đá lạnh, nhu yếu phẩm. Trong khi bình quân mỗi ngày, 6 cơ sở sản xuất đá lạnh tại cảng chỉ sản xuất khoảng 9.000 cây đá lạnh, còn nhu cầu của mỗi tàu lên đến 1.000 - 1.200 cây đá lạnh, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân.

"Dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng phần lớn đều chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân. Cùng với đó, có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký thuê đất tại cảng để đầu tư dịch vụ hậu cần, nhưng các cảng đều đã kín chỗ. Hiện chỉ còn cảng cá Tịnh Kỳ còn 5.283m2 đất đang được ưu tiên quy hoạch dành để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân", ông Hiền thông tin.

Bài, ảnh: Ý THU

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:55, 22/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.