Ông “ngân hàng”

01:09, 25/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rời quân ngũ trở về quê nhà chỉ còn chiếc ba lô đứt chỉ. Ấy vậy mà, thấm thoắt hơn 30 năm sau ông đã sở hữu trong tay tiền tỷ với những cánh rừng bạt ngàn, đàn trâu, bò lên đến gần trăm con. Có tiền, ông dựng nhà, nuôi các con ăn học đàng hoàng.

Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, mà từ hơn 10 năm qua ông đã trở thành chỗ dựa cho nhiều hộ nghèo ở địa phương. Từ những khoản tiền ông cho mượn, nhiều người nghèo đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Không chỉ vậy, ông còn là chỗ dựa của lớp cán bộ trẻ địa phương khi mà bằng uy tín của mình ông đã “gỡ rối” rất nhiều vụ việc phức tạp. Ông là Đinh Văn Hanh ở thôn Ka Năng, xã Sơn Tinh (Sơn Tây), một trong những tấm gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm qua.

Nghị lực của người lính

Xã vùng cao Sơn Tinh vốn là vùng căn cứ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nên nơi đây đã trở thành “túi bom” trong những cuộc oanh tạc, khiến cho những ngôi làng nhỏ, những cánh rừng nguyên sinh gần như bị xóa sổ. Còn với cậu bé Hanh, tuổi ấu thơ là những tháng ngày trốn chạy đạn lạc. Rồi hình ảnh những người thân yêu, hàng xóm ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc đã  tạc vào ý nghĩ của ông lòng căm thù giặc.

 

Nhưng với ông, có lẽ nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất không phải là những cái chết, những tiếng nổ chát chúa của bom đạn mà chính là nạn đói của những ngày sau khi quê hương ông sạch bóng quân thù. “Lúc đó mọi thứ trở nên quá kinh khủng, rừng xơ xác vì bom đạn, đường đi không có, cái đói, cái nghèo quanh quẩn tưởng chừng khiến bà con chúng tôi gục ngã” – ông Hanh nhớ lại.

 

 Ông Hanh (bên trái) đến nhà anh Đinh Văn Cấy thăm hỏi và hướng dẫn cách làm kinh tế rừng. Ảnh: LÊ ĐỨC
Ông Hanh (bên trái) đến nhà anh Đinh Văn Cấy thăm hỏi và hướng dẫn cách làm kinh tế rừng. Ảnh: LÊ ĐỨC



Bằng ý chí của người lính cụ Hồ, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông đã khai hoang đất trồng lúa nước, trồng mì… Khi có của ăn của để, ông lại đổi gạo, củ mì cho tư thương lấy trâu, bò về nuôi để tận dụng sức kéo. Cứ thế ông mở rộng diện tích đất canh tác, nhân rộng đàn trâu, bò. “Ngày ấy khổ lắm. Ẩn họa của những tàng tích còn sót lại trong chiến tranh luôn rình rập như bom, mìn, rồi nạn đói, giặc dốt luôn là nỗi kinh hoàng. Hình ảnh một cụ già neo đơn chết trong căn chòi lá vào mùa đông năm 1976 thực sự ám ảnh. Sau ngày đưa táng cụ ấy, mình đã tự hứa với lòng sẽ tìm mọi cách làm giàu. Và cuộc đời đã cho tôi thuận lợi”, ông Hanh tâm sự.

Đến nay, ông đang sở hữu hơn 100 con trâu, bò, dê; hơn 20ha rừng keo lai, cau và 2ha lúa nước trị giá cả tỷ đồng. Có tiền, ông lo cho sáu người con ăn học đàng hoàng. Đến nay các con ông đều có việc làm ổn định.

“Ngân hàng” của người nghèo


Không chỉ biết làm giàu cho bản thân mà từ nhiều năm qua, ông đã trở thành “ngân hàng” sống của hàng chục hộ gia đình nghèo người Ca Dong nơi rẻo cao này. Với ý nghĩ giúp bà con mình cùng nhau thoát nghèo, ông Hanh đã dùng số tiền mình có được cho người dân trong thôn, xã mượn để phát triển kinh tế gia đình, làm nhà và cả chữa bệnh.

Nhiều hộ dân trước kia cuộc sống nghèo khổ không có cái ăn, có hộ gia đình cả năm sáu con người chỉ trú ngụ trong một cái chòi tạm bợ bên mép rừng... nhưng giờ họ đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Như trường hợp của anh Đinh Văn Cấy, từng là một hộ nghèo, nhà đông con, hơn 5 năm trước cả gia đình 6 con người chỉ sống tạm bợ trong căn nhà chưa đến 10m2. Năm 2007, biết hoàn cảnh anh Cấy khó khăn, ông Hanh đã cho mượn 30 triệu đồng để mua vật liệu làm nhà và trồng rừng. Đến nay, không những có nơi ở ổn định, trồng hơn 2ha rừng keo sắp cho thu hoạch mà anh còn dành dụm trả hết số tiền đã mượn. “Nhờ chú ấy cho mình mượn tiền mà mình mới có được cơ ngơi như thế này. Nếu không có chú ấy giúp đỡ chắc giờ không biết gia đình mình ra sao nữa”, anh Cấy tâm sự.


Còn với anh Đinh Văn Bang, vốn là một hộ nghèo, bản thân suốt ngày rượu chè bê tha. Biết hoàn cảnh khó khăn của hàng xóm, ông Hanh tìm đến động viên và cho mượn hơn 20 triệu đồng để mua bò về nuôi. Từ nguồn vốn đó, đến nay anh Bang đã vươn lên trở thành “đại gia” trong thôn. “Từ ngày chú Hanh cho mượn tiền, mình có cớ từ chối lời mời của bạn nhậu để chăn bò, phát rẫy trồng keo. Giờ thì cuộc sống của gia đình mình khấm khá lắm rồi. Không có chú Hanh thì chắc mấy đứa con mình thất học hết thôi”, anh Bang chia sẻ.

Tính đến nay, ông Hanh đã giúp đỡ trên 50 hộ dân địa phương bằng hình thức cho mượn tiền để phát triển kinh tế, với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mà không tính lãi suất. Để làm được điều đó, ông Hanh cho biết, ban đầu ông cũng có ý định cho người dân mượn tiền, nhưng không ai hỏi mượn nên ý tưởng đó lại thôi. “Một hôm, nhà hàng xóm có cháu bé ốm nặng cần phải nhập viện nếu không sẽ nguy kịch đến tính mạng, nhưng nhà nghèo không có tiền. Biết chuyện tôi về nhà lấy 10 triệu đồng mang sang cho mượn. Lúc đó tôi nghĩ nếu họ không có tiền trả lại thì coi như con cọp trên núi vồ mất con bò. May mà cháu bé sau đó khỏe mạnh, giờ là thanh niên đi rẫy rồi đó”, ông Hanh nhớ lại kỷ niệm đầu tiên khi trở thành “ngân hàng” của người nghèo.
     
Điểm tựa cho cán bộ trẻ

Con đường ngoằn ngoèo từ Tỉnh lộ 623 rẽ về xã Sơn Tinh, mây mù giăng kín, những cơn mưa rừng như trút nước khiến cho chặng đường gần 20km cứ xa vời vợi và trở nên hoang vu. Thế nhưng, giữa nơi thâm sâu cùng tận này sức sống của một miền quê lại hiện ra trong vắt giữa đại ngàn. Đến nhà chỉ có vợ ông, hỏi mới biết ông đang đi làm “quan tòa” để hàn gắn tình cảm cho một cặp vợ chồng trẻ ở địa phương.

Với suy nghĩ, mất đoàn kết là mất tất cả và các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, trộm cắp… đều do cái đói, cái nghèo và thiếu học gây ra, nên ngoài giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, ông còn thường xuyên phối hợp cùng các Hội, đoàn thể địa phương vận động tuyên truyền nếp sống văn hoá trong khu dân cư. Thời gian gần đây, một số đối tượng truyền đạo trái phép hoạt động ở địa phương, dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia với lời hứa sẽ hỗ trợ tiền, gạo… nhưng với uy tín của mình, ông Hanh và chính quyền xã đã vận động, tuyên truyền giúp nhiều người dân nhận thức được vấn đề, không nghe lời kẻ xấu.

“Không chỉ là một công dân sống mẫu mực, biết chăm lo cho gia đình và láng giềng mà chú Hanh còn làm tốt công tác dân vận ở địa phương. Nhờ chú Hanh mà nhiều “điểm nóng” ở địa phương được giải quyết một cách êm thấm. Chú ấy thực sự là điểm tựa cho lớp cán bộ trẻ như chúng tôi, nhất là những cán bộ từ đồng bằng lên công tác”, anh Bùi Văn Ba - Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh nói.


Lê Đức
 


CÁC TIN KHÁC
.