Di tích thành phế tích

10:11, 26/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu biết việc tôn tạo, sửa chữa các di tích lịch sử (DTLS) đang gặp rất nhiều khó khăn vì số lượng nhiều, kinh phí ít, nhưng khi nhìn những DTLS hoang tàn, đổ nát thì ai cũng chạnh lòng.

Xác xơ đền Văn Thánh

Nằm giữa cánh đồng An Phong và Bầu Nham nên đến mùa mưa, đền Văn Thánh ở thôn 5, xã Đức Chánh (Mộ Đức) – DTLS cấp tỉnh được xếp hạng vào ngày 3.1.1996 chẳng khác gì “ốc đảo” bởi bốn bề là nước và khi đặt chân vào bên trong, sẽ chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát của ngôi đền. Cổng chính đền Văn Thánh trơ trọi, loang lổ vết nứt. Năm tấm bia đá xanh xiêu vẹo, lại bị rêu phủ mờ chữ viết nằm rải rác giữa um tùm cỏ dại vốn là vị trí của đền chính. Tường rào xung quanh thì nơi nghiêng chỗ ngã; rồi tấm bia chỉ dẫn di tích thì chữ còn chữ mất. Có lẽ cái lành lặn nhất trong khuôn viên ngôi đền rộng 3.450m2 này chính là… căn nhà tạm bợ của bà Trần Thị Thành!

Cổng, bia ở đền Văn Thánh loang lổ, xiêu vẹo.
Cổng, bia ở đền Văn Thánh loang lổ, xiêu vẹo.


Theo lời kể của bà Thành thì đền Văn Thánh được xây dựng trên phần đất thuộc tổ tiên của gia đình bà. Có lẽ vì thế nên mấy chục năm nay, bà đã cùng cha mình trông nom và hương khói cho ngôi đền để nó bớt phần quạnh hiu, hoang vắng. Rồi năm 2013, cha bà Thành qua đời. Việc “giữ” và dọn dẹp cỏ dại quanh ngôi đền hiện do mẹ con bà đảm nhận dù chẳng được ai giao. “Lúc còn sống cha tôi bảo đây là đền thiêng nên mình phải gìn giữ cho đến khi Nhà nước sửa sang lại. Cha tôi còn nói trước đây đền đẹp lắm. Nhưng năm 1967, bị đạn pháo của Mỹ bắn sập nên mới hư vậy”, bà Thành lý giải.

 Nuối tiếc hầm nhà bà Noa

Cách đền Văn Thánh hơn một cây số là hầm nhà bà Noa – DTLS cấp tỉnh được xếp hạng ngày 31.12.2002 cũng trong tình trạng tương tự. Đó là khu vườn cùng căn hầm bí mật – nơi ăn ở, làm việc và bắt liên lạc với cách mạng của cán bộ, quân và dân xã Đức Chánh nói riêng, huyện Mộ Đức nói chung trong những năm 1955 – 1957. Đáng tiếc nhất là miệng hầm đã bị cây cối, đất đá che khuất nên không thể biết được lòng hầm nay còn hay đã bị lấp. Thứ còn lại với căn nhà di tích ấy là 4 cái trụ được dựng lên để đánh dấu miệng hầm cùng tấm bia đá đặt bên vệ đường nhằm ghi dấu, tưởng nhớ sự hy sinh, mất mát to lớn của quân và dân Đức Chánh trong thời kỳ tàn khốc của chế độ Mỹ - Diệm.

Bia di tích lịch sử hầm nhà bà Noa.
Bia di tích lịch sử hầm nhà bà Noa.


Lý do, tấm bia đá không được dựng trong khuôn viên khu di tích, mà lại đặt nằm khiêm tốn ở phía bên kia đường – đối diện với ngôi nhà bà Noa (cũ) được một người dân thôn 2 cho biết: “Dù biết đó là chuyện ngoài ý muốn, vì người chủ mới không chịu cho dựng bia tưởng niệm trong khu vườn cũ, nhưng có trải qua chiến tranh, có chứng kiến 4 ngày đêm kinh hoàng của trận càn ấy mới biết hầm nhà bà Noa quý giá đến chừng nào. Mà càng quý căn hầm ấy, tôi càng buồn cho số phận của nó cũng như cái sự “vênh” giữa tấm bia với vị trí khu di tích. Bởi khi lớp già chúng tôi chết đi, liệu tụi trẻ có còn biết đến giá trị của di tích này”.     
 
Có lẽ không riêng gì đền Văn Thánh, hầm nhà bà Noa mà hiện tại, rất nhiều DTLS cấp tỉnh, thậm chí cấp quốc gia đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được tôn tạo, tu sửa. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng điệp khúc muôn thuở vẫn là “thiếu kinh phí”. Tuy nhiên, với những  di tích là biểu hiện sinh động của vùng đất nghèo hiếu học như đền Văn Thánh; hay nơi vừa ghi dấu những mất mát đau thương, vừa thể hiện tinh thần kiên trung bất khuất của nhân dân như hầm nhà bà Noa thật đáng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


CÁC TIN KHÁC
.