Dấu tích của một thời khốc liệt

09:05, 01/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 5.2014, di tích Khu xà lim của Ty Công an thời Mỹ- ngụy (giai đoạn 1955-1959), ở số 71- đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi được khởi công tôn tạo qua sự tái hiện của một số nhân chứng. Ít ai qua đây nghĩ rằng, đây lại là nơi mà 60 năm trước, Mỹ- ngụy đã thực hiện giam cầm, tra tấn dã man nhiều chiến sĩ cách mạng của ta, nhưng các đồng chí vẫn giữ khí tiết của người cộng sản.

Hồi ức của một thời tàn khốc

Chiến tranh đã dần lùi xa nhưng sự tàn khốc của chế độ nhà tù tại Khu xà lim Ty Công an thời Mỹ - ngụy (giai đoạn 1955 - 1959), vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông Lê Quang Ba (SN 1937)- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Chủ tịch Hội tù yêu nước tỉnh. Tháng 10.1956, ông bị Công an quận Mộ Đức bắt tra tấn hỏi cung hơn một tháng rồi chuyển ra giam tại Khu xà lim. Ngược dòng ký ức của những ngày tháng đau thương, ông Ba nhớ lại: Sau năm 1954, phong trào cách mạng của nhân dân ta dâng cao, đòi Mỹ-Diệm thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 10.10.1954. Để trấn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta, tại Quảng Ngãi, bọn ngụy quyền đã tổ chức bố ráp, bắt bớ các chiến sĩ cách mạng từ các xã, huyện trong tỉnh và từ Sài Gòn đem về Quảng Ngãi. Sau đó, chúng lập thành án chuyển đi giam cầm ở các nhà lao Thừa Phủ (Thừa Thiên Huế) và nhà lao Côn Đảo. Tại  khu nhà trên đường Phan Bội Châu cũ (nay là số 71- đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi) được chúng sử dụng làm Bộ chỉ huy của Ty Công an, vừa làm nơi giam cầm, tra tấn, thủ tiêu tù chính trị và hình thành nên Khu xà lim của Ty Công an Mỹ - ngụy.

Hai ô xà lim được phục dựng.         Ảnh: H.X
Hai ô xà lim được phục dựng. Ảnh: H.X


Nguyên gốc Khu xà lim của Ty Công an Mỹ- ngụy có diện tích khoảng 392,5m2; gồm 1 ngôi nhà 2 tầng, có phòng làm việc của Trưởng ty và phòng Cảnh sát hành chính. Phần diện tích còn lại được phân bố làm phòng di động (đội di động này chuyên đi bắt và chở tù từ các nơi về giam cầm); phòng hỏi cung, phòng căn cước, phòng nhốt tù và 5 ô xà lim nhốt tù trong thời gian hỏi cung và biệt giam những tù nhân quan trọng để hành hạ thể xác và tinh thần. Những ô xà lim này rất chật hẹp và thiếu ánh sáng. Đối với những tù nhân mà chúng cho là “nguy hiểm” thì cho giam riêng từng ô, gọi là biệt giam. Phía sau khu xà lim còn có ngôi nhà tranh để những tù nhân loại nhẹ phục vụ và sinh hoạt.

Bà Lê Thị Mỹ Danh- Nguyên Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh là một trong những người từng bị giam cầm và hứng chịu những đòn roi tra tấn hết sức dã man của kẻ thù tại Khu xà lim này. Đã 60 năm trôi qua, nhưng di chứng của những trận tra tấn vẫn còn âm ỉ mãi trong cơ thể bà. Bà bồi hồi nhớ lại: Chúng dùng mọi thủ đoạn để tra khảo. Với tù nhân nữ, chúng cột ống quần rồi thả rắn vào trong. Thủ thuật này không gây đau đớn về thể xác, nhưng tác động kinh khủng đến thần kinh và tâm lý của tù nhân. Không chỉ vậy, chúng còn dùng kẹp có hệ thống dẫn điện kẹp vào mười đầu ngón tay rồi quay điện trong lúc hỏi cung. Dã man hơn, chúng dùng dây cột chân, treo ngược những tù nhân nam lên trần nhà rồi đánh, đấm... Nhiều anh em lúc đó còn rất trẻ tuổi, vẫn kiên cường chiến đấu, không khuất phục trước những đòn roi tàn ác của kẻ địch.

Trong 4 năm hoạt động (1955- 1959), Khu xà lim Ty Công an Mỹ - ngụy đã giam cầm, tra tấn nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Quảng Ngãi, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh. Cũng từ khu xà lim này, các ông Lê Long Châu, Trịnh Phú Nhi (Bình Sơn), Lê Phan (Sơn Tịnh) đã đào ngạch tẩu thoát trở về căn cứ hoạt động. Riêng ông Lê Long Châu bị địch bắt trở lại và thủ tiêu. Nhiều tù chính trị ở đây cũng bị thủ tiêu hoặc bị tra tấn đến chết.

Vẹn nguyên giá trị lịch sử

Cuối năm 1959, Ngụy quyền dời Ty Công an vào tiểu khu cũ để mở rộng nhà lao, khu xà lim ở số 71 Hùng Vương được trả lại cho chủ cũ. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, khu nhà này đã trải qua nhiều lần đổi chủ. Đến nay, trên nền đất cũ chỉ còn ngôi nhà 2 tầng tương đối nguyên vẹn với kiến trúc từ thời Pháp, diện tích gần 100m2. Năm ô xà lim biệt giam tù nhân không còn nguyên trạng, do chủ nhà sửa chữa. Các dụng cụ tra tấn đều không còn khi nhà lao di dời đến nơi khác. Song, khu xà lim vẫn giữ được giá trị lịch sử, là chứng nhân của một thời kỳ đau thương và hùng tráng mà nhân dân Quảng Ngãi đã trải qua. Ông Lê Quang Ba, kể: Nhiều chiến sĩ cách mạng dù bị kẻ địch tra tấn, đánh đập, hành hạ thể xác và tinh thần, nhưng vẫn hiên ngang nêu cao khí tiết của người cộng sản kiên trung, không nao núng, không đầu hàng trước kẻ thù hung bạo, hiểm ác.

Toà nhà Di tích Khu xà lim của Ty Công an  thời Mỹ- Ngụy (giai đoạn 1955-1959) tại số 71 Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi đã được tôn tạo.
Toà nhà Di tích Khu xà lim của Ty Công an thời Mỹ- Ngụy (giai đoạn 1955-1959) tại số 71 Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi đã được tôn tạo.


Năm 2001, UBND tỉnh thống nhất giữ lại Khu xà lim của Ty Công an thời Mỹ - ngụy giai đoạn 1955- 1959 để sửa chữa, tôn tạo làm di tích lịch sử, đồng thời làm nhà trưng bày truyền thống về các nhà lao tại tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2002, Khu xà lim này được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, tháng 5.2014, Phòng VH-TT TP.Quảng Ngãi đã phục dựng lại khu xà lim từ mô phỏng của những cựu tù chính trị từng bị giam cầm nơi đây.

Hiện nay, việc tôn tạo giai đoạn 1, gồm phục dựng 2 xà lim, phòng tra khảo và các phòng trưng bày đã hoàn thành. Phòng VH-TT thành phố đang tiếp tục xin kinh phí để triển khai giai đoạn 2 nhằm bổ sung tư liệu, hiện vật cho di tích. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng- Trưởng Phòng VH-TT thành phố: “Ngoài bản đồ, sa bàn chỉ dẫn bao quát, di tích Khu xà lim sẽ trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý. Sau khi được đầu tư, tôn tạo hoàn chỉnh, nơi đây sẽ là điểm tham quan, tìm hiểu nghiên cứu lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là với thế hệ trẻ ”.
 
 

P.ĐỨC-H.XUYÊN
 


CÁC TIN KHÁC
.