“Bí kíp” sử dụng rượu dịp Tết

09:01, 13/01/2012
.

Những ngày Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng rượu thường cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức việc sử dụng rượu một cách an toàn. Những “bí kíp” sau đây sẽ giúp bạn kinh nghiệm trong việc sử dụng rượu một cách tốt nhất.
 
Phân biệt rượu thật, rượu giả 
 
Theo một số người trong giới “sành rượu” để phân biệt được điều này người tiêu dùng cần chú ý những điểm sau: 
 
Kiểm tra nhãn: Hầu hết các chai rượu giả đều sử dụng lại vỏ của chai rượu thật. Trong quá trình tẩy rửa, đóng chai, nhãn thật bì trầy xước hoặc bị bong ra chút ít. Vì vậy, người mua nên thận trọng với những lời giải thích “hàng bị xước trong quá trình vận chuyển”. Sự khác biệt lớn là nhãn giả không thể bắt chước được các kỹ thuật in đặc biệt của các hãng chính gốc.
 
Kiểm tra tem nhập khẩu, tem chống giả: Một số thương hiệu có sử dụng tem chống giả dưới dạng tem vỡ dán ở cổ chai, không thể bóc tách và rất dễ cho người tiêu dùng kiểm tra, nhận biết như Chivas, Martell, Royal Solute Salute… bằng cách: thấm nước lên tem hoặc dùng bút dạ, ánh đèn huỳnh quang chiếu vào tem trên cổ chai để nổi lên thương hiệu in chìm.
 
 
Kiểm tra nắp/nút: Thông thường, các đối tượng làm hàng giả thường sử dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nếu quan sát kỹ, các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình nậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật…Tinh vi hơn, lỗi trên nắp/nút chai còn được che đậy bởi tem nhập khẩu hoặc tem chống giả. 
 
Kiểm tra đáy chai: Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Do đó, khi mua, nên quan sát thật kĩ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua. 
 
Các vết khoan thường ở những chỗ khó thấy, ví dụ chính giữa vòng tròn của những chữ “A,O,B,.. hoặc những chỗ có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán thật kĩ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. NTD cần quan sát thật kĩ để tìm những lỗ như vậy.
 
Nếu được tặng chai rượu ngoại thì trước khi đem ra sử dụng, nên thử bằng một trong các cách sau đây để tránh tác hại khi uống nhầm rượu giả: Đem để vào ngăn đá tủ lạnh, sau 12 giờ lấy ra, nếu có hiện tượng đông đá thì có thể bị làm giả.
 
Mức rượu trong chai: Thông thường, các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới được sản xuất công nghiệp và đóng chai tự động, do đó về mặt nguyên tắc, màu sắc của rượu cũng như mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Rượu giả được làm thủ công nên màu sắc và mức rượu bên trong chai thường không đều nhau. 
 
Khi mua, nên quan sát vài chai rượu cùng nhãn hiệu, xếp thành dãy và cùng một góc ảnh sáng để nếu thấy chai nào có màu rượu và mức rượu khác biệt thì có thể nghi vấn đó có thể chai giả, và tiếp tục kiểm tra những yếu tố tiếp theo. 
 
Thử nồng độ cồn: Đổ một ít rượu ra lòng bàn tay, xoa hai tay với nhau rồi đưa lên mũi ngửi, nếu thấy có mùi sốc của cồn thì rượu đó có hàm lượng cồn cao, có thể là rượu giả được pha chế từ cồn.
 
Rượu giả khi uống không thấy mùi thơm, có vị hơi đắng, khi uống thấy gắt miệng. Sau khi uống có thể bị đau đầu.
 
Rượu thường được chưng cất từ nho và được ngâm ủ lên men trong thùng gỗ sồi. Ngoài ra, rượu phải có độ sánh (người ta hay nói rượu có chân) và có mùi thơm của nho, của gỗ sồi, mật ong… Khi rót rượu vào ly chỉ cần lắc nhẹ ly rượu, mùi thơm được tỏa ra mùi vị rất đặc trưng và rượu vẫn còn bám nhẹ trên thành ly.
 
Thông thường loại rượu có giá 1-2 triệu đồng/chai bị làm giả rất nhiều, đặc biệt là nhãn hiệu Remy Martin, Hennesy XO…Do đây là những loại rượu được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất.
 
Người tiêu dùng nên chuyển sang mua những loại rượu mà giới làm giả ít chú ý như rượu vang, bởi loại này đi biếu vừa lịch sự, vừa có nhiều mức giá đa dạng từ 200.000 - 300.000 đồng/chai, thậm chí nếu sang có thể mua với những chai có giá tiền triệu.
 
Không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh
 
Theo TS Phạm Duệ. Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, không thể phủ nhận những lợi ích của rượu đối với sức khoẻ. Rượu có thể giúp tiêu hóa tốt, hạn chế các bệnh về tim mạch và ngừa bệnh ung thư cũng như làm chậm tiến trình thoái hóa thần. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều rượu sẽ đối mặt với các nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh xơ gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ... 
 
Do vậy, để uống rượu có ích, an toàn, không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700ml/ngày đối với bia. Trong những ngày đầu Xuân, để đảm bảo sức khoẻ tốt nhất không nên uống quá nhiều rượu. 
 
Đặc biệt, khi uống rượu nên chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực tế, có nhiều bệnh nhân chỉ uống một lượng không nhiều mà vẫn ngộ độc do uống phải rượu lên men không đảm bảo hoặc rượu được pha từ loại cồn công nghiệp có thành phần methanol…
 
Việc sử dụng rượu được sản xuất bằng "công nghệ” cồn + nước giếng có tác hại cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe người uống, phá hủy nhiều cơ quan trọng cơ thể như gan, tủy xương, dạ dày, đặc biệt là hệ thần kinh. Đây còn là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
 
 
Một số bài thuốc có thể áp dụng khi bị say rượu
 
Theo Bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng, học viện quân y, trong dân gian có nhiều bài thuốc có thể áp dụng trong các trường hợp ngộ độc rượu mức độ nhẹ (say rượu), một trong số đó là dùng thực phẩm như:
 
Lòng trắng trứng gà: Lòng trắng giàu protein khiến chất cồn bị kết tủa lại, từ đó giảm bớt hấp thu vào máu, mặt khác còn tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu.
 
Giấm: Giấm ăn 60g, đường đỏ 15g, gừng 3 lát, giã nát. Hòa lẫn cả ba thứ với nhau rồi cho bệnh nhân uống.
 
Rau cải trắng: Lấy một vài búp rau cải trắng rửa sạch, thái sợi, rồi bóp với đường và giấm để ăn. Có thể dùng món này khi đang uống rượu để giảm bớt tác hại của chất cồn.
 
Củ cải trắng: Giã nát một ít củ cải trắng, sau đó vắt lấy nước cốt, thêm chút đường đỏ rồi cho người say uống làm nhiều lần.
 
Rau cần: Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt cho người say uống từ từ. 
Nước cơm: Sau khi uống rượu, nếu uống một bát nước cơm sẽ không bị say nữa, vì cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó làm giảm lượng cồn hấp thu vào máu.
 
Củ sắn dây: 25-50g nấu nước uống, hoặc pha một cốc bột sắn dây với một chút nước chanh rồi cho người say uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. 
Mía đỏ: Cho người say uống một cốc nước mía đỏ có pha thêm một chút nước chanh hoặc nước quất, sau 10 phút sẽ thấy tỉnh táo trở lại.
 
Xát vôi ăn trầu vào 2 gan bàn chân.
 
Nấu cháo với đậu xanh cho ăn.
 
Sắc nước lá dong tươi cho uống.
 
Rau má rửa sạch, giã nhuyễn lọc lấy nửa chén, vắt nước chanh cho vào uống.
 
Vỏ bưởi tươi vài lát rửa sạch, sắc uống.
 
Cho uống sữa bò.
 
Cho ăn hoa quả tươi như cam, chanh, bưởi, chuối, dưa hấu, dâu…
 
Ăn khoai lang sống băm nhỏ trộn với đường trắng.
 
Đậu xanh 100g thêm nước vừa đủ sắc uống.
 
Nhai giá sống (khoảng 2 nắm).
 
Gây nôn bằng lông gà sạch ngoáy vào họng.
 
Sau các biện pháp trên, nếu thấy người say rượu không có biểu tỉnh, li bì, rối loạn vận động hoặc hôn mê, cần chuyển ngay người bệnh đến bệnh viện.
 
TS. Phạm Duệ khuyến cáo, một số gia đình đã quen với cảnh người thân say rượu rồi đi ngủ, hôm sau vẫn dậy đi làm bình thường. Tuy nhiên, đây là điều nên tránh bởi vì một số trường hợp bệnh nhân đã bị hôn mê, nếu hôm sau mới phát hiện và đưa đi viện thì không thể cứu được. Do vậy, người nhà cần chú ý chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu, tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Sau vài tiếng, người nhà nên gọi bệnh nhân dậy, cho ăn sữa hoặc cháo. Trường hợp bệnh nhân không thể dậy và ăn được thì nên đưa tới bệnh viện ngay để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc.                                  
                                                                                                                                                                                                                                                                                               Theo VnMedia
 

.