Tết của người Quảng ở nước ngoài

07:02, 01/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù đang sinh sống tại nước ngoài, nhưng Tết cổ truyền của dân tộc là sự kiện được người dân quê Quảng Ngãi nói riêng và những người con quê hương đất Việt nói chung luôn trông đợi. Vào dịp Tết, người Quảng Ngãi xa quê vẫn giữ thói quen mặc áo dài, gói bánh chưng, bánh tét, đưa con cháu đi chùa...
 
Gìn giữ nét đẹp văn hóa
 
Năm nay đã là năm thứ 17, chị Nguyễn Diệu Hải (1983), quê ở huyện Mộ Đức, ăn Tết trên đất Mỹ. Ngần ấy thời gian đón Tết nơi xứ người, gia đình chị Hải luôn gìn giữ các phong tục như trang trí nhà cửa, cúng tất niên, cúng tiễn ông Táo về trời, cúng đầu năm mới... để gia đình, đặc biệt là các con, cảm nhận được không khí Tết cổ truyền của dân tộc. “Chuẩn bị cho tết Nguyên đán Nhâm Dần, tôi đã đặt mua 9 bộ áo dài cho mình và các con. Giá áo dài ở Mỹ cũng không cao lắm, tầm 500 - 600 nghìn đồng/bộ. Tôi cũng đã mua hoa lay ơn, hoa cúc để bày biện trên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ ông Táo; chuẩn bị mâm ngũ quả đậm chất Việt Nam gồm thanh long, dừa, đu đủ... và tự tay mua nguyên liệu về làm củ kiệu, mứt dừa cho năm mới”, chị Hải chia sẻ.
 
Gia đình chị Nguyễn Diệu Hải, hiện sinh sống ở Mỹ, vẫn luôn gìn giữ nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.                     Ảnh: D.H
Gia đình chị Nguyễn Diệu Hải, hiện sinh sống ở Mỹ, vẫn luôn gìn giữ nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Ảnh: D.H
Không chỉ tự tổ chức đón tết Nguyên đán tại nhà, chị Hải còn sắp xếp thời gian đưa hai con tham gia Hội chợ xuân của người Việt Nam tại Atlanta (Mỹ). “Tại hội chợ, cộng đồng người Việt Nam thường tổ chức thi hát tiếng Việt, thi viết tiếng Việt và trình diễn áo dài. Vì vậy, dù nhà ở cách nơi tổ chức hội chợ hơn 120km, nhưng vợ chồng tôi cố gắng đưa con đến tham dự, để con không quên nguồn cội”, chị Hải cho biết. 
 
Sống và làm việc tại nước Đức xa xôi, chị Lê Thị Phương Trinh (1990), quê ở TP.Quảng Ngãi cũng đã 3 năm đón Tết xa nhà. “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên năm nay vợ chồng tôi không về Quảng Ngãi ăn Tết. Tôi tự mua nguyên liệu về gói bánh tét, làm thêm một ít mứt, dưa chua để đón Tết, vừa là để đỡ nhớ Tết quê, vừa là để chồng tôi là người Đức hình dung được thế nào là không khí Tết Việt Nam”, chị Trinh chia sẻ.
 
Nhớ Tết quê hương
 
Vừa sang Pháp để làm việc, năm nay là năm đầu tiên, chị Nguyễn Thị Phương Thanh (1983), quê ở huyện Mộ Đức đón tết Nguyên đán trên đất khách.
 
Chia sẻ cảm xúc lần đầu tiên đón Tết cổ truyền nơi xứ lạ, chị Thanh bồi hồi: "Thời tiết tại Pháp đang rất lạnh, băng tuyết phủ kín mọi nẻo đường. Dù chuẩn bị áo dài mặc trong những ngày Xuân, cũng như các món ăn dân dã như bánh chưng, củ kiệu, nhưng tôi vẫn nhớ lắm tiết trời vừa se lạnh, vừa hửng nắng đặc trưng trong những ngày Tết quê hương ở Quảng Ngãi”. 
 
Xa quê đã 5 năm, chị Bùi Thị Thoại Huyền (1990), quê ở huyện Mộ Đức, hiện đang làm việc tại Canada, vẫn giữ thói quen thức đêm chờ đón giao thừa. Năm nào cũng vậy, vào thời khắc chuẩn bị chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chị Huyền và ba mẹ hiện đang sống tại Quảng Ngãi cũng bùi ngùi chúc Tết qua màn hình điện thoại. “Ngày trước, khi còn được đón Tết ở Quảng Ngãi, tôi vẫn cùng mẹ nấu mâm cơm cúng giao thừa, đầu năm mới. Vậy nên khi đón Tết tại Canada, để vơi bớt nỗi nhớ nhà, tôi đưa con đến các ngôi chùa của người Việt Nam ở Canada để được gặp gỡ đồng hương, được cùng cộng đồng người Việt nấu ăn, trang trí các tiểu cảnh trong chùa. Dẫu vậy, nỗi nhớ Tết quê, nhớ ba mẹ, nhớ không khí tất bật, rộn ràng ngày Tết ở quê hương vẫn luôn cháy bỏng trong tôi", chị Huyền bày tỏ. 
 
Học tập và làm việc nơi đất khách, nhiều người quê Quảng Ngãi vẫn luôn nhớ về những ngày Tết cổ truyền đầm ấm, sum vầy nơi quê nhà. Đón Tết xa quê, nhưng mỗi người đều cố gắng gìn giữ hồn Tết quê nơi đất khách, như một cách để tỏ bày niềm yêu và nỗi nhớ quê hương.
 
Lam An
 
 
 

.