Chạp mả - một mỹ tục trao truyền nhiều giá trị

11:01, 24/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vào tháng Chạp hằng năm, nhiều dòng họ tổ chức chạp mả - một mỹ tục được gìn giữ qua nhiều thế hệ, thể hiện sự tri ân, nhớ về nguồn cội.  
[links(right)]
 
Coi trọng nơi yên nghỉ
 
Với quan niệm “Sống gửi, thác về”, mồ mả được xem là nơi con người trú ngụ ở cõi vĩnh hằng. Vì vậy, người Việt coi trọng mồ yên, mả đẹp. Bởi coi trọng mồ mả tổ tiên nên ngay trong bộ “Quốc triều hình luật” (Luật Hồng Đức), tại điều 45, chương Tạp luật, và cả trong “Hoàng Việt luật lệ” (Luật Gia Long) tại điều 5 chương Đạo Tặc - phần hạ, đã có những điều khoản rất cụ thể về việc phạt nặng những người xâm phạm mồ mả của bất cứ ai, thậm chí bị xử chém, xử treo cổ, hay lăng trì, lại còn tịch biên cả gia sản.
 
Người dân Lý Sơn cúng tổ tiên ngày chạp mả.
Người dân Lý Sơn cúng tổ tiên ngày chạp mả.
Sang thời năm Tự Đức thứ 17 (1864), nhà vua còn chuẩn cho kinh thành lẫn các tỉnh hạt, cùng xã dân, xây dựng các nghĩa địa. “Đại Nam thực lục”, đệ tứ kỷ, quyển 30, còn ghi chép rằng: Kể từ năm này trở đi (1864), theo lời tấu trình của quan Bố chính Quảng Nam là Đặng Huy Trước, chiếu cho các địa phương chọn khu đất cao ráo làm nơi quy tụ những ngôi mộ vô chủ, dựng bia, khắc chữ “Nghĩa trủng xứ”. Bởi vậy nên nơi yên nghỉ của người quá cố, bất kể sang, hèn, có chủ hay vô chủ, đều được người xưa lẫn người nay coi trọng, đó là một giá trị rất nhân văn.
 
Vào tháng Chạp hằng năm, dường như dòng họ nào ở Quảng Ngãi cũng tổ chức lễ chạp mả. Nếu chạp mả cho cả dòng họ thì tộc trưởng hay cháu đích tôn đứng ra kêu gọi bà con trong dòng họ, không chỉ là đi tảo mộ, mà còn phải mang cuốc, rựa, thậm chí nay còn có cả máy cắt cỏ đi giẫy mả, phát dọn cây cối cho mộ ông bà. Tại các nghĩa trủng, nghĩa tự, ban tế tự của nghĩa tự cũng huy động bà con trong làng xóm đi tảo mộ, giẫy cỏ phát cây những ngôi mộ vô chủ, rồi về cúng tế ở các nghĩa tự. 
 
Ở Lý Sơn, người dân tự giác mang lễ vật, hương hoa, cuốc xẻng đi giẫy mả, sửa sang, cúng tế những ngôi mộ của những người trôi dạt vào đảo từ nhiều thế kỷ, đặc biệt là các ngôi mộ chiêu hồn những binh phu Hoàng Sa vô danh. Ngay thời Gia Long, bộ cổ luật “Hoàng Việt luật lệ” xem: “Mộ chiêu hồn mà táng thành mộ, tuy không có thi thể cũng phải xem như có” (điều 5, chương III), nên dù việc ứng xử với mộ chiêu hồn có lẽ đã có từ trước đó, nhưng khi mộ chiêu hồn được đưa vào bộ luật này thì việc ứng xử với mộ chiêu hồn, trong đó có các mộ chiêu hồn những binh phu đi Hoàng Sa, càng được coi trọng.
 
Một mỹ tục trao truyền nhiều giá trị
 
Cuối năm, người già, người trẻ trong dòng họ vác cuốc,  rựa, mang hoa quả, nhang đèn... đi phát dọn, cúng mồ mả tổ tiên và cả những ngôi mộ vô chủ, những ngôi mộ lính Hoàng Sa vô danh, đó là một “hành trình về nguồn” thật sự. Đây là một trong những hình ảnh thiêng liêng vào những ngày cuối năm.
 
Sau khi mồ mả ông bà được phát quang, dọn dẹp sạch sẽ, tế lễ bên mộ, những người đi giẫy mả về, cùng quây quần bên nhà thờ, cúng tế tổ tiên. Ngày chạp mả chính là lúc con người thêm một lần nhớ về nguồn cội và lớp trẻ được trao truyền những câu chuyện hình thành nên xóm nên làng, về tiểu sử, hành trạng các bậc tiền nhân, về những người có công với nước qua ký ức của những người lớn tuổi. Bởi vậy, khi ta nói rằng, ta luôn yêu Tổ quốc, quê hương, thì trước hết, ta phải hiểu và yêu mến làng xóm mình, các bậc tiền nhân mình trước đã.
 
Đi chạp mả không chỉ là lúc bà con “biết họ biết hàng”, biết thứ bậc của các thành viên trong dòng họ, mà còn là lúc cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xóm gắn bó nhau hơn, vì có dịp cùng được chia sẻ những nỗi niềm, những hoàn cảnh khác nhau. Cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xã mà gắn bó, cưu mang lẫn nhau thì trăm họ mới kết đoànvà đất nước mới phồn vinh, thịnh vượng. Không thể có sự đoàn kết chung chung, khi mà các thành viên gia tộc, các thành viên trong xóm, trong làng lại không hề thương yêu, gần gũi. Chạp mả là một mỹ tục cần được gìn giữ, là một di sản văn hóa cần được trao truyền cho những người trẻ tuổi.
 
Bài, ảnh:  ĐĂNG VŨ
 
 

.