Gói ghém cho mùa xuân

04:01, 26/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tuổi thơ của tôi gắn liền với nghèo khổ, thứ gì cũng quý, bởi thiếu thốn trăm bề, làm lụng quanh năm cũng chỉ cho ngày Tết. Nếp ngon, gạo dẻo để dành đến Tết, con gà, con heo cũng dành đến Tết, bộ quần áo mới cũng để Tết mới sắm, đến cả mớ củi khô cũng được má ưu tiên một chỗ khô ráo trong góc bếp để chờ đến Tết mang ra nấu bánh. Hồi đó, mỗi lần chúng tôi đòi hỏi điều gì, má cũng đều bảo: “Đợi Tết rồi má mua cho”. Ấy thế là nỗi mong chờ Tết lại càng mãnh liệt hơn.
 
Nay, khi mọi thứ đã đủ đầy, lũ trẻ con không còn mấy ngóng trông đến 3 ngày Tết nữa, tôi cũng bận rộn trăm bề để vẹn toàn cuộc sống. Nhưng má lại trông ngóng cây mai đầu ngõ tách vỏ trấu, xòe đám nụ xanh biếc rồi bung hoa vàng rực, ngày ấy “lũ trẻ” của má sẽ về. Tháng Chạp, má đếm từng ngày. Chiều 29, bóng lưng đã hơi còng lóng ngóng đứng ngoài ngõ, hòa cảm xúc cùng niềm vui với hàng xóm đón mấy đứa con về ăn Tết.
 
Mẹ tỉ mỉ chăm hoa vườn nhà, chờ con về thưởng hoa.                                               Ảnh: PV
Mẹ tỉ mỉ chăm hoa vườn nhà, chờ con về thưởng hoa. Ảnh: PV
Các con của má lần lượt đi làm ăn, đứa nào cũng cách xa má vài trăm cây số. Khi nhà cửa khang trang, mọi thứ không cần “dành đến Tết” thì má cũng quen dần với sự cô quạnh. Tết đến gần, dù nhà đã đầy đủ thức quà nhưng má bảo vẫn cứ thiếu. Thiếu giọng nói ríu rít của con út đòi má luộc cho bát rau muống ăn với dưa cà. Thiếu tay thằng hai phụ má gói từng đòn bánh tét. Thiếu thằng ba thắp lên trang thờ cuộn nhang vòng má để dành từ mùa xuân cũ...
 
Sáng nay tiết trời bàng bạc thổi từng cơn gió lạnh, kèm theo cơn mưa phùn lất phất bay như mừng đón xuân về. Tôi cùng gia đình nhỏ của mình an vị trên chuyến tàu trở về với má. Bên kia đầu dây điện thoại, các anh chị của tôi cũng đang bận rộn đón chuyến xe cuối cùng của năm. Trong cái nhốn nháo, tấp nập ở bến xe, sân ga, dù mệt mỏi do chặng đường dài, cùng những chen chúc chật chội, nhưng nhìn khuôn mặt ai cũng phấn chấn khi sắp được về nhà.
 
Trở về nhà, dạo chơi trong vườn, tôi chỉ cho con gái luống rau cải, rau xà lách... xanh mơn mởn bà trồng. Lại dẫn con ra phố chợ ngắm nhộn nhịp những tà áo dài xanh đỏ với bao nụ cười tươi tắn như chưa từng có nhọc nhằn ghé qua. Ngang qua chợ hoa, tôi cẩn thận chọn lựa từng bông hồng, bông layơn. Ôm trên tay bó hoa rực rỡ, tươi vui, tôi cười thầm khi mường tượng về những góc nhà sáng bừng sắc hoa. Dù bận bịu, dù chẳng còn thèm thuồng món bánh chưng như Tết xưa, nhưng các anh trai, chị dâu vẫn cùng má thức thâu đêm gói bánh. Gói vào đó lòng hiếu thảo với ông bà, gói sự sẻ chia dành tặng xóm giềng...
 
Đêm 30 tháng Chạp, má lại khệ nệ bắc nồi nước mùi già cho con cháu tắm rửa gột sạch bụi đường, hương mùi thoảng bay gợi nhớ những ngày tháng cũ. Quây quần bên nhau ngày trở về, má dành trọn thương yêu nêm vào cùng gia vị trong mỗi món ăn. Để rồi, chỉ cần nhìn mọi người ăn ngon miệng má thấy thế giới như thu bé lại, ấm áp, đủ đầy chỉ trong một gian bếp nhỏ.
 
Những ngày giáp Tết, cả gia đình quây quần cùng nhau gói bánh. Ảnh: PV
Những ngày giáp Tết, cả gia đình quây quần cùng nhau gói bánh. Ảnh: PV
Rồi những ngày đoàn tụ qua mau. Lũ trẻ xưa lại rưng rưng khăn gói trở lại với ngổn ngang lo toan phía trước. Đêm cuối cùng được ở nhà, bồi hồi nghe má tiếc rẻ “đông đủ được đêm nay nữa thôi...”. Ba ngày Tết, bảy ngày xuân bỗng hóa ngậm ngùi trong ánh mắt trĩu buồn của má. Hành lý không quá nặng mà sao tay chân cứ vướng víu, không nỡ rời cái vẫy tay chầm chậm trước cổng nhà.
 
Có lẽ vì thế, tôi trân quý vô cùng những thức quà quê dung dị mà má đã tỉ mẩn gói ghém, là kết tinh của tấm lòng ân cần, chăm chút cho những đứa con sắp xa nhà. Là đòn bánh tét vẫn còn thơm mùi nếp mới, chục quả trứng gà ta, búp chuối hàng nồm còn chưa ráo mủ... tất cả được sắp xếp gọn gàng dành cho “lũ trẻ” của má đủ đầy, no ấm cả tháng giêng hai.
 
Không còn những háo hức mong chờ Tết để được ăn ngon, mặc đẹp như ngày bé dại, nhưng chờ tôi phía trước là những mùa đoàn tụ, để có thể trở về gói ghém yêu thương mà ôm lấy đôi vai gầy của má, rồi nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc cùng đón Tết an bình...
 
THIÊN DI
 

.