Trên những chuyến xe Tết năm nào...

08:02, 05/02/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Nội tôi có cả thảy 9 người con, thì đã có 8 người ly hương vào Nam lập nghiệp. Mỗi lần rời quê vào Nam, các cô, chú, bác của tôi vẫn thường bịn rịn tâm sự rằng, ly hương là chuyện cực chẳng đã. Vì nếu cứ bấu víu mấy sào ruộng tại quê nhà thì mọi người chẳng biết xoay sở từ đâu để trang trải và nuôi con ăn học nên người...
[links()]
Đùm túm nhau vào Nam kiếm sống, nên mỗi năm một lần, các cô, chú, bác tôi chỉ về quê vào dịp Tết. Lập nghiệp nơi đất khách bằng nghề "buôn thúng, bán bưng". Người thì đạp xe chở kem đi bán dạo, người thì đẩy xe rong ruổi khắp các chợ ở quận 10 để bán bún, người bán hũ tiếu giá rẻ, chỉ lấy công làm lời trước các nhà máy, xí nghiệp...Vậy nên giá tàu, xe Tết vào mỗi đợt về quê luôn là mối bận tâm lớn của mỗi nhà.
 
Thời những năm 90, phương tiện di chuyển từ Quảng Ngãi đi TP.HCM chủ yếu vẫn là tàu lửa và xe khách đường dài. Nhưng các cô, chú, bác tôi ít ai đi tàu. Vì giá vé tàu lúc nào cũng "nhỉnh" hơn xe khách.
 
Những năm 1990 - 2000, thuật ngữ "xe nhồi, cơm tù" trở thành nỗi ám ảnh của những người Quảng xa quê đi xe khách đường dài. Đó là những chuyến xe mà mọi người chỉ có thể ngồi khép nép, không duỗi nổi tay chân vì hành khách bị ép ngồi chật như nêm. Đó là những quán cơm ven đường mà khi vào ăn rồi mới "té ngửa" khi giá của món nào cũng đều mắc gấp 4 - 5 lần so với giá thị trường. Song, tiết kiệm được một đồng, thì để dành cho con thêm được một đồng. Nên dẫu cực, nhưng các cô, chú, bác nhà tôi năm nào cũng "thủy chung" về nhà bằng xe khách.
 
Đến Tết, những người ly hương lại dắt nhau ra bến xe Miền Đông để về quê
Đến Tết, những người ly hương lại dắt nhau ra bến xe Miền Đông để về quê
 
Đi mãi thành ra nhiều kinh nghiệm, nên để tránh chuyện "cơm tù", mỗi lần sửa soạn chuẩn bị về quê, là mọi người lại rủ nhau chuẩn bị "lương khô" dùng dần. "Lương khô" ấy là vài nắm xôi ăn với muối mè, dăm quả trứng gà luộc...có thể trữ được lâu. Hoặc qua loa hơn, đó đơn giản chỉ là vài ổ bánh mì không cùng ít muối tiêu... để dằn bụng.
 
Xe chạy từ TP.Hồ Chí Minh về Quảng Ngãi hơn hai mươi tiếng đồng hồ nên xôi nguội đi còn bánh mì thì yểu xìu, dịu ngơ dịu ngắt. Ấy vậy mà, cô, chú, bác tôi cùng bao người Quảng nghèo tha hương ngày ấy, năm nào cũng nhẫn nại vượt qua những chuyến xe Tết đầy mệt nhọc như thế để được đặt chân về đất Quảng đón Tết cùng người thân.
 
Trên những chuyến xe Tết năm nào, là những chiếc ba lô chứa dăm bịch trà ngon về biếu ba, là chai dầu xanh, dầu gió về tặng mẹ; là dăm bộ quần áo Tết hãy còn thơm mùi vải về cho bầy con thơ vui vầy du xuân. Trên những chuyến xe Tết năm nào, là bóng dáng của cô, chú, bác của tôi cùng bao người Quảng xa quê khác ngồi trên chiếc ghế súp, chốc chốc lại dựa đầu vào nhau cho đỡ mỏi; là những gương mặt bơ phờ vì hơi nóng từ máy xe bốc lên hầm hập; là những lời động viên nhau là: Ráng lên! Xe gần tới Quảng Ngãi rồi...
 
Trên những chuyến xe Tết năm nào, chẳng có mấy lời thở than, phiền muộn. Chỉ có những nụ cười, tiếng chuyện trò rôm rả kể lể chuyện nhà. Đó là những người cha, người mẹ xa quê háo hức mong đến giờ khắc được về nhà để hít hà hương tóc của con. Đó là những người con bôn ba nơi đất khách, mong xe cập bến mau mau để chạy ào về nhà ôm lấy mẹ cha cho thỏa nỗi nhớ mong sau một năm cách xa…
 
Trên những chuyến xe Tết năm nào, vì điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ nên không có những cuộc điện thoại về cho người thân để báo tin rằng mấy giờ xe cập bến. Ấy vậy mà xe vừa tới bến, đã thấy những bóng hình thân thương đứng chờ ở đấy tự lúc nào...
 
Trên hành trình về nhà ngày Tết năm nào, dù chưa có những chiếc xe giường nằm hay xe khách hạng sang, cũng chẳng có máy bay ngồi mấy mươi phút là đến nơi! Ấy vậy mà, dù đường xa gập ghềnh đến mấy, chỉ cần đến Tết, là mọi người đều khăn gói trở về quê hương.
 
Bài, ảnh: Ý THU

 


.