Tết dân gian ở làng Gò Cỏ

11:01, 24/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ tháng 4/2019, làng cổ Gò Cỏ, thuộc phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) trở thành điểm du lịch “về nguồn” nổi tiếng. Cuối năm 2022, làng có thêm một tin vui: Thủ tướng Chính phủ vừa trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt mang tên “Văn hóa Sa Huỳnh”.
 
Mở rộng đường đón Tết
 
Người Gò Cỏ rất xúc động vì thấy có bóng dáng mình trong hệ giá trị di sản Văn hóa Sa Huỳnh. Là làng du lịch cổ với mô hình cộng đồng, Gò Cỏ đậm chất hoài niệm bởi độ lùi thời gian hơn 3.000 năm. Làng Gò Cỏ đang được du khách và giới du khảo đón nhận.
 
Đá cổ ở làng Gò Cỏ. Ảnh: Lê Ninh
Đá cổ ở làng Gò Cỏ. Ảnh: Lê Ninh
Trò chuyện với chị Sáu, một nông dân đi làm đồng qua đây, chị hồ hởi khoe, làng Gò Cỏ năm nay ăn Tết vui phải biết. Tui thấy cái bằng Thủ tướng ký đỏ rực trên ti vi rồi, đẹp lắm”. Một nông dân khác dừng lại góp chuyện. Anh này còn vui hơn cả chị Sáu: “Tôi không phải dân Gò Cỏ. Tôi dân làng kế bên thôi, mà tui mừng muốn rớt nước mắt. Quê hương mình giữa lòng Sa Huỳnh, nằm trong diện được công nhận di tích quốc gia đặc biệt thử hỏi làm sao mà không vui? Cả nhà tôi, rồi cả làng trên xóm dưới đều mừng. Con cháu Gò Cỏ, Sa Huỳnh ở xa gọi điện về nói Tết này dù chật vật mấy cũng về, về để thấy quê mình thay da đổi thịt, để thấy người làng mình xưa giờ áo nâu lam lũ “bỗng dưng” biết làm du lịch bằng những giá trị cổ xưa mà ông cha để lại". 
 
Ngày 23 tháng Chạp Nhâm Dần - đúng ngày ông Táo về trời, tôi về... Gò Cỏ. Con đường bê tông dẫn tới ngôi làng du lịch nổi tiếng này quá quen thuộc với tôi. Nhưng lần này tôi thấy lạ. Ngoài những khóm tre trúc, bông bụt, bông giấy lòa xòa 2 bên con lộ nhỏ, tôi còn thấy thêm... xi măng, cát, sạn với những công nhân đang chăm chú mở đường. Dừng lại, hỏi thăm mới hay, đường về Gò Cỏ đang được nới rộng để 2 làn ô tô có thể thoải mái ngược xuôi. Trước đây, 2 ô tô gặp nhau, phải có một chiếc vất vả tấp sát lề, nhường đường cho chiếc kia qua. Kẹt xe cục bộ khiến người đi bộ, xe máy, xe thô sơ nối đuôi nhau dừng lại. Được biết, công trình do phường Phổ Thạnh làm chủ đầu tư. Đường mở rộng thì du lịch địa phương sẽ phát triển hơn. 
 
Khi người dân làm chủ làng du lịch
 
“Người Gò Cỏ bỗng dưng biết làm du lịch” là câu nói cho vui. Thật ra, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Gò Cỏ sinh ra và lớn lên là nhờ công sức, tâm huyết của 2 “người dưng” với Gò Cỏ là ông Đoàn Sung và chị Nguyễn Thị Diễm Kiều. Hai “chuyên gia” du lịch cộng đồng này đã phát hiện “viên ngọc quý” bị lãng quên ở làng Gò Cỏ. Họ đã chỉ ra, trao lại, chỉ cách gìn giữ, bảo tồn và phát huy vẻ đẹp “nghìn xưa” cho người dân Gò Cỏ ngay từ những ngày đầu đến với làng. Đất Gò Cỏ bừng thức. Người Gò Cỏ bừng tỉnh, nhận ra chân giá trị của làng mình.
 
Ông Đoàn Sung kể, tôi đưa dân làng đi tham quan, học hỏi kết hợp vận động, thuyết phục, cầm tay chỉ việc cho người dân về cách thức làm du lịch dựa trên những giá trị di sản văn hóa. Khi người dân “đọc” được ý tưởng, “nghe” được tiếng vọng của người xưa trên mỗi thớ đá bên đường, từng ghềnh đá cổ dọc biển, từng giếng cổ mòn nhẵn vết thời gian... là lúc họ hiểu ra cái đẹp của làng. Họ không để “cái đẹp tiềm ẩn” nữa mà bằng mọi cách cho cái đẹp hiển lộ để “khoe” với du khách về bề dày văn hóa của làng mình. Họ cũng đã biết trân trọng, nâng niu những giá trị vật chất và tinh thần mà ông cha để lại. Những homestay bình dị, có hồn, đậm chất làng cổ lần lượt ra đời từ chính bàn tay của dân làng theo cách như vậy. Người già giúp con cháu mình tìm lại các làn điệu dân ca. Người trẻ ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường xóm làng, bãi biển.
 
Dân làng kể, có nhiều nhóm bạn trẻ nơi xa đến “tham quan” Gò Cỏ. Họ trải bạt ăn uống, ca hát và... xả rác. Dân “truyền tin” cho nhau. Họ tới tận nơi, ôn tồn giải thích nội quy của làng du lịch cộng đồng. Có nhóm nghe ra, xin lỗi rồi dọn dẹp. Có nhóm cự cãi trước khi rời đi. Nếu dân không đặt mình vào vị trí làm chủ làng du lịch thì chắc họ không thể có ý thức bảo vệ môi trường tốt như vậy. 
 
Rộn ràng chuẩn bị “Tết dân gian”
 
Những ngày giáp Tết, tôi chứng kiến bầu không khí sôi động, tất bật ở làng cổ Gò Cỏ. Vừa đi chợ về, chị Bùi Thị Vân, “cây” bài chòi kiêm hướng dẫn viên du lịch, niềm nở tiếp tôi. Chị Vân cho hay, Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố đang tập ngày tập đêm cho lịch biểu diễn đón xuân và đón năm du lịch.
 
Mặc dù nhà chị chưa ra vẻ Tết, chị Vân vẫn nói chiều cuối năm là có thôi. Chậu vạn thọ, lọ mứt gừng, vài cái bánh chưng, nồi thịt kho là tưng bừng tết liền ấy mà. Giờ thì tập trung lo Tết cho hợp tác xã cái đã. Khách du xuân ghé làng này, họ muốn nghe gì, xem gì, ăn gì, uống gì, chơi gì... mình phải lo chu đáo trên tinh thần là mỗi thứ mang ra phục vụ phải mang hồn cốt và đặc trưng làng cổ Gò Cỏ. Chị Vân nói, làm ăn lơ mơ là “bé” Kiều la chết. Kiều là Nguyễn Thị Diễm Kiều - Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Gò Cỏ, được người dân làng này gọi một cách thân thương như con cháu của mình vậy.
 
 Thành viên Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố làng Gò Cỏ tập dượt diễn xướng dân gian phục vụ  du khách trong dịp Tết.
Thành viên Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố làng Gò Cỏ tập dượt diễn xướng dân gian phục vụ du khách trong dịp Tết.
Gần tối, nhóm công nhân dựng những căn chòi lá vẫn chưa nghỉ. Đây là tổ hợp đậm chất dân gian cho du khách nghe diễn xướng dân ca, chụp hình,  thưởng thức ẩm thực chế biến từ nông sản, hải sản do Gò Cỏ sản xuất và đánh bắt. Chị Diễm Kiều kể, năm trước có đoàn đến đây gọi toàn món phố. Nhà bếp lắc đầu “dạ không có” khiến khách ngạc nhiên gặng hỏi. Tôi giải thích và họ hiểu rất nhanh. Rằng Gò Cỏ không khách sạn, nhà hàng, không quán xá, không có dịch vụ tự do. Thông điệp mà làng này gửi tới quý khách là những giá trị di sản, di tích văn hóa đặc biệt, được lắng lọc qua lớp lớp thời gian. “Phải rồi, đối tượng mình hướng tới là làng cổ có vài nghìn năm tuổi. Những nét cổ trong một không gian gợi những xa xưa như thế này mới là điều chúng ta nên trải nghiệm. Và ẩm thực cũng không ngoại lệ”, một du khách nói với đoàn tham quan của mình.
 
Chị Diễm Kiều vui vẻ giới thiệu màu sắc Tết ở làng du lịch. Người dân ở các bộ phận, tổ, nhóm đang tất bật hoàn thiện phần việc của mình cho kịp khai mạc hội xuân vào ngày 27 tháng Chạp. Chị Kiều nói ở những làng bình thường, người ta tất bật để khép lại 365 ngày đã cũ. Còn ở làng cổ này, người dân tất bật để khai mở một năm du lịch mới mang hương vị “Tết dân gian”. Các dịch vụ cộng đồng ở đây sẽ cho du khách những trải nghiệm thú vị như: Nấu ăn, đan lưới, trò chơi dân gian, làm nông dân, đi thuyền, câu cá, giao lưu bài chòi, hát hố... Ai quyến luyến muốn lưu lại để nghe “đêm Gò Cỏ” kể chuyện nghìn xưa, chúng tôi có sẵn những homestay xinh xắn, nhỏ gọn với mức giá không hề làm “tổn thương” túi tiền của quý khách.
 
Bài, ảnh: TRẦN CAO DUYÊN
 
 

.