Bát cháo chè đêm giao thừa

10:01, 17/01/2012
.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những năm cha mẹ tôi còn làm công nhân, gia đình tôi đủ ăn đã mừng rồi. Thế nhưng, mẹ tôi vốn chu tất nên thiếu gì thì thiếu bao giờ cũng có bát cháo chè cúng đêm giao thừa. Ba ngày Tết, hàng xóm sang chơi vẫn có những chiếc kẹo xanh đỏ ăn lấy may.

Cháo chè của mẹ không giống như nhiều người hay nấu. Không có đậu xanh, đường phên, chỉ là ít gạo trắng, chút đường cát, củ gừng già. Bát cháo nấu xong trắng tinh, thơm lừng mùi gừng, trong gió lạnh chè đặc lại, xúc ăn mềm mát như thạch. Thông thường, sau mâm cơm tất niên, sắp gạo muối cho mâm cúng giao thừa xong, mẹ bắc nồi cháo lên bếp, đợi lúc sang canh là nêm vừa gừng, đường cho ngọt.

Con trẻ, vốn bị mê hoặc bởi niềm tin vào những phép màu, chúng tôi thường cố gắng không ngủ quên lúc sang canh năm mới, để nhận 500 hay 1000 tiền mới của bố mẹ, và để xúc vài thìa cháo chè ngọt lừ, mát lạnh với niềm tin một năm mới sẽ trôi chảy như cháo, và đầy những ngọt ngào, may mắn.

Anh em chúng tôi đi qua những cái Tết nhà nghèo với niềm vui nho nhỏ từ những chiếc kẹo xanh đỏ, bát cháo chè đêm giao thừa của mẹ. Đến bây giờ, khi chúng tôi đã khôn lớn, thành đạt, gia đình không khó khăn như xưa nữa, nhưng cháo chè vẫn là một món cúng giao thừa mà cha mẹ tôi không bao giờ quên trong ngày Tết.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Nếm thìa chè năm mới cầu chúc bình an, trong tôi vẫn là hương vị đặc biệt của bát cháo chè “suông” trong những cái Tết ngày thơ bé.

Theo PNO
 


.