Bánh nổ cổ truyền vào vụ Tết

10:01, 24/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, công việc  làm bánh, keọ, mứt... Tết luôn  tất bật. Đây cũng chính là thời điểm để các lò làm bánh trong tỉnh hoạt động mạnh nhằm phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm.

Không khí làm bánh nổ từ lò bánh của ông Lê Đức Hưng, thôn 4, xã Đức Tân (Mộ Đức) trong những ngày cận Tết Giáp Ngọ luôn bận rộn và đông đúc khách đến làm, mua bánh. Tiếng vang nổ nếp, đóng bánh từ 2 – 3 giờ sáng cho đến tận khuya. Được biết, nghề làm bánh nổ cổ truyền của gia đình ông Lê Đức Hưng đã trải qua hơn 30 năm hành nghề với nhiều kinh nghiệm, bí quyết. “Để được những lát bánh nổ thơm ngon phải biết chú trọng khâu nấu đường, thắng đường và trộn đường vào nếp để đóng thành những khuôn bánh đạt chất lượng trọn vẹn” - ông Hưng bảo.

 

Lò bánh nổ của gia đình ông Lê Đức Hưng  Xã Đức Tân ( Mộ Đức).
Lò bánh nổ của gia đình ông Lê Đức Hưng Xã Đức Tân ( Mộ Đức).


Mỗi ngày tại lò bánh của ông Hưng có  khoảng 2 tạ nếp được làm thành bánh với công thức trung bình 1kg nếp + 7 lạng đường thì được 1,5 kg bánh. Số lượng bánh sau khi ra lò được gia đình ông bỏ hàng taị nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh như: Nghĩa Hành, Bình Sơn, Đức Phong và Gia Lai… Hầu hết các công đoạn làm bánh nổ tại đây được làm bằng thủ công nên quá trình để tạo ra những lát bánh thơm ngon là tâm huyết và đam mê của những người thợ lành nghề. Bắt đầu cho việc làm bánh, hạt nếp còn sống được đổ vào bình hơi có đồng hồ đo thời gian, mỗi bình hơi chứa khoảng 1,5 kg nếp và được người thợ lò nung nấu trong thời gian từ 5 – 7 phút, sau đó lấy bình hơi ra bung nếp cho vào kho chứa nếp nổ. Có hai cách là nổ bùm (bung) và nổ rang. Nổ rang là phương cách người dân dùng nếp hay lúa rang tay bằng trách hoặc chảo cho nếp được chín và bung ra sau đó mang đến lò để đóng thành bánh.

Hương thơm của mùi nếp bung chín hòa quyện cùng với mùi đường, vừng, gừng…tại nơi đây như quyến rũ khứu giác những người làm bánh và mua bánh. Những tiếng nổ được phát ra từ lò bánh nghe thân thuộc như báo hiệu một mùa Xuân sẽ đầy ắp niềm vui, cái Tết Giáp Ngọ được ấm cúng hơn.

Cô Lê Thị Thanh Hương - Đức Phong (Mộ Đức) cho biết: Gia đình tôi năm nào cũng ra lò bánh của ông Hưng làm từ 13 – 15 kg bánh, đây là địa điểm làm bánh uy tín, tin cậy của nhiều người trong nhiều năm qua vì bánh làm ra mọi người ăn đều khen ngon và đẹp về hình thức, mẫu mã, người dân ở các địa phương như Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Lợi…cũng tập trung về đây làm bánh.

“Tại đây, sau khi bánh nổ được ra lò ai có nhu cầu sấy chúng tôi sẵn sàng phục vụ, ai muốn mang về nhà tự sấy thì tùy. Để đảm bảo chất lượng bánh được sấy khô ráo và dòn ngon, tránh tình trạng bà con phải đợi chờ lâu mới có bánh mang về nên gia đình chúng tôi xây dựng hai lò sấy gồm 4 hầm, mỗi hầm sấy được 15 kg bánh và sau 12 – 14 tiếng  bánh sấy  được khô ráo”, ông Hưng chia sẻ.

 Tết Giáp Ngọ đã cận kề, đây là thời điểm các nhà nghề làm bánh hoạt động hết công suất để đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu của thị trường cuối năm. Mong ước cho tết Giáp Ngọ nhà nhà được ấm no, thơm ngon trong hương vị đậm đà của bánh Tết.
        

  Bài, ảnh: LOAN  ĐOÀN
 


.