Đường xưa vó ngựa...

02:02, 05/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Từng bị cuốn hút bởi truyện ngắn “Tiếng vó ngựa đêm cuối năm” của tác giả Mai Sơn đăng trên Tạp chí Sông Hương -1985 – cuốn sách mà tôi mua được từ “cửa hiệu” của bà lão bán sách cũ trước cổng Trường đại học Đà Lạt, cách đây ngót 10 năm, tôi chợt nhớ ra rằng, TP.Quảng Ngãi quê mình cũng từng nhộn nhịp tiếng vó ngựa gõ dồn lốc cốc sớm hôm.

TIN LIÊN QUAN


Cái âm thanh lốc cốc tưởng như vô hồn của tiếng vó ngựa lại chứa đựng một trời thương nhớ đối với bất cứ ai đã một thời gắn bó với những chuyến xe ngựa trên các ngã đường ở thị xã Quảng Ngãi xưa.

 


Tôi lớn lên ở nông thôn nên chỉ hình dung chiếc xe ngựa bằng hình ảnh lão xà ích khoan thai cầm cương, ngồi trên lưng ngựa giật giật để những tiếng vó khua vang lốc cốc trên đường qua lời kể của cha mình. Thế rồi, tiếng vó ngựa ấy cứ ám ảnh để đến khi trưởng thành, tôi quyết phải lên thành phố Đà Lạt ngắm nhìn xe ngựa cho thỏa thích.

Trong các cuộc nhậu giải khuây với các đồng nghiệp lớn tuổi, tôi để ý, hễ mỗi khi nhắc đến xe ngựa là các nhà báo hàng U50 trở lên cứ kể rần rần như sợ vuột mất ký ức về loại phương tiện giao thông độc đáo này: Hồi ấy, xe kéo bánh sắt, bánh cao su khá phổ biến. Xe hơi hãy còn rất hiếm. Phương tiện xe hơi công cộng đầu tiên là các chiếc STACA chạy tuyến Đà Nẵng - Nha Trang, mỗi ngày 1 chuyến, gặp nhau vào giữa trưa trước "Nhà dây thép Quảng Ngãi", xe thư kiêm chở khách không quá 40 chỗ ngồi mỗi chuyến.

Xe camnhông (camions) cũng bắt đầu xuất hiện, chuyên chở hành khách và hàng hóa, nhưng không theo giờ giấc, ngưng đỗ tùy tiện bất cứ ở đâu và chất người và hàng hóa chật ních, kiểu như một số loại xe “chạy gió” sau này.

Nhu cầu giao thông lớn, nhưng cung không đủ cầu. Do vậy, phương tiện giao thông xe ngựa được tận dụng, từ đó, hình thành các bến xe ngựa ở thị xã Quảng Ngãi, Sông Vệ, Thạch Trụ. Dần dà về sau, phương tiện giao thông đa dạng hơn nên xe ngựa chỉ dùng chủ yếu ở thị xã Quảng Ngãi và vùng ven đô. Tiêu biểu như bến xe ngựa ở cuối đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Nghiêm), chạy chủ yếu trục đường Thu Lộ xuống bến xe. “Hồi ấy, mỗi lần được đi xe ngựa là đám trẻ chúng tôi còn vui hơn Tết. Giờ xe ngựa không còn nữa nhưng cái âm thanh lốc cốc vẫn còn nghe rất rõ trong tâm trí thế hệ chúng tôi” –Ông Lâm Ngọc Lành, ở TP.Quảng Ngãi - hồi tưởng.

Không phải ngẫu nhiên mà phương tiện “sàn thô bánh xe lớn/ bạn hàng ngồi chêm nhau” cùng với cái nhịp ngựa đều đều, có phần chậm chạp ấy lại dễ dàng đi vào thơ ca rất sống động và có sức khơi gợi, ám ảnh lâu dài. Dặm trường vó ngựa đã ghi lại bao biến cố, đổi thay của thị xã Quảng Ngãi nhỏ bé ngày xưa.

Trên bước đường lang bạt từ Quảng Ngãi vào các tỉnh Tây Nguyên, thi thoảng, ta bắt gặp những chiếc xe ngựa ở Tuy Hòa (Phú Yên), Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí (Bình Thuận), Đức Trọng (Lâm Đồng) vẫn khoan thai gõ nhịp trên đường giữa dòng xe cộ ngược xuôi, chợt thấy lòng chợt mềm lại, dù chỉ một chút thôi. Cũng như những bờ xe nước, xe ngựa từng là hình ảnh đẹp của thị xã Quảng Ngãi xưa, khiến bao người phải nao lòng. Từ tờ mờ sáng, tiếng vó ngựa đã gõ lốc cốc trên những nẻo đường nhỏ từ Ba La, Xuân Phổ về thị xã Quảng Ngãi, với ánh đèn dầu thấp thoáng trước thùng xe. Cả chủ xe và hành khách hễ đã chọn xe ngựa là không cần phải vội vã. Họ cứ thong dong, dù công việc bán buôn cũng lắm lúc chộn rộn, ì xèo.

Thường thì xe ngựa ít khi nào phi nước đại một mạch “từ làng lên phố” mà phải dừng lại bỏ hàng trên đường đi. Người đi xe ngựa dẫu nghèo vẫn thảnh thơi là vì thế. Tiếng lục lạc và tiếng vó ngựa cứ đổ đều đều cũng là vì thế, chẳng hề chụp giật, bon chen.

Bà Phạm Thị Hòa, ở xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi, giờ đã luống tuổi nhưng mỗi khi nhắc đến xe ngựa, bà như được trở lại tuổi hoa niên “Đi xe ngựa tiện cái là có thể bỏ thêm đôi quang gánh (đôi trạc) hay cái thúng, cái mủng trên đó để lên chợ mua đồ ăn, trầu cau. Xe ngựa hồi đó nói thật là không được tươm tất như những chiếc xe ngựa xinh đẹp thấy trên tivi nhưng mà đi vui lắm”, bà Hòa – xa xăm.

    Tôi chưa đủ già và cũng chưa có quá nhiều ký ức, nhớ thương để nuối tiếc về một đời xe ngựa. Nhưng, vẫn cứ tiêng tiếc cho cái giả định của mình rằng, giá như tiếng vó ngựa (dẫu ít thôi) vẫn cứ vang lên mỗi sớm tinh sương và những chiều muộn ở TP. Quảng Ngãi thì sẽ dễ chịu biết chừng nào, giữa đô thị ầm ỉ suốt đêm ngày.

Tất nhiên cuộc đời dâu bể, không thể nào lưu giữ nguyên vẹn mọi dấu xưa tích cũ khi cuộc sống đã khác xưa rất nhiều. Chỉ tiếc rằng, giữa cái hoa lệ của những gì mà người đời gọi là văn minh này, vẫn thiếu những nơi chốn lưu giữ hồn đô thị trong mắt của những cư dân thành phố vẫn luôn nhạy cảm với thời quá khứ.

May thay, hình như đọc được điều ấy, Tết năm nay, những ai đã từng gắn bó với xe ngựa hay dẫu không để tâm lắm đến xe ngựa thời trước. Và cả những đứa trẻ chỉ mới biết xe ngựa qua những trang sách, phim ảnh có dịp được “mục sở thị” xe ngựa ngay ở Công viên Ba Tơ và Quảng trường Phạm Văn Đồng. Xe ngựa ở TP.Quảng Ngãi dịp Tết này hiện đại, hoành tráng, xinh đẹp hơn nên dĩ nhiên là sẽ không giống chiếc xe thổ mộ ngày xưa. Song, bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ nhắc nhớ, làm bao người cảm thấy hài lòng.

Trở lại với truyện ngắn: “Tiếng vó ngựa đêm cuối năm” từng mê hoặc tôi từ thời sinh viên. Truyện kể về một lão nông người Nam Bộ có công nuôi giấu bộ đội miền Bắc vào Nam đánh Mỹ. Về cuối đời, ông trở thành người xà ích. Theo mệnh lệnh của trái tim, một người lính từng được ông cưu mang gia nhập vào đội quân tình nguyện chiến đấu ở chiến trường K. Sau 10 năm mất liên lạc, ông lão dò la và hay tin là anh lính sẽ về lại miền Nam trên chuyến bay vào buổi chiều ngày cuối năm.

Ông lão định bụng sẽ lên sân bay đón anh bằng chiếc xe ngựa của mình. Trên đường đi, ông lão vô tình gặp được người yêu của anh lính nọ cũng đang trên đường lên sân bay đón nửa kia của đời mình. Tuy nhiên, cô gái không hề hay biết, ông là cha nuôi của người mình yêu.

Một thoáng suy nghĩ, sợ sẽ làm xáo động giây phút thiêng liêng, ngập tràn hạnh phúc của đôi bạn trẻ, ông lão lặng lẽ giật cương, quay ngựa khi nhìn thấy anh lính vừa bước chân xuống sân bay. Nghe người yêu kể lại câu chuyện về người xà ích tốt bụng, anh lính thảng giật mình nhận ra rằng, người xà ích ấy chính là bố nuôi của mình.


Chuyện kết thúc bằng câu hỏi buồn: “Ngoài kia tiếng vó ngựa đâu rồi?”


Tấn An

 


.