Xuân về dưới chân đèo Viôlắc

03:02, 23/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một mùa xuân mới lại về dưới chân đèo Viôlắc. Tại 4 xã khu tây của huyện Ba Tơ, đồng bào đang rộn ràng đón xuân.

9 giờ sáng, mặt trời đã lên cao, xua tan những đám mây trắng bồng bềnh trên núi xa. Tại thị  tứ Ba Vì, đồng bào dân tộc Hrê từ Ba Xa qua, từ  Ba Tiêu, Ba Ngạc  tới. Họ nói cười râm rang, rồi kéo nhau vào các tiệm hàng hóa mua sắm Tết.

Rộn ràng sắm Tết

 Anh  Đinh Văn Toan, xã Ba Xa dắt chiếc xe máy mới toanh từ cửa hiệu ra rồi cười vui, nói: “Mua được cái xe này là nhờ bán keo đấy. Nhà mình cũng đã có một chiếc nhưng xe cũ rồi. Giờ mình mua cái xe mới về để vợ chồng và đứa con đi chơi Tết”. Chủ cửa hàng xe máy Ngọc Thẩm vui vẻ, bảo: “Những tháng cận tết tất bật hơn nhiều. Bà con ở 4 xã khu tây cùng với các xã Sơn Ba, Sơn Kỳ (Sơn Hà) và các xã của huyện KonPLong (Kon Tum) cũng về đây mua xe máy. Bình thường mỗi tháng bán được 10 chiếc, những ngày cận Tết thì số lượng tăng lên đáng kể, bởi bà con vừa thu hoạch mía xong”.

Đèo Viôlắc. Ảnh: VĂN XUÂN
Đèo Viôlắc. Ảnh: VĂN XUÂN


Phía bên kia đường, chủ tiệm thiết bị điện tử Quốc Mạnh cũng tất bật giới thiệu với đồng bào những giàn âm thanh, ti vi, đầu đĩa... Anh Mạnh cho rằng, lượng hàng bán trong dịp Tết tăng gấp đôi so với  ngày thường. Cuộc sống bà con phát triển nên ai cũng chọn mua sản phẩm có nhãn hiệu, xuất xứ rõ ràng.

Trong gian quần áo may sẵn, có nhiều phụ nữ đang chọn quần áo, dép mới cho mình và các con. Chị Đinh Thị Ngát ở xã Ba Ngạc cùng lúc mua mấy bộ quần áo mới. Chị khoe: “Tết này, nhà sẽ mổ con heo và mấy con gà. Còn nếp làm bánh ga gu cũng đã chuẩn bị sẵn rồi. Giờ mình phải mua cho con mỗi đứa một bộ quần áo mới để chúng vui chơi với bạn mà!”.

 “Đất lành chim đậu”

 Thầy Lê Xuân An, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Ba Vì, quê ở  An Nhơn, tỉnh Bình Định đến và chọn nơi này làm quê hương thứ  hai từ  năm 1976. Thầy bảo: “Bây giờ, khu vực thị tứ chẳng khác gì thị trấn dưới đồng bằng, nhà tầng mọc lên, hàng quán cũng mọc lên khá dày, chứ những năm đó, nơi đây còn nguyên sơ, núi cao và vực thẳm, rừng rậm nên ở đây mới lưu truyền câu ca “Sông Re vang tiếng cọp đàn. Muỗi bạc, ruồi vàng, vắt kim cương”. Đã vậy, “hằng năm vào tháng 3, trên đất này hứng những cơn gió xoáy theo vòng tròn. Có lúc gió từ phía sông Re ào qua, có lúc từ sườn núi phía đông Trường Sơn đổ xuống. Gió ào qua đến đâu là “hốt” sạch  nhà cửa, rừng cây đến đó. Có lần  gió dỡ mái nhà, mái trường hàng loạt, “hốt” cả cái quán Tiên Phước lợp tôn nằm ở ngã ba thị tứ lên không rồi đổ rầm xuống cách đó chừng 100m nên đất này mới có tên Gió Vụt vậy” – thầy An chia sẻ.

 Sau chiến tranh, vùng đất dưới chân đèo Viôlắc một phần vì thiên nhiên khắc nghiệt, một phần do hậu quả chiến tranh là vùng đất khó. Nhưng rồi, tỉnh mở Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên, huyện Ba Tơ chọn nơi này làm thị tứ nên đã tạo thuận lợi cho đất này phát triển. Ông Trần Xuân Mộc, cựu chiến binh quê ở Thái Bình kể: Sau chiến tranh tôi ở lại đây. Hồi đó, nơi đây nghèo khó lắm.

Nhưng khi Nhà nước mở đường lên đèo Viôlắc đã đem lại sự đổi thay rất lớn. Nơi đây trở thành vùng đất lành. Bà con ở dưới xuôi lên làm ăn, người ngoài miền Bắc vào, trên Kon Tum xuống nên thị tứ thoáng chốc trở thành phố mới dưới chân đèo. Còn ở các xã Ba Tiêu, Ba Ngạc đồng bào tận dụng các bãi bồi ven sông Re để trồng mì, trồng mía, cây mía đã mang lại cho nhiều hộ thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm. Trên các đồi cao họ trồng keo để bán cho các nhà máy chế biến trong tỉnh, nên vùng đất giờ đây đã phủ một màu xanh bạt ngàn của cây công nghiệp, cây nguyên liệu.

Phát triển thị tứ  

 Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Chủ tịch UBND xã Ba Vì, cho hay: Sự đổi thay của các xã khu Tây huyện Ba Tơ cũng như việc hình thành thị tứ Ba Vì là nhờ vào vị trí thuận lợi của địa hình, sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh và huyện. Những năm qua, thông qua chương trình phát triển cụm xã , huyện Ba Tơ đã đầu tư xây dựng chợ, trạm y tế, đài truyền thanh, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học nên diện mạo vùng thị tứ đã đổi khác. Theo chỉ đạo của huyện, UBND xã đang vận động nhân dân trong xã tích cực tham gia phát triển giao thông nông thôn, xây dựng khu dân cư đoàn kết và phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác an ninh trật tự vùng giáp ranh hai tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum.

Ở các xã vùng cao của Ba Tơ, thường thì 7 giờ tối nhà nhà đã cửa đóng then cài, nhưng ở vùng giáp ranh này thì vẫn khá nhộn nhịp. Các hàng quán vẫn sáng đèn. Khách vãng lai tìm đến các quán thưởng thức những món cá  niêng nướng được bắt từ sông Re lên, những món ăn còn mang đậm nét của đồng dân tộc Hrê như thịt trâu nướng chấm muối ớt, hay nấu lá xưng. Bà con ở các xã Ba Xa, Ba Tiêu, Ba Ngạc ban ngày lên nương rẫy nên đêm xuống cũng tranh thủ đi mua hàng. Trong những ngày cận Tết, hàng quán sau 22 giờ vẫn còn mở cửa. Bây giờ nơi đây trở thành điểm tập kết của các loại nông lâm thổ sản. Nếu như mùa nắng thì bà con ở các xã Ba Xa ra, Ba Ngạc, Ba Tiêu vào bán mật ong, vỏ bời lời, sa nhơn, mây... Những ngày áp Tết này thì bán lá dong, phong lan rừng...

Rời khu Tây Ba Tơ khi trời ngả về chiều. Trong tiết xuân sang trời se lạnh, nhưng chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn. Vùng đất phía tây huyện Ba Tơ- vùng cửa ngõ của Quảng Ngãi nối với Kon Tum đã có quá nhiều đổi thay, bà con ở vùng giáp ranh này đã có một cuộc sống mới no ấm, yên bình.

Mai Hạ
 


.