Đời dưa

01:04, 18/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những cánh đồng dưa ẩn mình trong lau lách. Những căn chòi lúp xúp giữa sông. Nơi ấy, những người nông dân đang cần mẫn bên ruộng dưa, với khát vọng đổi đời.
 
Cây dưa hấu vốn chỉ phù hợp với vùng đất mới. Do vậy, những bãi đất màu mỡ ở bãi giữa sông Trà Khúc là điểm dừng chân tiếp theo của những người chuyên trồng dưa ở phía tây huyện Bình Sơn. Họ đi trồng dưa với bao nỗi nhọc nhằn, nhưng chưa bao giờ tắt hy vọng. Bởi, trồng dưa đã thành cái nghiệp đối với họ.

Nhọc nhằn nơi bờ bãi

Giữa tháng tư, bãi cát dài hun hút nằm giữa sông Trà khoác lên mình một màu xanh mát mắt bởi những ruộng dưa, đồng rau, bãi bắp. Cách con đường lớn Mỹ Trà - Mỹ Khê vài trăm mét ra hướng giữa sông Trà (phía hạ lưu cầu Trà Khúc) mùa này thấp thoáng những căn lều tạm xen trong những đám lau sậy. Theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn ra sông, những ruộng dưa dần hiện ra sau “rừng” cỏ dại um tùm.
 

 

Bãi dưa giữa sông Trà Khúc.
Bãi dưa giữa sông Trà Khúc.

Hiện, có hơn chục hộ dân ở xã Bình Chương đang trồng dưa ở khu bãi giữa sông Trà (cách hạ lưu cầu Trà khúc 2 vài trăm mét). Trung bình mỗi hộ trồng 1ha dưa. Phần lớn đất thuê đều là những vùng cây cỏ, lau lách, nên họ phải mất thêm chi phí để thuê người phát dọn. Nếu được mùa, được giá, mỗi người sẽ có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.

Dừng chân ghé vào căn lều nhỏ ven đường, phía ngoài xa, vài dáng người tất tả với những luống dưa thời điểm ghim cành. Thấy người lạ, người phụ nữ đánh tiếng: Anh ở công ty giống hả? Tôi chưa kịp trả lời thì chị đã tiếp lời, thời tiết năm nay bất thường, dưa tệ lắm. Rồi tự giới thiệu mình tên Hảo cùng chồng (là anh Trần Văn Minh) quê ở Bình Chương vào vùng này trồng dưa từ sau Tết đến giờ.

Suốt cả buổi miệt mài với việc chăm sóc dưa, chị Hảo quay về căn lều để chuẩn bị bữa trưa. Trong căn chòi lụp xụp, ngoài chiếc giường bằng ván, một chiếc bình ắc quy nhỏ để thắp sáng ban đêm, còn phần lớn là những bao phân bón. Bên ngoài là chiếc xe máy cũ kỹ để đi lại. Một hồ nước nhỏ lót bạt dưới đáy dùng để sinh hoạt và một ít củi khô được nhặt nhạnh để nấu ăn. Cảnh thiếu thốn hiện ra quanh căn lều tạm.

Cách đó không xa là ruộng dưa của anh Nguyễn Tấn Bình, cũng người xã Bình Chương. Thấy tôi thắc mắc vì sao phần lớn những người vào thuê đất trồng dưa ở đây đều là người Bình Chương, anh Bình giải thích: Trước đây chúng tôi chỉ trồng dưa ở quê. Nhưng cây dưa phải trồng trên đất mới mới ít dịch bệnh, cho năng suất cao. Nghề làm dưa khắp nơi đã giúp cho nhiều người khá giả, nên nhiều người ở quê tôi gắn bó với nghề trồng dưa và trở thành phong trào đi thuê đất làm dưa như bây giờ. Cứ thế, sau mỗi dịp Tết, chúng tôi lại rong ruổi đi tìm những vùng đất mới để trồng dưa.

Thấy tôi có vẻ hóng chuyện, anh Bình đi sâu vào “chuyên môn”: Cây dưa nó nghiệt lắm, chăm dưa như chăm con mọn ấy. Nếu bỏ một ngày không chăm sóc, dưa bị sâu bệnh ngay. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư xuống đây rồi, nếu không chăm sóc kỹ coi như lỗ nặng. “Từ sáng sớm đến chiều muộn phải thường trực trên ruộng dưa, đến lúc thu hoạch mới thảnh thơi được. Nhưng đã đi làm thì phải thuê đất với diện tích lớn, cho  bõ công”-anh Bình vừa nói, vừa hướng mặt ra ruộng dưa canh chừng.

Không chỉ chấp nhận với hoàn cảnh thiếu thốn, vất vả nơi đất khách, mà tình cảm gia đình cũng đành gác lại. Bởi, họ thường xuyên xa nhà, con cái phải gửi cho ông bà chăm sóc. “Nhớ con lắm chứ anh, nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà. Ở đây còn đỡ, chứ đi làm ăn ở Tây Nguyên thì còn thiếu thốn hơn nhiều. Muốn về thăm con cũng không đi được. Nghề trồng dưa thành cái nghiệp của chúng tôi rồi”, chị Hảo chia sẻ.

Hy vọng đổi đời

Vụ này, vợ chồng anh Minh thuê khoảng 1,2ha đất (24 sào). Tiền thuê đất mỗi sào 500.000 đồng. Để làm được ruộng dưa, còn phải thuê nhân công phát dọn cây cỏ, làm mặt bằng với tiền công không ít. Ngoài ra còn đầu tư phân bón, thuốc sâu bệnh... Anh kể: Năm rồi tôi thuê 1ha ở vùng bãi ven sông Rin ở huyện Sơn Hà để trồng dưa. Kết quả là lỗ khoảng 30 triệu đồng. Đó là lỗ tiền vốn đầu tư, nếu tính công nữa thì nặng hơn.

Anh Trần Văn Minh cần mẫn chăm sóc ruộng dưa của mình.
Anh Trần Văn Minh cần mẫn chăm sóc ruộng dưa của mình.


Không riêng gì anh Minh, phần lớn những người trồng dưa vào mùa này năm ngoái rơi vào cảnh khốn đốn, vì giá dưa quá thấp. Dù vậy, nhiều người vẫn theo nghề với cái lý: “Trồng dưa nó ghiền lắm. Nếu mình bỏ một vụ, mà khi đó giá cả cao thì tiếc lắm, nên cứ phải làm thường xuyên. Được thì có số vốn lớn, còn mất thì đành chấp nhận và hy vọng mùa sau. Bởi, mình chăm chỉ chừng 3 tháng, nếu được mùa, giá khá thì không loại cây nông nghiệp nào có lãi bằng trồng dưa hấu”.
 

“Trồng dưa nó ghiền lắm. Nếu mình bỏ một vụ, mà khi đó giá cả cao thì tiếc lắm, nên cứ phải làm thường xuyên, nghiệp trồng dưa nó như vậy đó”.
       Nông dân Trần Văn Minh.
 
Đến thời điểm này, những ruộng dưa ở vùng này đã xuống giống được hơn một tháng. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đã dồn vào ruộng dưa nên phải tiếp tục đầu tư. Theo những người trồng dưa nơi đây thì thời tiết năm nay bất lợi hơn, dưa phát triển không đều. Tuy nhiên, giá dưa ngoài thị trường hiện giờ trên dưới 10 nghìn  đồng/kg nên họ gửi vào ruộng dưa của mình bao nhiêu kỳ vọng. “Năm ngoái nhiều người lỗ quá, ít người trồng nên giá dưa lên cao. Sợ ít bữa nữa giá lại xuống thấp, lo lắm chứ. Còn non tháng nữa là dưa chín, chỉ cần giá dưa lúc đó bằng một nửa bây giờ là mừng lắm rồi”, anh Minh vừa lo, vừa hy vọng.

Với những người trồng dưa chuyên nghiệp, mỗi một mùa xuống giống là họ thấp thỏm với giá cả nhưng cũng giữ cho mình một niềm hy vọng trúng mùa, được giá. “Triết lý” của người trồng dưa là không bao giờ mất niềm tin và hy vọng nếu muốn đổi đời. Đó là động lực to lớn và duy nhất để họ vượt qua thiếu thốn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh.

Rời khỏi những ruộng dưa và những căn chòi tạm bợ khi ánh nắng vừa tắt trên sông Trà. Bên kia bãi sông là những dãy phố khang trang, người xe tấp nập qua lại khi ánh điện lung linh vừa lên đèn. Trên bờ bãi, vẫn còn đó những dáng người tất tả chăm các ruộng dưa. Dường như vất vả với họ là lẽ thường. Nỗi lo lớn nhất của họ chỉ là “ruộng dưa tươi tốt và giá dưa cao lúc thu hoạch”.
 
XUÂN THIÊN

 

CÁC TIN KHÁC
.