Hiệu quả từ phần mềm dữ liệu dùng chung

18:21, 25/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với điện thoại thông minh, khi truy cập vào phần mềm dữ liệu dùng chung “Bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa”, nông dân trên địa bàn huyện Sơn Tây có thể biết được vùng đất nào phù hợp với loại cây trồng gì. Đây là mô hình chuyển đổi số phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ có ở huyện Sơn Tây.

Xây dựng phần mềm dữ liệu dùng chung

Anh Đinh Văn Thiên, ở xã Sơn Liên (Sơn Tây), vừa xuống giống một số diện tích chuối mốc, bưởi da xanh. Trước khi trồng cây, anh Thiên đã truy cập vào phần mềm bản đồ thổ nhưỡng trên thiết bị di động. Kết quả cho thấy, vùng đất của anh phù hợp trồng một số loại cây ăn quả. “Mặc dù đã canh tác nhiều năm, nhưng tôi cũng không biết là đất của gia đình có tính chất như thế nào, trồng cây gì là phù hợp nhất, mà chỉ trồng theo ý thích. Mới đây, khi được cán bộ xã giới thiệu, cài đặt và hướng dẫn truy cập vào phần mềm bản đồ thổ nhưỡng, tôi  biết được vùng đất của gia đình phù hợp để trồng cây bưởi da xanh, chuối...”, anh Thiên cho hay.

Trước đây, chỉ có kỹ sư, chuyên gia về nông nghiệp mới biết được địa chất, thổ nhưỡng của từng vùng đất như thế nào. Còn giờ đây với việc áp dụng “Bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa” thì nông dân nào trên địa bàn huyện Sơn Tây cũng có thể biết được đất của mình có tính chất như thế nào, trồng được cây gì. Điểm đặc biệt của bản đồ này là, sau khi hoàn thiện sẽ được phổ biến rộng rãi thành dữ liệu dùng chung, người dân dễ dàng tiếp cận.

Dựa vào “Bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa”, huyện Sơn Tây quy hoạch những vùng cây ăn quả hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn.
Dựa vào “Bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa”, huyện Sơn Tây quy hoạch những vùng cây ăn quả hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn.

Có thời điểm, huyện Sơn Tây đã triển khai nhiều mô hình trồng trọt nhưng đều không thành công. Đơn cử như mô hình trồng cà phê, chôm chôm, hoa ly... Nguyên nhân thất bại là do chỉ trồng theo cảm tính, chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thổ nhưỡng, chất đất. Để khắc phục bất cập này, huyện Sơn Tây đã phối hợp với Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) thực hiện dự án “Bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045”.

Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Mục tiêu của việc lập bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp là giúp người dân được hiểu rõ tính chất của các loại đất canh tác, hàm lượng các nguyên tố vi lượng, chất dinh dưỡng để chọn cho đất một loại cây trồng phù hợp nhất, điều tiết tỷ lệ phân bón phát huy hiệu quả cao nhất trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, bền vững nhất theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại. 

Bên cạnh đó, bản đồ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát, cập nhật tình hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với từng loại đất theo các vùng sinh thái, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn huyện. Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đất theo định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với chế biến theo nhu cầu thị trường.

Huyện Sơn Tây hiện đã quy hoạch những vùng phù hợp để trồng ổi, bưởi, cam, quýt... dựa trên bản đồ thổ nhưỡng. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết, huyện đã bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa cho lãnh đạo các xã. Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng để các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, kinh tế - xã hội và giúp từng địa phương chủ động trong công tác tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao nhất...

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 18:21, 25/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.