Hơn 1.300 ngày, mẹ nuôi con từng giờ...

08:12, 24/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Buổi sáng một ngày đầu tháng 11, trên con đường đất nhỏ, bà Phạm Thị Cúc (1951) ở thôn Khánh Lạc, xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) đang dẫn người con trai Lê Văn Thanh (1985) bước đi tập tễnh ra chợ. Gặp hai mẹ con bà Cúc, nhiều người hàng xóm mừng rơi nước mắt khi thấy Thanh có thể đi lại được.

 


Đó cũng là điều kỳ diệu bà Cúc đã viết nên về những tháng ngày cứu chữa cho con từ cõi chết trở về có lúc chỉ tính bằng từng phút, từng giờ. Tính mạng nguy kịch sau lần tai nạn giao thông nguy hiểm, Thanh đã hai lần bị bệnh viện trả về, trải qua cứu chữa ở bốn bệnh viện khác nhau với bảy lần phẫu thuật. Dù có lúc chẳng còn tia hy vọng nào nhưng trái tim người mẹ mách bảo phải giữ con lại để cứu con.
 

Với người mẹ tảo tần chỉ cần con được sống, đó là niềm hạnh phúc lớn lao.
Với người mẹ tảo tần chỉ cần con được sống, đó là niềm hạnh phúc lớn lao.


 



“Chính xác là ba năm bảy tháng, hơn một nghìn ba trăm ngày, tôi vẫn nhớ như in khoảng thời gian đầy đau khổ, vất vả đã qua. Nhiều lần tưởng mình đã chết đi theo con, nhưng tôi vẫn gượng dậy bởi mình là chỗ dựa cho con. Mẹ phải sống thì mới cứu được con”, bà Cúc kể chuyện như tự sự từ chính nỗi lòng của mình.
 


Năm 2015, Lê Văn Thanh vào Vũng Tàu với hy vọng có công việc và thu nhập ổn định gửi tiền về cho mẹ sửa sang lại nhà cửa. Bà Cúc đã nhờ người chở cát về, vài hôm nữa sẽ kêu thợ đến xây. Đống cửa đã đổ trong sân trước hiên nhà. Rồi bất hạnh ập đến, Thanh bị tai nạn giao thông rất nặng trên đường về nhà.

Bà Cúc thót tim khi nhận được điện thoại báo từ Vũng Tàu. Rồi bà vội vàng bán bò được khoảng 8 triệu đồng, tất tả nửa đêm khăn gói vào với con. Nhưng rồi bà lại lặng người khi bác sĩ đã khuyên bà nên đưa Thanh về quê. Theo kết quả của bác sĩ, Thanh bị chấn thương sọ não và nhiều vết thương nặng trên cơ thể. Hoảng loạn trước thông báo tình hình của con, bà Cúc như gục ngã ngay tại bệnh viện. Một người lái xe cấp cứu nhìn thấy bà, đến hỏi chuyện. Và rồi chiếc xe cấp cứu đã chuyển hướng đến thành phố Hồ Chí Minh vào bệnh viện Chợ Rẫy. Đến bệnh viện Chợ Rẫy, bà Cúc như nghẹn lại khi bác sĩ tiếp tục thông báo tình hình của Thanh rất nặng, hy vọng vô cùng mong manh.

 


Nhưng rồi, với niềm tin con mình sẽ sống, bà đã cầu mong con mình được phẫu thuật. Điều kỳ diệu đã đến, sau ca phẫu thuật quan trọng, Thanh đã có những tín hiệu tích cực.

Một năm rồi hai năm trôi qua, ít nhất lần nào Thanh nằm viện cũng từ 3 – 4 tháng, cũng là khoảng thời gian bà Cúc luôn túc trực ngồi ở cuối giường bệnh của con. Ban đêm, bà nằm dưới đất để trông chừng Thanh.

Từ người mẹ chỉ quanh quẩn với đồng ruộng, xóm làng, bà Cúc đã quen với những chuyến xe đường dài, quen với cảnh ngủ ở bệnh viện và thuộc cả phác đồ điều trị  của con. Thanh bất động nằm một chỗ, mỗi lần vệ sinh hay ăn uống, bà phải vật lộn để đỡ con ngồi dạy.

Nhiều người không may gặp phải hoàn cảnh như bà Cúc thảng thốt buộc miệng hỏi, làm thế nào bà Cúc đã vượt qua ngần ấy thời gian chăm con bởi họ mới chiến đấu một, hai tháng đã cảm thấy bao hao mòn. Bà nói, chỉ cần có niềm tin...
 

Bao vất vả, lo toan bà gánh lấy, để cứu chữa cho con.
Bao vất vả, lo toan bà gánh lấy, để cứu chữa cho con.


Hơn ba năm trôi qua, đống cát ngoài sân nhà bà Cúc còn dang dở, lại vơi dần đi sau mỗi đợt mưa to. Bà cũng chẳng còn thiết tha để ý đến. Dự định sửa sang lại căn nhà cũ kỹ, xập xệ gác lại chẳng biết đến khi nào...

 


Từ một người khả năng sống may mắn cao nhất chỉ là cuộc đời thực vật, thì với tình yêu và sự kiên nhẫn, chịu đựng phi thường của người mẹ, Thanh không chỉ tỉnh dậy mà nay còn đi lại được. Kể về hành trình đó, bà Cúc luôn miệng nhắc đến những tấm lòng nhân ái đã đến với mẹ con bà.

Tiền viện phí của Thanh có ngày lên đến hơn hai chục triệu, trừ tiền bảo hiểm còn đóng tầm 14 – 15 triệu/ngày. Với hoàn cảnh khó khăn, tuổi già của vợ chồng bà làm sao gồng gánh nổi?

Nếu không có những mạnh thường quân giúp đỡ, làm sao bà Cúc có thể cứu chữa được cho con? Bà Cúc xúc động khi nhớ về những tấm lòng nhân ái, lúc nguy khó nhất, tình người thật lớn lao và đáng trân trọng.
 

Hai mẹ con đến chợ. Nhiều người chạy đến hỏi thăm, vui mừng trước sự hồi phục của Thanh.
Hai mẹ con đến chợ. Nhiều người chạy đến hỏi thăm, vui mừng trước sự hồi phục của Thanh.


Đó là “bà Lan luật sư” quê ở Quảng Ngãi, sống ở TP.Hồ Chí Minh biết tin đã vội liên lạc, đưa xe ra đón hai mẹ con bà ở nhà ga kịp đến bệnh viện. Ngay trước ca mổ quan trọng ráp hộp sọ cho Thanh cách đây vài tháng, biết bà Cúc không có tiền, bà Lan đã rút tiền túi đóng viện phí. Rồi bà Lan còn huy động bạn bè, người thân cùng giúp đỡ.

Có người nhà chăm bệnh nhân, biết tình cảnh của hai mẹ con, đi mua thức ăn đều mua thêm một phần cho Thanh. Còn có cả người bệnh đang chữa trị nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ với bà Cúc. Hay tình cờ một người đến thăm người quen nằm viện, biết chuyện đã nộp tiền viện phí cả tháng cho Thanh mà không đắn đo suy nghĩ. Lúc đi về, họ còn dúi vào tay bà cả triệu bạc.

Với bà Cúc, đó còn là những y bác sĩ đã động viên tinh thần bà, cứu chữa cho Thanh.  Và chính quyền địa phương, bà con lối xóm ai cũng quan tâm, hỏi han, hỗ trợ gia đình bà. Rồi có những người có khi bà chưa kịp nhớ họ tên cũng đã đến thăm hai mẹ con bà ở bệnh viện.

Đó còn là những mạnh thường quân đã mang cơm từ thiện đến bệnh viện, giúp những người khó khăn như bà Cúc. Bà Cúc không quên ơn những người đã kể chuyện về hoàn cảnh của gia đình để nhiều tấm lòng biết đến.
 

Khó đi, mẹ dắt con đi... Bà Cúc đã làm nên điều kỳ diệu cứu con từ cõi chết trở về.
Khó đi, mẹ dắt con đi... Bà Cúc đã làm nên điều kỳ diệu cứu con từ cõi chết trở về.


Một năm trước, chiếc ghế bố ngoài hè là nơi Thanh nằm thoi thóp, chẳng thể cử động, phía một bên đầu còn sâu hoắm vì chưa mổ ráp hộp sọ. Nay Thanh đã chuyển sang ngồi ghế gỗ bên cạnh để tập vật lý trị liệu cho đôi bàn tay.

Bà Cúc ngồi bên cạnh nhìn con, thì thầm dặn dò: “Thanh phải cố gắng luyện tập mỗi ngày từ 15 phút rồi tăng lên 30 phút. Ngày nào cũng phải tập, con hồi phục không chỉ mình mẹ trông chờ mà còn biết bao tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ gia đình lúc nguy khó cũng mong đợi điều ấy”.

Bà phải luôn bên cạnh, để mắt trông chừng con khỏi bị vấp té. Người thanh niên từng mạnh khỏe 33 tuổi nay trở lại ngây ngô như đứa trẻ con. Thanh bỗng dưng nhìn ra ngoài sân đòi đi chơi, bà Cúc đang lặt rau, bật dậy như cái lò xo chạy đến đỡ con. Nhưng với bà, chỉ cần con còn sống, đã là hạnh phúc lớn lao. Và bà Cúc cũng mong rằng, đừng có gia đình nào phải gánh chịu nỗi đau từ tai nạn giao thông như bà.


Bài, ảnh: BẢO HÒA
Đồ họa: L.H
 


CÁC TIN KHÁC
.