Sa nhân tím "tím ngắt" lối về

02:04, 08/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tìm "cây, con giảm nghèo" ở miền núi Quảng Ngãi là cả một câu chuyện dài, có thành công song cũng không ít thất bại. Nhiều mô hình khuyến nông đổ tiền tỷ, tốn thời gian để thử nghiệm, đợi chờ mà kết quả chẳng đi tới đâu. Bởi vậy, khi nghe dự án "trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ" ở xã Ba Trang (Ba Tơ) cho kết quả tốt, chúng tôi đã về tận chân rừng phòng hộ, giữa vùng sa nhân tím...

TIN LIÊN QUAN

Về vùng sa nhân tím

Hết một buổi sáng rong xe máy từ TP.Quảng Ngãi chúng tôi mới lên đến xã Ba Trang. Dù được cán bộ xã cảnh báo "đường khó đi lắm đấy" nhưng sự thực thì phải là "cực khó đi" mới đúng. Đã tới trung tâm xã nhưng đường giao thông hệt như đường mở ra để vận chuyển keo, mì. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trang Phạm Văn Nhoi là người khá trẻ, tiếp tôi trong trụ sở tạm, chật chội với cái nóng hầm hập. Anh đưa ra cho tôi địa điểm, rồi danh sách hộ tham gia dự án trồng sa nhân tím và giao cho anh cán bộ địa chính Phạm Văn Vun, chở tôi đi thực tế vùng dự án.

 Cây sa nhân tím trồng dưới tán rừng phòng hộ ở Làng Leo, thôn Bùi Hui (Ba Trang, huyện Ba Tơ).
Cây sa nhân tím trồng dưới tán rừng phòng hộ ở Làng Leo, thôn Bùi Hui (Ba Trang, huyện Ba Tơ).


Trực chỉ thôn Bùi Hui (trước đây là thôn Con Dóc) cách trung tâm xã khoảng 8km, chiếc xe cứ chồm lên, hụp xuống, va vào đá hộc liên tục không theo ý của người điều khiển. Cán bộ Vun bảo tôi yên tâm, vì anh quen đường đi lại. Đoạn ngồi xe, đoạn xuống xe đi bộ, cuối cùng Vun cũng dừng xe dưới tán rừng, nói một câu ngắn ngốc: "Tới nơi rồi!". Mang theo máy ảnh, tìm một đoạn củi khô làm gậy chống, hai chúng tôi bắt đầu vào rừng đến vùng sa nhâm tím.

Lặng thinh, cần mẫn bước theo Vun, mọi suy nghĩ trong đầu tôi chỉ mỗi ba từ "sa nhân tím". Ngày nhỏ tôi sống với núi rừng Tây Bắc đã "nhẵn mặt sa nhân tím" nên tìm về nơi trồng "cây tuổi thơ tôi" dưới tán rừng phòng hộ là bao ký ức đẹp của thời thơ trẻ như sống dậy, đầy hứng khởi, dù mồ hôi túa ra, cái mệt đã thấm vào khiến những bước chân chậm chạp hơn. Ở đây, người dân đi rừng không đo đường đi bằng độ dài mà bằng thời gian. Thời gian di chuyển của tôi khác với họ, chí ít là gấp 1,5 lần so với người bản địa. "Kệ, cứ đi sẽ đến", tôi dặn lòng để động viên mỗi bước chân.

Đang chúi mũi leo dốc, tôi lại được nghe Vun lặp lại lần thứ hai một câu ngắn ngốc như trước: "Tới nơi rồi". Chưa kịp mừng vì đã chạm đích thì bao nhiêu háo hức trong tôi đã vụt tắt, bởi trước mắt chỉ là một vùng lưa thưa sa nhân tím. Cây sa nhân mà tôi từng nghĩ thân sẽ to như cái cán liềm nhưng sự thực chỉ nhỉnh hơn cây gừng sẻ ở đồng bằng. Lá bằng ba ngón tay. Không thấy hoa, cũng chẳng thấy dấu tích của chùm quả đã cho thu hoạch. Nhiều cây thân, lá vàng rụi bám trên vạt dốc cao bạc màu.
 

Dự án đa mục tiêu...


Vào năm 2012, từ vốn sự nghiệp khoa học và vốn Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững hơn 1,6 tỷ đồng, huyện Ba Tơ triển khai trồng thử nghiệm 20ha sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ tại địa bàn xã Ba Trang. Trạm Khuyến nông Ba Tơ được giao làm chủ đầu tư. Mục đích là "tạo nguồn lợi lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng phòng hộ để tăng thêm thu nhập và hạn chế xâm lấn rừng phòng hộ, nâng cao ý thức bảo vệ rừng phòng hộ".

"Tím lòng" với sa nhân tím

Về Làng Leo, thôn Bùi Hui - nơi có hộ dân được chọn để triển khai dự án trồng sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ. Hỏi các hộ dân tham gia trồng sa nhân tím, họ vẫn rất mơ hồ về trồng, chăm sóc loại cây này. Với người Làng Leo, dường như họ vẫn quen với cây sa nhân tím mọc tự nhiên. Anh Phạm Văn Re cho biết: "Cái cây sa nhân tím tự mọc nó tốt lắm, nhiều bụi cho trái, hái bán có tiền. Còn sa nhân tím trồng cây ít lớn, quả ít có lắm".

Người làng giới thiệu với chúng tôi về anh Phạm Văn Ra, là người trồng sa nhân theo dự án nhiều nhất Làng Leo. Nhưng hôm nay anh Ra đi rừng phải chờ đến tối mới gặp được. Đã cất công vượt đường xa xôi lên Làng Leo, chúng tôi cố đợi anh Ra về cho bằng được. Vẫn đang chưa biết làm gì chờ trời tối thì may mắn chúng tôi gặp được một thương lái chuyên đi thu mua sản vật của bà con Làng Leo hái được từ rừng.

Anh tên Đức, ở An Lão (Bình Định) chạy xe máy sang đây làm ăn. Hôm nay, anh cũng như tôi đang đợi người làng đi rừng về. Tất cả những thứ người làng hái được anh đều mua hết, từ lá trầu không, rễ cây quý, mật ong rừng, nấm linh chi tự nhiên... Tôi hỏi: "Nghe ở làng này có trồng được sa nhân tím đã cho quả, họ có hái bán cho anh không?". Anh Đức bảo rằng: "Ở cái làng này bán cho tôi nhiều thứ nhưng tuyệt nhiên chưa thấy ai bán quả sa nhân tím cả". Tôi băn khoăn vì vào cuối năm 2015 đã thông tin "sa nhân tím đã đơm hoa, kết trái ở Con Dóc"? Vẫn đang miên man suy nghĩ thì anh Phạm Văn Ra về. Đặt bao lá trầu không xuống đất, anh Ra chia sẻ ngay với chúng tôi: "Nhà mình trồng 6 sào cây sa nhân tím. Sa nhân trồng không thấy lớn. Nó cằn cỗi, chết nhiều. Chắc là do nó bị rợp. Trồng ở chỗ có ánh sáng thì trâu dẫm hư hết. Mong gì nhiều ở mấy sào sa nhân tím ấy".

Có thể là cây giảm nghèo?

Cách đây nửa năm khi rà soát hiệu quả dự án trồng sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ ở Ba Trang, Trung tâm Khuyến nông Ba Tơ khẳng định, đây là cây trồng triển vọng, dù những mục đích lớn lao được nêu trong dự án này đến nay vẫn chưa đạt được.

Hiện tại dự án đã hết thời hạn triển khai, cây sa nhân tím hầu như vẫn chưa cho trái. Vậy mà Trạm Khuyến nông Ba Tơ vẫn tính toán và đưa ra con số vô cùng lý tưởng cho loại cây trồng này: Đến năm thứ 3, mỗi hécta sa nhân cho thu nhập 24 triệu đồng và những năm tiếp theo tăng gấp 2 - 3 lần! Còn mục tiêu bảo vệ rừng thì Ban Quản lý rừng phòng hộ khu Đông cho biết: Trồng sa nhân tím hiệu quả chưa thấy, nhưng việc giữ rừng thêm phần gian nan. Vào rừng, đi rẫy người dân phải mang theo công cụ lao động như rựa, cuốc. Trong khi đó, quy định nếu đã là rừng phòng hộ rất nghiêm ngặt, người dân không được phép ngang nhiên vào rừng mang theo những công cụ ấy.

Rời vùng sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ ở vùng cao Ba Trang, tôi mang theo bao điều trăn trở. Lần đầu tiên Quảng Ngãi triển khai thí điểm dự án này, nhưng việc báo cáo, đánh giá kết quả dự án lại chưa toàn diện, khách quan. Con số đưa ra trong hội nghị sơ kết, tổng kết vẫn chỉ là con số do chính những người làm chủ dự án tự tính toán theo mục tiêu nguồn vốn đầu tư đề ra, chứ không phải là kết quả từ thực tiễn.

Đây là dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, tính khả thi của dự án dường như chưa được tính toán kỹ lưỡng. Điều đó có thể gây ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, nếu như việc hoạch định ấy dựa trên những đánh giá của dự án "trồng sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ" ở vùng núi Ba Trang.

Việc cần làm sau dự án này chính là đánh giá đúng thực chất hiệu quả của cây sa nhân tím. Từ đó mới có cơ sở công nhận cây sa nhân tím có thể trở thành "cây giảm nghèo, cây góp phần bảo vệ cây trong rừng phòng hộ" hay không? Và việc nhân rộng dự án chỉ có thể triển khai khi dự án đạt hiệu quả trong thực tiễn, chứ không phải nhân rộng theo kết quả lý tưởng nêu trong quy trình kỹ thuật... trên giấy! Tôi lại chợt nghĩ đến câu nói nhói lòng của người đàn ông trồng nhiều sa nhân nhất vùng Ba Trang: "Mong gì nhiều ở mấy sào sa nhân tím ấy"!


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


CÁC TIN KHÁC
.