Nghề bánh tráng truyền thống "chạy nước rút" phục vụ Tết

09:02, 09/02/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Với người miền Trung nói chung và người Quảng Ngãi nói riêng ẩm thực thường không thể thiếu bánh tráng, nhất là trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Vì thế, càng gần đến Tết Nguyên đán cũng là lúc các lò sản xuất bánh tráng truyền thống trên địa bàn tỉnh “tăng hết công suất” để kịp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

TIN LIÊN QUAN

Vào những ngày này, không khí tại làng nghề làm bánh tráng ở Thi Phổ, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) trở nên rộn rã hơn. Mỗi gia đình, cơ sở làm bánh tráng đều hoạt động hết công suất để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng. 
 
Nhìn những bàn tay thoăn thoắt, vội vã của những người làm bánh tráng và những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, được hong dưới cái nắng xuân ở nơi đây chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn không khí ngày Tết đang đến rất gần. 
 
Theo nghề làm bánh tráng truyền thống đã hơn chục năm nay. Bình quân mỗi ngày gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (45 tuổi) ở Thi Phổ xã Đức Thạnh làm khoảng 30 kg gạo. Riêng mùa Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh tráng nhiều nên để có bánh giao đúng hẹn cho khách, gia đình bà phải tăng công suất lên gấp 3-4 lần.
 
Bên lò bánh còn đang nghi ngút khói, bà Nguyễn Thị Lệ chia sẻ: Dù nghề này làm nghề này quanh năm nhưng cứ mỗi lần xuân về, tết đến là các lò hoạt động không ngơi tay. Nếu như ngày thường, lò bánh của tôi làm 300 – 400 cái bánh thì khoảng hơn 1 tháng nay, mỗi ngày gia đình tôi phải làm hơn 1.000 cái bánh mỗi ngày mới đủ cung cấp cho khách hàng. "Một năm bán được nhiều nhất vụ Tết, dù có vất vả nhưng ai cũng vui vì nguồn thu nhập tăng cao"- bà Lệ bày tỏ.
 
Những tháng cuối năm, các lò làm bánh tráng truyền thống luôn đỏ lửa
Dịp cuối năm, các lò làm bánh tráng truyền thống luôn đỏ lửa cả ngày
 
Gần lò bánh tráng bà Lệ, những ngày này, lò bánh tráng của bà  Huỳnh Thị Sương ở xã Đức Thạnh cũng luôn đỏ lửa. Bà Sương cho hay, so với mọi năm, tháng Chạp năm nay thời tiết khá thuận lợi cho nghề tráng bánh. Ngày thường bà chỉ tráng đến 13 giờ trưa là xuống lò, nhưng do thời điểm này số lượng đơn đặt hàng nhiều nên bà phải làm đến khi tắt nắng mới hết việc. 
 
Theo bà Sương, nếu như ngày bình thường, khách hàng chủ yếu là những hàng quán, thì dịp Tết, nhu cầu tăng cao, ngoài cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, bánh tráng còn được người dân đãi khách, làm quà tặng cho bè bạn, họ hàng, thân tộc ở xa. 
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ở làng nghề bánh tráng Thi Phổ, ngày thường có chưa tới 10 lò tráng bánh, nhưng những tháng cuối năm có hơn 20 lò đỏ lửa mới có thể đủ lượng bánh giao cho khách đặt hàng.  Đều đặn 4 giờ sáng cho đến khoảng 2-3 giờ chiều, các lò bánh của mỗi họ gia đình  luôn "nổi lửa". Trung bình, một hộ gia đình có thể tráng từ 700-900 chiếc bánh. Tuy trên gương mặt của không ít những người làm bánh khá mệt mỏi vì nhiều đêm thức khuya dậy sớm, nhưng những tiếng nói cười rộn ràng đã lấn đi cái mệt mỏi. Cảnh người người nhộn nhịp, khuân vác những phên bánh tráng đi phơi, tạo sinh khí cho làng nghề những dịp vào xuân. 
 
Những phên bánh tráng trải dài hong dưới cái nắng xuân
Những phên bánh tráng trải dài hong dưới nắng xuân
 
Không chỉ ở làng nghề bánh tráng Thi Phổ mà hầu các lò sản xuất bánh tráng trong tỉnh vào dịp Tết đều hoạt động rất tất bật. Thậm chí, nhiều lò tráng bánh đến thời điểm này đã không nhận thêm đơn đặt hàng. Đây cũng là thời điểm nghề bánh tráng giúp cho nhiều hộ gia đình, nhất là lao động nữ nhàn rỗi, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, trang trải trong dịp Tết. 
 
Tại lò bánh tráng bà Trần Thị Bé ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) không khí làm việc hết sức khẩn trương. Mặc dù đã hơn 12 giờ trưa, nhưng 3 người phụ nữ vẫn luôn tay tráng bánh, phơi bánh...
 
Bà Bé cho hay, mỗi ngày, gia đình bà làm được 1 thiên bánh, nhưng vẫn không đủ bán. Đến thời điểm này bà đã “chốt” sổ không nhận thêm đơn đặt hàng nữa vì không làm kịp. Dự kiến, đến ngày 30 Tết lò bánh của bà mới thôi đỏ lửa.   "Mùa tết, làm nghề này khá vất vả, tuy nhiên thu nhập cũng khá. Bình thường, mỗi người chỉ thu được khoảng 2- 3 triệu đồng/tháng nhưng tết lên đến trên 7- 8 triệu đồng có tiền trang trải cuộc sống, vài bữa còn mua sắm Tết"- bà Bé bày tỏ.
 
Gần Tết, bánh tráng đắt hàng là vậy, song chất lượng bánh vẫn luôn được những người làm bánh tráng truyền thống đặt lên hàng đầu. Với nhiều gia đình xứ Quảng, bánh tráng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Ngoài việc đặt lên mâm cúng ông bà, bánh tráng được sử dụng rất phong phú trong bữa ăn hằng ngày và và là món quà biếu nhau. 
 
Có thể nói, nghề làm bánh tráng truyền thống không chỉ là nghề kiếm sống của một bộ phận người lao động mà còn lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống. Mang theo hương vị hạt gạo quê hương về với mọi nhà để làm nên những món ngon không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
 
Bảo Ngọc
 
 

.